Học tập đạo đức HCM

Chàng trai khuyết tật và hành trình khởi nghiệp từ tuổi 13

Thứ năm - 13/07/2017 20:40
Từ thu gom đồng nát, hót phân bò đem bán, mở cửa hàng sửa xe đạp, chàng thanh niên tật nguyền Hà Tĩnh đã từng bước khởi nghiệp để trở thành tỷ phú nức tiếng một vùng.
Trần Kim Việt trong vườn ươm tiền tỷ do anh làm chủ.

Trong hồ sơ để được nhận giải thưởng Lương Định Của cho những thanh niên có thành tích xuất sắc trong khởi nghiệp, thông tin về Trần Kim Việt chỉ có vài dòng vắn tắt: “Sinh ra trong gia đình khó khăn, bị khuyết tật do nhiễm chất độc màu da cam, nhưng anh luôn khao khát đi học, đi làm để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Được sự ủng hộ của gia đình và chính quyền địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư vườn ươm cây Gió bầu và thành lập công ty THHH Vườn ươm Việt để cung cấp giống trong nước và nước ngoài. Vườn ươm gồm ba cơ sở kinh doanh với vốn đầu tư hơn một tỷ đồng, doanh thu mỗi năm hơn ba tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên”. Nhưng ít ai biết rằng sau đó lại là cả một câu chuyện dài về chàng trai khuyết tật sinh năm 1990 với nghị lực phi thường và ước mơ làm giàu táo bạo.

Khởi đầu từ bán đồng nát, hót phân bò
Trần Kim Việt, sinh ra và lớn lên tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình đông con, thuần nông còn nhiều khó khăn. Bố bị nhiễm chất độc da cam, mẹ lại thường xuyên đau ốm. Còn bản thân anh, do di truyền chất độc da cam từ bố, nên chân trái của anh bị teo, chân phải cũng phát triển không bình thường.

Không đầu hàng trước số phận, Trần Kim Việt luôn tự nhủ với bản thân phải mạnh mẽ để trở thành chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ và các em. Ngay từ khi mới học lớp 8, cái “máu” làm giàu đã thôi thúc cậu bé Việt tự đi thu gom đồng nát, hót phân bò đi bán để mở cửa hàng sửa xe đạp tại nhà với số vốn 250 nghìn đồng. Việt kể, ngày ấy, các em còn nheo nhóc, bố mẹ lại yếu, tiền học thêm thì nhiều, nên cậu học sinh 13 tuổi quyết tâm bằng được để tìm cách kiếm tiền.

Công việc của “ông chủ” tiệm sửa xe theo Việt đến khi hết lớp 12. Bằng nghị lực và lòng quyết tâm theo đuổi con đường học hành, thoát cái nghèo cái đói, năm 2008 Trần Kim Việt thi đỗ vào ngành Nông học đại học Vinh.

Việc học của sinh viên ngành nông lâm quả thực không dễ, nay đây mai đó, đi tìm hiểu nghiên cứu vườn đất, cây trồng, người khỏe mạnh còn khó huống chi Việt. Thương cảnh trò nghèo vất vả, thầy cô trong trường khuyên anh học thêm ngành Công nghệ thông tin để sau khi ra trường được nhàn hạ hơn. Đến năm thứ 2 đại học, Việt đăng ký học thêm chuyên ngành 2, nhưng hai cơ sở của trường lại ở cách xa nhau đến 15km. Mỗi ngày, chàng sinh viên nghèo lại oằn mình đạp chiếc xe đạp cà tàng đến trường.

Trong suốt những năm học đại học, anh đã làm đủ nghề để bươn chải kiếm sống. Từ nhân viên bán sách thuê, đồ ăn vặt, đến sau này khi đã học về công nghệ thông tin, Việt lại đi làm nhân viên sửa máy tính. Dù vậy, Trần Kim Việt vẫn luôn đạt thành tích cao trong học tập, nhiều năm liền giành học bổng sinh viên khá, giỏi. Anh là đại diện tiêu biểu nhận học bổng sinh viên vượt khó Watanabe - Kanda của Nhật Bản và vinh dự là một trong hai sinh viên Đại học Vinh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 10/2014, Việt bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ về "Khoa học cây trồng" tại trường ĐH Vinh.

