Học tập đạo đức HCM

Giải trình thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải chăn nuôi Tìm điểm cân bằng

Chủ nhật - 10/06/2018 10:24
Xử lý chất thải chăn nuôi đang là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, vì ô nhiễm môi trường, chưa được xử lý triệt để, mà đơn vị muốn thực hiện cũng không đủ khả năng để triển khai. Phiên giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã làm sáng tỏ nguyên nhân của tình trạng này, làm rõ trách nhiệm, cũng như gợi mở giải pháp khắc phục.
 

Lỗi từ cách tiếp cận vấn đề

“Tôi tán thành nghiên cứu sửa đổi hai quy chuẩn QCVN:62 và QCVN:08, để vừa đưa ra định mức cho quản trị công tác bảo vệ môi trường, vừa phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta. Tất nhiên, cùng với việc đưa ra quy chuẩn mới cũng cần tổ chức thực thi nhiệm vụ đồng bộ tại các cấp, ngành, và có sự nghiêm túc chấp hành của những đối tượng tham gia. Thực tế, khi tiếp xúc với doanh nghiệp, thì mọi ý kiến đều đồng thanh phàn nàn về hai quy chuẩn này. Vừa quản trị được môi trường, vừa thúc đẩy sản xuất và hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới là mục tiêu khó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thực hiện được nếu có sự đồng lòng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương”.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường

Việc xử lý chất thải chăn nuôi được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như: Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thú y, Pháp lệnh Giống vật nuôi; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này lại được thực hiện theo hai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gồm QCVN:62 về nước thải chăn nuôi và QCVN:08 về chất lượng nước mặt, được ban hành theo các thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thực tế, đây là những văn bản hướng dẫn thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, được áp dụng trực tiếp đối với các cơ sở chăn nuôi để quản lý việc xử lý chất thải chăn nuôi. Bên cạnh những mặt được khi ban hành quy chuẩn này, qua giám sát thực tế ở nhiều địa phương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, nội dung các quy chuẩn này không rõ ràng, không phù hợp với điều kiện thực tế cũng như không tương thích với cách quản lý của quốc tế. Đặc biệt, việc giải thích khái niệm “nước thải chăn nuôi” trong QCVN:62, và nước mặt trong QCVN:08 đều chưa rõ ràng. Vì vậy, khi triển khai, các chủ thể liên quan đều không rõ “nước thải chăn nuôi” từ nơi xả thải khi đến “nguồn tiếp nhận chất thải” sẽ được quản lý như thế nào? Khu vực này có được hiểu là “nước đọng trên mặt đất” theo QCVN:08 hay không?

Giám đốc vùng nguyên liệu của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) Trịnh Quốc Dũng cho biết, bình quân một trang trại của công ty phải đầu tư 2 - 3 triệu USD cho hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, chiếm 15 - 20% tổng chi đầu tư chung. Chi phí vận hành hàng ngày cho hệ thống này cũng chiếm 4 - 5% giá thành sản phẩm. “Trong điều kiện hiện nay, để có lợi nhuận 1 - 2% rất khó khăn, mà chi phí vận hành hệ thống xử lý chất thải chiếm 4 - 5% giá thành sản phẩm”. Không chỉ có khó khăn này, sau quá trình học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển chăn nuôi trên thế giới, Vinamilk nhận thấy: 50% quy trình xử lý (từ thu gom tự động, vận chuyển, tách phân) có thể sử dụng máy móc hiện đại, song 50% quy trình còn lại không tìm được công nghệ tương ứng để xử lý nước thải đạt quy chuẩn QCVN:62 và QCVN:08.

