Trong thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Bình Định lắng dịu, UBND tỉnh này triển khai ngay gói cho vay 150 tỷ đồng không tính lãi để khuyến khích người dân khôi phục đàn heo. Đây là động lực lớn để người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn trong bối cảnh giá heo giống tăng cao.
Cũng như nhiều hộ nuôi heo ở huyện Hoài Ân, dịch tả lợn châu Phi “quét” sạch chuồng heo của hộ ông Nguyễn Đình Quân, hơn 40 con cả heo thịt lẫn heo nái đều bị tiêu hủy. Vốn liếng hết sạch, đến khi dịch yên ắng, ông Quân đau đáu tái đàn heo để gỡ gạc thua lỗ. Thế nhưng giá heo giống quá cao khiến ông Quân không thể thực hiện được việc tái đàn.
Ngay sau khi nghe thông báo Nhà nước cho vay tiền tái đàn heo không tính lãi, ông lập tức làm hồ sơ và đã được giải ngân gói vay 50 triệu đồng. Từ khoản tiền này, ông Quân mua được 4 con heo nái sinh sản và 40 con heo giống thả nuôi vụ cuối năm. Đến nay, đàn heo của ông Quân đang sinh trưởng và phát triển rất tốt.
“Đợt dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên địa bàn đã “quét” sạch chuồng heo của tôi cũng như của nhiều hộ nông dân khác, cứ ngỡ sẽ không bao giờ mình có điều kiện tái đàn vì vốn liếng đã hết sạch. Nhờ gói cho vay hỗ trợ không tính lãi của Nhà nước, gia đình tôi mới có điều kiện mua heo giống tái đàn để kịp cung ứng vào dịp cuối năm nay”, ông Quân bộc bạch.
Không chỉ có hộ gia đình được vay gói hỗ trợ 150 tỷ đồng không tính lãi suất mà cả các trang trại chăn nuôi cũng được hưởng lợi từ chính sách này. Ví như trang trại chăn nuôi heo rộng hơn 2ha của anh Trần Thanh Tuất ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn) cũng được hưởng gói cho vay hỗ trợ không tính lãi. Nhờ đó, anh Tuất đã tăng đàn heo trong trang trại của mình lên 150 con heo nái và 500 con heo thịt.
“Chính sách cho vay không tính lãi nhằm thúc đẩy tái đàn heo của tỉnh là động lực để gia đình tôi mạnh dạn tái đàn. Trong tái đàn tôi chú trọng nhất về con giống. Giống phải có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng cao để tránh dịch bệnh. Trong tái đàn tôi cũng rất chú trọng quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học”, anh Tuất nói.
Đến nay, Bình Định đã giải ngân hết gói cho vay không tính lãi 150 tỷ đồng, khoản vốn vay này đã đến tay hơn 3.000 hộ chăn nuôi heo trong tỉnh. Từ nguồn vốn này, bà con chăn nuôi đã mua 41.000 con heo giống và heo thịt, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và sửa chuồng trại phục vụ công cuộc tái đàn. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã khôi phục đàn heo hơn 1 triệu con, trong đó khoảng 120.000 con heo nái sinh sản, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thịt heo cung cấp ra thị trường mỗi tháng hơn 9.000 tấn, góp phần bình ổn thị thường, mang lại nguồn thu ổn định cho người chăn nuôi, nhất là trong vụ Tết Nguyên đán sắp tới.
“Hiện đàn heo trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt hơn 1 triệu con, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành cùng bà con, đặc biệt là các doanh nghiệp có trang trại nuôi heo giống quy mô lớn hỗ trợ cho người chăn nuôi về con giống và tiêu thụ sản phẩm. Một giải pháp nữa là chúng tôi liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ heo thịt của bà con”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.
https://nongnghiep.vn/binh-dinh-tai-dan-heo-theo-huong-ben-vung-d275632.html
Theo Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;