Kiếm tiền tỷ từ vườn đất
Cái duyên với ruộng đồng vườn đất, vườn ươm cứ cuốn lấy anh, dù quyết định học thêm ngành hai nhưng sau khi ra trường, anh vẫn theo đuổi đam mê với cây giống.

Bỏ qua cơ hội việc làm lương gần chục triệu một tháng thời điểm năm 2013, Trần Kim Việt quyết tâm cầm hai tấm bằng đại học, một bằng Thạc sĩ về quê lập nghiệp. “Trước quyết định này, nhiều người bảo tôi dại”, anh Việt cười. Gia đình, bạn bè phản đối, khuyên anh nên gắn bó với nghề kiếm cơm bằng “mười đầu ngón tay”, lúc ấy chỉ có mẹ Việt thương con, nên dúi cho anh 500 m2 đất vườn để làm vườn ươm.

Bắt đầu từ số vốn chỉ vỏn vẹn có 500 nghìn đồng, đến nay quy mô trang trại của Trần Kim Việt đã lên tới hơn 3.000 ha, thu nhập mỗi năm hơn sáu tỷ đồng.

Để đạt được cơ ngơi như ngày hôm nay, Trần Kim Việt đã không quản khó khăn, tự mày mò cách làm, đi khắp các tỉnh ở ĐBSCL, học tập cách ươm giống cây. Qua tìm hiểu thông tin, nghiên cứu thị trường, anh nhận thấy trầm hương, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, dừa sim lùn, hay các loại cây công nghiệp như sưa đỏ, cây lát hoa, vàng tâm… là những loại cây thích hợp để phát triển. Vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên, lại có thị trường rộng lớn.

Xuất phát điểm ban đầu đầy khó khăn, Trần Kim Việt phải đi xin hạt trầm về đóng bầu thử nghiệm. Sau nhiều thất bại, cuối cùng chàng trai 9x cũng tìm ra hướng đi cho mình. Năm đầu tiên, cứ 10 nghìn cây anh thu về 30 triệu đồng, tích tiểu thành đại, số tiền này lại trở thành vốn giúp anh đầu tư mở rộng diện tích vườn ươm. Năm 2013, Việt sản xuất được 400 nghìn cây trầm hương, chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

Sau đó, được sự hỗ trợ của bạn bè và gia đình, năm 2014 Trần Kim Việt thành lập công ty TNHH Vườn ươm Việt. Sau một thời gian ngắn, thị trường của anh không chỉ là các huyện trong tỉnh mà mở rộng ra toàn quốc và một số nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, thấu hiểu những khó khăn, lo lắng của người nông dân về chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc đến đầu ra sản phẩm. Trần Kim Việt quyết định sử dụng những gì mình đã được học mở website chuyên giải đáp thắc mắc của bà con.

Đồng thời anh cũng tư vấn giúp người mua cây giống về kỹ thuật chăm sóc, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sao cho hiệu quả, lại không ảnh hưởng đến môi trường.
Hiện nay, công ty THHH Vườn ươm Việt của chàng thanh niên trẻ còn trực tiếp thu mua, bao lái đầu ra cho sản phẩm của người dân.

Trần Kim Việt chia sẻ: “Tôi vẫn mong muốn không chỉ làm giàu cho bản thân mình mà còn có thể giúp bà con bớt khó khăn. Như vậy niềm vui sẽ được nhân đôi”.

Khi hỏi về kinh nghiệm khởi nghiệp, chàng tỷ phú trẻ tâm sự: "Nếu khởi nghiệp hãy làm trên chính quê hương mình, nên tìm hiểu phát huy thế mạnh của địa phương. Tìm, xây dựng thương hiệu cho chính địa phương để phát triển, vừa giúp người, vừa giúp mình”.

Tác giả bài viết: NGUYỄN TRANG

Nguồn tin: nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập394
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay49,034
  • Tháng hiện tại824,312
  • Tổng lượt truy cập91,998,041
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây