Anh dũng thời chiến
Ông Lê Văn Tuy sinh ra ở làng Lệ Kỳ (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đến năm 1970, chàng trai Lê Văn Tuy lúc đó mới 18 tuổi theo tiếng gọi của tổ quốc lên đường nhập ngũ.
Sau ba tháng huấn luyện tại đại bản doanh ở xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), chàng lính trẻ Lê Văn Tuy được biên chế quân số vào đơn vị bộ binh C33, D8, E22, QK4 chiến đấu ở Đường 9 - nam Lào.
Ngày 22/2/1971, bước vào trận chiến đấu ở khu vực cầu Ka-Ky (nam Lào), chiến sỹ Lê Văn Tuy bị thương lần thứ nhất, được chuyển về bệnh xá điều trị 3 tháng. Đến tháng 8/1971, sức khỏe đã ổn định, Lê Văn Tuy trở lại đơn vị chiến đấu. Lần này, thay vì phải đóng quân ở nam Lào, đơn vị ông di chuyển về đường 9 ở Quảng Trị đóng chốt.
Ông Lê Văn Tuy bên vườn cây cao su bắt đầu cho khai thác mủ. |
“Ở Quảng Trị năm 1971 đến 1972, hai bên ta và địch chiến đấu giành nhau từng tí một, dưới đất thì các bãi mìn, trên trời thì các máy bay gầm rú rải bom và chất độc hóa học để đốt cháy rừng và cỏ để tìm bộ đội mình. Giờ còn mấy người đồng đội gặp nhau nhớ lại mà chảy nước mắt, không ai nghĩ mình còn may mắn sống sót” - ông Tuy xúc động nhớ lại.
Tháng 3/1972, trong trận chiến đấu ở đường 9 Quảng Trị, Lê Văn Tuy trúng đạn của địch bị thương nặng, phải chuyển ra Quảng Bình để điều trị.
“Trong lần điều trị thương lần 2, bố tôi nghĩ tôi sẽ quay lại chiến trường tiếp và sợ hy sinh nên ông đã bắt tôi lập gia đình. Tôi trước đó quen một người cùng địa phương, hiện làm thanh niên xung phong ở Cam Lộ (Quảng Trị), nên năm đó chúng tôi cưới nhau. Cưới xong được 5 ngày, tôi trở lại đơn vị cũ để chiến đấu thì Hiệp định Pari được ký hết. Đơn vị tôi tiếp tục hành quân sang Lào. Tháng 6/1974, sức khỏe của tôi yếu, nên đơn vị cho đi ra Miền Bắc an dưỡng, rồi ra quân luôn” - ông Tuy kể lại.
Rời quân ngũ, với tỉ lệ thương tật 61%, vợ chồng ông về quê nhà sinh sống và sinh con đầu lòng. Nhưng làng Lệ Kỳ đất đai ít không đủ để chia cho dân trồng khoai, trồng sắn nên ông đã đưa gia đình lên vùng gò đồi nhiễm bom mìn ven rừng khai hoang phục hóa lập nghiệp.
Làm giàu trên vùng đất sỏi đá
“Năm 1988, tôi lúc đó chồng tôi là bí thư chi bộ, chủ nhiệm HTX, nhưng cuộc sống khó khăn quá, 2 vợ chồng với 5 người con quanh đi quẩn lại không biết làm gì. Tôi đã lên khu vực này để phát cây sim, cây mua lấy đất trồng khoai, trồng sắn mong cho các con có cái mà ăn.
Hồi đó đường 15 (QL 15 bây giờ) có, nhưng trong rừng trong núi không ai đi, toàn dốc cao với khe suối. Đất vùng này là đất ô nhiễm bom mìn nhiều, nên có những gia đình sau này lên làm khai hoang đào trúng bom bi bị chết nhiều. Người dân ai cũng bảo vợ chồng tôi bị điên mới lên đây lập nghiệp” - bà Trần Thị Khương, vợ ông Tuy kể.
Năm 2009, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm gia đình thương binh sản xuất giỏi Lê Văn Tuy |
Năm 1990, sau khi có chủ trương giao đất, giao rừng, ông Lê Văn Tuy mạnh dạn vay vốn, khai hoang mở rộng vùng đất gò đồi để trồng rừng, phát triển chăn nuôi. Chưa có kinh nghiệm trồng rừng, nên lứa cây bạch đàn đầu tiên tỉ lệ sống thấp. Sau đó, ông phá bỏ toàn bộ diện tích bạch đàn chuyển sang trồng keo lai, keo lá tràm và cây cao su. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 50 ha rừng trồng các loại; trang trại của ông còn có 500 con lợn, hàng nghìn con gà.
Trang trại chăn nuôi bây giờ giảm xuống vì giá lợn xuống thấp quá, và gà cũng bị ép giá nhiều. Giờ trong chuồng còn 200 con lợn nái và 100 lợn thịt. Lúc cao điểm gia đình nuôi trên 1.200 con lợn và 13-14 vạn con gà. Mấy tháng nay giá thấp nên số lượng gà cũng giảm chỉ nuôi hơn 1.000 con.
Ngoài làm giàu cho gia đình, ông Lê Văn Tuy còn giúp đỡ các gia đình khác ở địa phương trong phát triển kinh tế trang trại. Đối với những hộ khó khăn, không có tiền mua giống, ông cho vay vốn không tính lãi. Ông Tuy còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và 40-50 lao động mùa vụ.
Từ hai bàn tay trắng dắt díu vợ con lên vùng kinh tế mới, giờ đây thương binh Lê Văn Tuy đã có trong tay hàng tỷ đồng. Cách làm giàu của ông được nhiều người trong và ngoài tỉnh Quảng Bình đến tham quan và học tập. Có của ăn của để, ông còn đóng góp hàng trăm triệu đồng, ủng hộ người nghèo, trẻ em hoàn cảnh khó khăn thông qua Quỹ khuyến học của xã, của huyện. Nhiều năm liền, ông Lê Văn Tuy được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Bình tặng Bằng khen.
Một niềm vinh dự đối với gia đình thương bình Lê văn Tuy là hai lần được lãnh đạo cấp cao nhà nước tới thăm.
Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Ninh cho biết: “Trong địa phương, dù là gia đình chính sách, bản thân bị thương hạng 2, nhưng ông Lê Văn Tuy đã có ý thức phấn đấu vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thương tật của bản thân. Ông Tuy rất có ý chí, nghị lực và mạnh dạn đầu tư vào trồng rừng, sản xuất, chăn nuôi. Trang trại của gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho con em ở xã và các xã lân cận khác. Mô hình trồng rừng và chăn nuôi của gia đình ông Tuy đã có sức lan tỏa hiệu quả, nên nhiều gia đình trong địa phương học tập và áp dụng nên kinh tế phát triển nhanh, đó là điều tích cực cho địa phương và cũng như của huyện nhà”.
Theo Thanh Hà/infonet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã