Ông Đặng Văn Chính. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
PV Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế về hiệu quả thực hiện đường dây nóng bệnh viện (BV) sau 5 tháng tái triển khai.
Xin ông cho biết kết quả trong 5 tháng tái triển khai đường dây nóng BV?
Ông Đặng Văn Chính:Tính từ tháng 11/2013 đến ngày 27/3/2014, đường dây nóng của Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 6.700 cuộc gọi phản ánh của người dân. Trong đó, cuộc gọi đến có nội dung phản ánh về chuyên môn, thái độ, trách nhiệm của nhân viên y tế chiếm 12,78% (858 cuộc gọi); phản ánh về gian lận, hối lộ, viện phí chiếm 3,84% (284); phản ánh làm sai quy định của cơ sở y tế 6,99%; hỏi thông tin về y đức, sức khỏe 7,18%...; các cuộc gọi để kiểm tra hoạt động của đường dây, nhầm số, trùng phản ánh... chiếm 47,5%.
Hiện nay, việc giải quyết các vấn đề thông qua đường dây nóng được thực hiện theo hình thức phối hợp, theo đó, việc giải quyết phân theo 3 cấp độ: BV - Sở Y tế - Bộ Y tế.
Thông thường, người dân gọi trực tiếp đến BV (sự việc liên quan đến BV). Nếu người dân không thỏa mãn cách giải quyết hoặc thời gian giải quyết lâu, người dân gọi đến đường dây nóng của Sở hoặc Bộ. Thêm nữa, do tính chất sự việc, chẳng hạn có những sự việc cấp cứu bệnh nhân cần phải được xử lý ngay, thì chính Bộ trưởng sẽ trực tiếp giải quyết, ví dụ như vụ việc liên quan đến vắc xin trước đây.
Tuy nhiên, có những ý kiến gửi lên Bộ nhưng xét thấy sự việc có thể do địa phương giải quyết được thì Bộ sẽ giao cho địa phương. Khi giải quyết xong, địa phương phải báo kết quả giải quyết về Bộ, đồng thời nếu không thấy người dân phản ánh lại nghĩa là họ có thể đã hài lòng với cách giải quyết của địa phương.
Trên thực tế, theo phản ánh, phần lớn người dân hài lòng với cách giải quyết những bức xúc thông qua đường dây nóng, vì nó tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian của họ.
Như ông vừa nói, có những vụ việc Bộ sẽ giao lại cho địa phương giải quyết. Vậy Thanh tra Bộ Y tế có trách nhiệm gì không trong những vụ việc này?
Ông Đặng Văn Chính: Tôi xin khẳng định là Thanh tra Bộ sẽ phải theo dõi đến cùng các vụ việc được gọi đến đường dây nóng của Bộ. Chẳng hạn như vụ việc “không mua thuốc đắt bệnh viện, bác sỹ không tiêm cho bệnh nhân” diễn ra ở Hải Phòng vừa qua, chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt phải giải quyết đến cùng, trong đó phải làm rõ việc cửa hàng thuốc tư nhân có bán thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân.
Hiện nay, cách giải quyết sự việc của các BV, Sở Y tế cũng rất tích cực, nói chung người dân rất hài lòng sau khi được giải đáp. Điều này được thể hiện thông qua số cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế đã giảm đi đáng kể so với giai đoạn đầu. Nguyên nhân là do các BV và các Sở Y tế địa phương đã chú trọng hơn trong công tác này và có kỹ năng, kinh nghiệm giải quyết các vụ việc rõ ràng hơn.
Thực sự Bộ Y tế rất cầu thị vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, vì chính người dân là điều kiện để ngành Y tế tồn tại và phát triển. Nếu BV nào không có tín nhiệm, người dân không đến khám chữa bệnh, chắc chắn BV đó không thể phát triển, còn BV nào có tín nhiệm, có chuyên môn cao thì lại càng thu hút đông bệnh nhân.
Thưa ông, việc triển khai đường dây nóng tại BV được thực hiện đã khá lâu, nhưng hiệu quả thực sự chưa như mong muốn. Vậy, có khi nào việc triển khai đường dây nóng như hiện nay sẽ dẫn đến việc “bão hòa” và dần bị lãng quên?
Ông Đặng Văn Chính: Đúng là thời gian trước, lãnh đạo các cấp không quan tâm một cách đầy đủ về việc này. Chính vì thế mà Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 09 ngày 22/11/2013 để tăng cường hiệu quả của đường dây nóng.
Tôi tin rằng nếu duy trì và phát huy được thường xuyên việc này thì rất tốt. Thực tế, thời gian gần đây, hiệu quả của đường dây nóng là rất tích cực.
Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những thầy thuốc luôn có tinh thần phục vụ hết lòng vì bệnh nhân thì trong ngành nào cũng thế, giai đoạn nào cũng thế, vẫn còn có người chưa thực sự coi trọng việc này. Vì thế, hệ thống đường dây nóng từ BV đến Bộ Y tế sẽ góp phần phát hiện và buộc nhân viên y tế phải thay đổi cách làm việc của mình theo hướng tích cực hơn, nếu không sẽ bị người dân phàn nàn mà kết quả là sẽ bị xử lý.
Có một số lãnh đạo BV cho rằng, hiện nay, số cuộc gọi đến đường dây nóng đúng chuyên môn, đúng nội dung cần phải được giải quyết còn ít, trong khi đó, lãnh đạo BV lại phải giải quyết nhiều công việc nên đôi khi cũng thấy bất cập? Ý kiến của ông thế nào?
Ông Đặng Văn Chính: Những ai nói như vậy thì cần phải chấn chỉnh ngay, vì người dân gọi đến là người ta mất tiền, mất thời gian, phải suy nghĩ để gọi, để hỏi, và đương nhiên cũng có những cuộc gọi "lạc đề". Nhưng tôi cho rằng cán bộ ngành Y nói riêng phải biết ghi nhận tất các phản ánh đó, vì những người gọi đến là những người hoặc do bức xúc hoặc họ là người có trách nhiệm với xã hội.
Hơn nữa, đối với người làm công tác quản lý, điều tối quan trọng là thông tin và trong hàng trăm thông tin, chỉ cần có vài thông tin có giá trị là đã giúp ta hoàn thành tốt công việc rồi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thúy Hà thực hiện
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;