Những năm gần đây, việc tiêu thụ thanh long khá bấp bênh do phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nhận thức được điều đó, một số nông dân ở tỉnh Bình Thuận đã mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất thanh long an toàn theo chuẩn GlobalGAP xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Giá cả và đầu ra ổn định đã giúp họ tiếp tục an tâm canh tác.
Ông Võ Hồng Chiến là nông dân tiên phong canh tác thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc. Hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng thanh long, ông Chiến nhận thấy giá cả thanh long ngày càng bấp bênh nếu chỉ phụ thuộc vào một thị trường, nên cần thay đổi hướng đi. Ông Chiến quyết định đầu tư vốn, nâng cấp vườn thanh long sang sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất qua các nước Châu Âu và những thị trường khó tính khác để nâng cao giá trị quả thanh long, đồng thời giá cả ổn định hơn.
4.000 trụ thanh long trên diện tích 4 ha được canh tác theo quy trình mới, phân thành từng lô có đánh số, dễ dàng kiểm soát trong việc chăm sóc. Từng công đoạn đều được ghi chép nhật ký cẩn thận để truy xuất nguồn gốc nếu có sự cố xảy ra. Nhờ làm theo quy trình Thực hành Nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), thanh long của ông Chiến không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch.
Mỗi năm vườn của ông Chiến cho sản lượng khoảng 120 tấn, nhờ đạt chứng chỉ GlobalGAP, hầu hết đều được xuất khẩu qua Pháp, Hà Lan, gần đây là Mỹ với giá ổn định từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Tại xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, anh Nguyễn Quốc Nguyên Vũ cũng đang đầu tư sản xuất thanh long chuẩn GlobalGAP tại Trạng trại Phúc An. 20 năm quen với lối canh tác cũ, khi chuyển qua sản xuất theo quy trình mới, chặt chẽ và khoa học hơn, nông dân Nguyễn Quốc Nguyên Vũ khá bỡ ngỡ.
Thông qua các lớp tập huấn và hướng dẫn của các chuyên gia nông sản sạch, anh cũng như nhân công của mình giờ đây đã thuần thục với các công đoạn, quy trình chăm sóc theo chuẩn toàn cầu. Hơn 25 ha thanh long ruột trắng đã cho thu hoạch, trang trại đang tiếp tục trồng thêm 20 ha thanh long ruột tím hồng cũng theo chuẩn GlobalGAP.
Ngoài 25 ha thanh long ruột trắng, anh Nguyễn Quốc Nguyên Vũ đang đầu tư thêm 20 ha thanh long ruột tím hồng theo chuẩn GlobalGAP |
Anh Vũ, chủ trang trại thanh long Phúc An cho biết, hiện anh đã xuất đi được một số thị trường lớn nhỏ trên thế giới rồi. Chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, New Zealand, Canada và vừa mới đây một công hàng đỏ và một công hàng trắng đi được thị trường Úc.
Theo các nhà vườn trồng GlobalGAP, chi phí đầu tư sản xuất thanh long GlobalGAP cao hơn vườn bình thường từ 20-30%. Quy trình chăm sóc cũng vất vả hơn vì hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, một khi đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng thì không sợ thiếu đầu ra.
Nằm sau núi Tà Zôn, Trang trại Gia Thành, huyện Hàm Thuận Bắc hiện đã được nhiều đối tác biết đến. Gần chục tỷ đồng đã được gia đình anh Đỗ Khắc Đông Nghi đầu tư vào đây. Các công trình hồ trữ nước, hệ thống tưới tự động, kho vật tư nông nghiệp, tường thành hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài tấn công... được thiết kế bài bản. Các nhân công và chủ trang trại thường xuyên cập nhật kỹ thuật, tuân thủ quy trình chăm sóc. Nhờ đó, hai năm qua, thanh long thu hoạch luôn đạt chất lượng. Trang trại nhận đơn đặt hàng tới tấp từ các đối tác Châu Âu.
Anh Đỗ Khắc Đông Nghi, chủ trang trại Gia Thành cho biết hiện nay 5 ha thanh long của gia đình không đủ để đáp ứng đơn hàng. Đầu ra và giá cả ổn định giúp gia đình anh yên tâm theo đuổi mô hình sản xuất nông sản an toàn:
"Chuyển hướng qua làm mảng sạch và an toàn theo chuẩn GlobalGAP. Lúc đầu vốn đầu tư bỏ ra không có nhỏ, nhưng khi các đối tác nước ngoài tin tưởng mình làm được chuẩn thì không sợ gì về vốn đầu tư nữa", anh Nghi chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, toàn tỉnh có khoảng 250 ha thanh long canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Nếu so với tổng diện tích hơn 27.000 ha thanh long hiện có thì diện tích thanh long an toàn theo chuẩn toàn cầu chưa nhiều.
Với những nông dân tiên phong trồng thanh long GlobalGAP, đây là hướng đi có nhiều triển vọng trong năm mới 2018 này, cũng là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp bền vững. Một khi nâng cao chất lượng, đặc sản thanh long Bình Thuận mới có cơ hội đi khắp năm châu./.
Theo Quốc Việt/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;