Cũng như nhiều địa phương khác, xã Ngọc Sơn (Thạch Hà) đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý phần diện tích rừng được Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cắt chuyển cho địa phương quản lý. Trong tổng số hơn 604 ha ở tiểu khu 293 và 294 mới được tiếp nhận thì xã chỉ phải làm phương án giao hơn 131 ha cho 26 hộ trên địa bàn. Số còn lại đã được chủ rừng cũ giao khoán cho dân, cho Công ty Cao su Hà Tĩnh thuê hoặc một số diện tích bị lấn chiếm nay phải hợp thức hóa.
Cán bộ xã Hòa Hải (Hương Khê) đang chỉ thực địa vùng đất rừng quy hoạch để giao cho dân nhưng không thực hiện được do quá xa khu dân cư và địa hình phức tạp |
Điều đáng nói hơn, trong tổng số trên 286 ha BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ giao khoán cho 44 hộ trước đây thì chỉ 15 hộ có hộ khẩu tại địa phương với tổng diện tích được giao hơn 72 ha. Phần lớn diện tích còn lại thuộc về những người đang sinh sống ở TP Hà Tĩnh, Can Lộc, thị trấn Thạch Hà và hầu như họ không trực tiếp sản xuất và lấy rừng làm sinh kế chính. Dù chính quyền địa phương đã làm việc với các cơ quan chức năng, chủ rừng và các thành phần liên quan nhiều lần nhưng đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ vẫn không làm thủ tục thanh lý hợp đồng và các hộ nhận khoán ngoài địa bàn cũng không chịu trả lại rừng.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương không còn cách nào khác là phải giữ nguyên hiện trạng khi lập phương án giao đất, giao rừng. Điều này đồng nghĩa với việc tư liệu sản xuất chưa đến được với những người có nhu cầu sản xuất, quyền lợi lâu dài của những người sống gần rừng chưa được đảm bảo, mục tiêu cao nhất của công tác giao đất gắn với giao rừng chưa đạt được...
Thời gian qua, công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn chủ yếu được thực hiện qua việc cắt chuyển từ các chủ rừng nhà nước cho các hộ dân theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững và đề án giao đất, cho thuê đất, gắn với giao rừng, cho thuê rừng và cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, do lịch sử để lại nên mốc, ranh giới không rõ ràng, hợp đồng giao khoán không chặt chẽ, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ nên việc soát xét và xử lý tài sản trên đất cần nhiều thời gian, phức tạp.
Ở nhiều nơi, sau khi cắt chuyển, địa phương đã tiến hành giao khoán lại cho các hộ mới, tuy nhiên, giữa chủ cũ và chủ mới không thống nhất được phương án đền bù tài sản trên đất nên bế tắc. Ngoài ra, hầu như các xã được nhận đất rừng từ các chủ rừng nhà nước cắt chuyển về đều gặp khó khăn trong việc giao khoán do diện tích manh mún, địa hình hiểm trở, có tranh chấp và lấn chiếm. Cá biệt, một số nơi chủ rừng có diện tích cắt chuyển chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt nên tiến độ thực hiện chưa như mong muốn...
Giao đất, giao rừng đúng tiến độ, đúng đối tượng sẽ góp phần đảm bảo sinh kế và quyền lợi bền vững cho người dân ven rừng. (Ảnh người dân xã Phú Gia, Hương Khê đang thu hoạch keo) |
Quá trình tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi thấy một trong những vướng mắc quan trọng nằm ở khâu tư vấn. Đến nay, tổ công tác của tỉnh đã tiến hành giới thiệu 21 đơn vị tư vấn giao đất, giao rừng cho UBND các huyện, xã lựa chọn, trong đó có 15 tư vấn về tài nguyên và môi trường, 6 tư vấn về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Song cái khó là hiện nay trên địa bàn tỉnh ta chỉ có 5 đơn vị tư vấn có năng lực đo vẽ bản đồ địa chính, đánh giá tài nguyên rừng, trong khi đó khối lượng công việc lớn, diện tích các đơn vị này nhận đo vẽ chiếm tới trên 95% diện tích phải giao nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong quá trình thực hiện cũng cho thấy một số đơn vị tư vấn năng lực hạn chế, thậm chí thiếu trách nhiệm, không đảm bảo tiến độ công việc theo cam kết nhưng chưa tìm ra phương án thay thế. Chưa dừng lại ở đó, quá trình phối hợp giữa đơn vị tư vấn với chính quyền địa phương nhiều lúc, nhiều nơi chưa tốt nên chất lượng chưa cao, chưa sát tình hình, kết quả thẩm định sơ bộ còn nhiều sai sót.
Thực tế triển khai cũng cho thấy những bất cập, hạn chế trong khâu lập phương án ở cấp xã. Theo kế hoạch, trước quý I năm nay, các xã hoàn chỉnh phương án xử lý nguồn vốn, chấm dứt hợp đồng giao khoán cũ, bàn giao hồ sơ hộ và hoàn thành phương án giao đất, giao rừng. Thế nhưng, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến nay vẫn còn 21 xã không xây dựng phương án giao đất, giao rừng do diện tích manh mún, tập trung ở rừng ngập mặn, dốc cao, lập địa cực đoan, trùng quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch đô thị và một số vướng mắc khác.
Trong số 147 xã xây dựng phương án thì mới chỉ có 39 xã đã phê duyệt, 26 xã được thẩm định đạt yêu cầu và đang chờ UBND huyện phê duyệt, số còn lại đang tiếp tục hoàn thiện... Hiện nay, ngoài một số xã gặp khó khăn trong việc lập sơ đồ thì nhiều địa phương đang ưu tiên cho đo vẽ địa chính đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp nên chưa thể tập trung cho giao đất, giao rừng. Cá biệt, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc trong việc chỉ đạo kiểm tra, soát xét diện tích, tiến hành công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức tập huấn, xây dựng phương án giao đất, giao rừng...
Để đảm bảo tiến độ, chất lượng và mục đích của đề án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2013-2015 thì những khó khăn, vướng mắc trên cần được thẳng thắn nhìn nhận, tập trung khắc phục bằng các biện pháp đồng bộ và hữu hiệu từ các cấp, ngành hữu quan.
TIẾN PHÚC
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;