Bà Ngô Thị Hạnh, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho biết, từ trước năm 2017, người dân địa phương đã tự phát trồng các loại rau củ sạch, với mong muốn thu được lợi nhuận, song do đầu tư nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả không cao.
Qua khảo sát thực tế, được sự thống nhất của chính quyền thành phố, UBND huyện Hòa Vang quyết định cho thí điểm mô hình trồng rau củ quả công nghệ cao tại hai xã Hòa Ninh và Hòa Phú, với nhiều ưu đãi, hỗ trợ, nhằm đáp ứng nâng cao đời sống người dân và nhu cầu bức thiết của thị trường về thực phẩm sạch, lành mạnh cho sức khỏe. Đến nay, các địa phương trên đã trở thành “địa chỉ tin cậy” cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường TP Đà Nẵng.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau sạch công nghệ cao của ông Trương Ngọc Sơn ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú vào lúc vựa rau quả sắp cho thu hoạch, những luống rau muống, mồng tơi, rau cải, ớt chuông, cà chua đỏ mọng trông thật ngon mắt.
Trên mảnh đất 1ha, bằng số vốn ban đầu 2,8 tỷ đồng, trong đó huyện Hòa Vang hỗ trợ 50%, ông Sơn đầu tư hệ thống cơ sở vật chất nhà lưới khung thép bao quanh để đảm bảo cho rau màu không chịu sự tác tác động mạnh của thời tiết khắc nghiệt và sự thâm nhập phá hoại của côn trùng. Cùng với đó là hệ thống tưới tiêu tự động và hệ thống máy thông gió, đảm bảo không khí trong vườn lúc nào cũng được điều hòa phù hợp cho cây phát triển. Hiện tại, ngoài các cây rau màu thông dụng, ông Sơn đang thí điểm trồng thêm dưa lưới.
Các vườn rau sạch được người dân trồng trong nhà lưới để tránh tác động tiêu cực từ bên ngoài. |
Ông cho biết, cây dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, một vụ thí điểm thử nghiệm trên 1.500m² đã mang lại lợi nhuận 50 triệu đồng, một năm có thể làm được 3 vụ, lợi nhuận cao gấp nhiều lần trồng lúa. “Đầu ra của sản phẩm tương đối ổn định, chủ yếu nhập cho các cửa hàng rau sạch tại TP Đà Nẵng. Nếu có thêm nhiều mô hình trồng rau, củ, quả thế này nữa tại địa bàn thì có thể liên kết tạo thành chuỗi cung ứng hàng hóa, lượng sản phẩm dồi dào hơn và giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương”, ông Sơn chân tình bày tỏ.
Còn ông Phan Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú phấn khởi nói rằng, từ khi có mô hình trồng rau sạch, kinh tế phát triển nên các hộ dân như ông Sơn cũng đóng góp xây dựng thôn, xã nhiều hơn. Bên cạnh đó, các hộ này còn hỗ trợ nguồn giống cây trồng, giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều bà con trong xã. Một mảnh đất trước đây chỉ trồng keo, mía, thời gian thu hoạch lâu, hiệu quả kinh tế không cao nay đang dần thay da đổi thịt.
Vào những ngày bình thường, luôn có từ 5 – 7 nông dân làm việc tại đây, nhưng đến mùa thu hoạch, số lượng này tăng lên đến hàng chục người. Với tiền công gần 200 ngàn một ngày, cuộc sống của một số người dân thôn Đông Lâm cũng được cải thiện dần…
Tại xã Hòa Ninh, mô hình trồng rau sạch, nhất là trồng rau thủy canh của ông Lê Mạnh Dân và ông Nguyễn Thắng cũng mang đến nhiều thành công. Ông Dân cho biết, ông thực hiện mô hình trồng rau thủy canh hơn 1ha; trồng được 2 lứa rau xà lách, mỗi lứa 20.000 cây, mỗi cây ra giống giá 150 đồng. Sau 40 ngày, rau thành phẩm bán được 8.000 đồng một cây, qua hai lứa ông thu lãi ròng 120 triệu đồng…
Cây rau xà lách trồng thủy canh tại xã Hòa Ninh đang được nhiều khách hàng tại Đà Nẵng rất ưa chuộng. Rau đảm bảo 100% sạch, an toàn, đảm bảo không sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu. Rau sạch đến mức có thể nhổ ăn tại chỗ. Với tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động, rất nhiều sản phẩm rau củ trên thị trường đều liên quan đến các chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng thì những mô hình rau quả sạch như tại Hòa Phú, Hòa Ninh đã khơi dậy được tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, mà quan trọng hơn là mang lại cho người tiêu dùng sự lựa chọn chính đáng về nguồn thực phẩm sạch vốn rất khan hiếm như hiện nay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;