Ngoài ra, ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho biết, vì yêu cầu quá cao tại quy chuẩn QCVN:08,  nông dân gánh nước từ hầm bioga nhà mình tưới cho ruộng cây bên cạnh cũng là sai phạm, do không có xe chuyên dụng, chưa qua xử lý chất thải...  “Báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN - PTNT, nếu đưa nước mặt đáp ứng quy chuẩn QCVN:08 đến tưới cho cây trồng thì sẽ chẳng có nông dân nào chấp nhận”. Khẳng định thực tế này, ĐBQH Mai Sỹ Diến đề nghị, các cơ quan chức năng cần trả lời ví von “luật ở trên trời, cuộc đời dưới đất” có đúng với quy chuẩn QCVN: 62, QCVN: 08 không?

Lý giải nguyên nhân của những bất cập trong hai quy chuẩn về nước mặt và nước thải chăn nuôi, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, do cơ quan chủ trì xây dựng mới tiếp cận trên góc độ xử lý nguồn ô nhiễm, còn chưa coi chất thải chăn nuôi lại là nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất khác. Trong khi đó, nếu nhận thấy chất thải chăn nuôi có thể là đầu vào sản xuất cho lĩnh vực khác thì sẽ không xử lý triệt để tất cả các loại chất thải, mà đưa ra quy định phù hợp với đặc thù của từng loại.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị
Ảnh: Phương Thủy

Sửa hai quy chuẩn đến đâu?

Thừa nhận những bất cập của hai quy chuẩn QCVN:62 và QCVN:08 là có thật, song ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, khi sửa quy chuẩn QCVN:62 phải chú ý đến nền tải của khu vực nhận chất thải. “Nếu chỉ bàn thải ra bao nhiêu, quên sức tải của khu vực nhận sẽ không ổn”. Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN - PTNT cần phối hợp tiến hành khảo sát đến nơi đến chốn về chất thải chăn nuôi, sức tải của từng khu vực tiếp nhận.  

Đặt vấn đề ngược lại, ĐBQH Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cũng cho rằng, bên cạnh nhìn đến những vướng mắc khi áp dụng quy chuẩn QCVN:08, thì cũng phải phân tích nếu không thực thi theo quy chuẩn này thực trạng nước mặt của nước ta sẽ như thế nào? Hơn nữa, khi đưa hai quy chuẩn này so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới, ĐBQH cũng nhận thấy, quy chuẩn của Việt Nam và các nước cơ bản “xêm xêm nhau”. Chưa kể, để nhận định quy chuẩn nước mặt, nước thải chăn nuôi có phù hợp hay không cần xét về điều kiện khí hậu, thời tiết, khả năng tự làm sạch của nguồn thải ở từng quốc gia, thậm chí là từng khu vực trong một quốc gia. Nói cách khác, để quyết định chính xác việc điều chỉnh hai quy chuẩn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học rà soát, phân tích kỹ càng, để có luận cứ thuyết phục - ĐBQH Trần Văn Minh đề nghị.


Khí sinh học là giải pháp tháo gỡ thách thức về môi trường cho ngành chăn nuôi

Sau khi lắng nghe ý kiến các ĐBQH, doanh nghiệp và địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi các quy định trong quy chuẩn nêu trên, nhất là làm rõ khái niệm, điều chỉnh quy định để dễ hiểu, tránh hiểu nhầm, hay có thể tùy nghi áp dụng. Nhưng với việc sửa đổi các thông số cụ thể với nước mặt, nước thải chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, phải thực hiện thận trọng, vì mỗi thông số này đều được xây dựng theo quy trình nghiêm ngặt. Hơn nữa, hai quy chuẩn QCVN:62 và QCVN:08 được xây dựng nhằm bảo vệ môi trường xung quanh, cũng như bảo vệ sức khỏe con người.

Phiên giải trình nằm trong chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi” của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Hy vọng rằng, sau hội nghị này, với tinh thần cầu thị của các cơ quan chức năng, điểm cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của cộng đồng sẽ được tìm ra, góp phần xây dựng những quy chuẩn phù hợp, có tính khả thi cao hơn. 

Theo Lê Minh/daibieunhandan.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập156
  • Hôm nay30,379
  • Tháng hiện tại805,657
  • Tổng lượt truy cập91,979,386
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây