Tham gia mô hình này, nông dân xã Nga Yên được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình sản xuất đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn, nhờ đó năng suất, chất lượng, giá trị của sản phẩm nông sản được nâng cao trên mỗi ha canh tác.
Có sản phẩm chất lượng, nguồn hàng ổn định, có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nông dân xã Nga Yên đã không còn phải lo đến việc không bán được nông sản mình làm ra.
Để triển khai hiệu quả mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nga Yên đã khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của xã.
Hợp tác đã trực tiếp chỉ đạo và điều hành sản xuất vùng rau an toàn quy mô lớn theo đề án của tỉnh Thanh Hóa và huyện Nga Sơn với diện tích 5ha.
Việc phát triển vùng rau an toàn đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng theo hướng vì nền nông nghiệp sạch, năng suất, chất lượng cao, ổn định, bền vững.
Vùng rau của xã Nga Yên đã được Chi cục Kiểm nghiệm chất lượng Nông lâm thủy sản Thanh Hóa công nhận là cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để lo "đầu ra" cho sản phẩm nông sản, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Nga Yên đã trực tiếp thâm nhập thị trường, liên kết với nhiều doanh nghiệp có uy tín, có địa chỉ tin cậy để thu mua, chế biến nông sản cho nông dân.
Đáng kể như việc hợp tác với Doanh nghiệp Nguyễn Hữu Tình (Hải Dương) triển khai trồng 7,5 ha dưa hấu, mỗi năm cung cấp 120-150 tấn dưa hấu cho doanh nghiệp này; Ký hợp đồng với Công ty Orion Việt Nam để cung cấp 200 tấn khoai tây/năm; Ký hợp đồng với Công ty Thiên nhiên xanh (Ninh Bình) để cung cấp cây hành hoa xuất khẩu...
Đặc biệt, việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã nâng giá trị nông sản ở xã Nga Yên lên gấp 1,5 đến 2 lần, đồng thời hình thành mối liên kết giữa người sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, việc hợp tác xã thực hiện ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản đã giúp người nông dân, xã viên hợp tác xã yên tâm sản xuất, không lo về đầu ra cho sản phẩm, lại có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro, đồng thời, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 9, xã Nga Yên) cho biết: "Trước đây nhà tôi có 2 sào rưỡi lúa nhưng không hiệu quả, được nhà nước đầu tư trồng rau sạch nhà tôi trồng dưa chuột, dưa hấu. Trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu được khoảng 80 triệu đồng. Vụ hè thu này, nhà tôi đang tập trung làm đất, trồng sớm các loại rau để bán được giá hơn."
Anh Phạm Văn Bảy (thôn 7, xã Nga Yên) cho biết: "Năm 2017, gia đình tôi đầu tư 300 triệu đồng làm hệ thống nhà lưới để trồng dưa Kim hoàng hậu theo tiêu chuẩn VietGap. Năm đầu tiên gia đình trồng thử nghiệm khoảng 1.000 gốc trên diện tích 1.000m2, được khách hàng đánh giá cao. Sau khi thu hoạch, lãi khoảng 100-120 triệu đồng/ha/vụ".
Anh Bảy chia sẻ, được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm nên gia đình rất yên tâm canh tác, không lo thị trường bấp bênh, không tiêu thụ được sản phẩm. Vụ tới đây, gia đình anh tiếp tục đầu tư thêm gần 200 triệu đồng nữa để mua giống, phân bón, xây lắp bổ sung hệ thống nhà lưới để tiếp tục trồng dưa Kim hoàng hậu và một số loại nông sản giá trị cao khác.
Ngoài ra, để sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, ngay từ khâu đầu vào, hợp tác xã đã hợp tác mua giống, phân bón với những công ty uy tín, có thương hiệu lâu năm. Trong quá trình sản xuất, hợp tác xã phân chia thành các tổ, đội, giám sát quản lý chặt chẽ, đảm bảo mọi quy trình phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hợp tác xã thường xuyên tổ chức, tập huấn, bổ sung kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh nghiệm trồng và chăm sóc các giống cây trồng cho bà con. Nhờ đó, đầu ra sản phẩm của hợp tác xã luôn đáp ứng thị trường về tiêu chí sạch.
Để chủ động hơn khâu bảo quản ban đầu, hiện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nga Yên đang tiếp tục đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng một kho lạnh có sức chứa 30-40 tấn nông sản sau thu hoạch, từ đó giúp hợp tác xã chủ động hơn trong các khâu dịch vụ triển sản xuất cho thành viên và người dân và một cửa hàng bán sản phẩm rau an toàn ngay tại địa phương dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.
Ông Mai Đăng Bắc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Nga Yên cho biết: "Tuy kết quả mới chỉ là bước đầu nhưng việc phát triển mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn và những hiệu quả mang lại đã làm thay đổi căn bản tư duy của người nông dân trong xã. Người nông dân từ sản xuất tự phát nhỏ lẻ đã chuyển sang sản xuất mang tính hàng hóa gắn với thị trường.
Tham gia mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, nông dân xã Nga Yên được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các quy trình sản xuất đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao."
Với những thành tích đã đạt được, 2 năm liên tục 2017, 2018, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nga Yên đã được Liên minh hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là 1 trong 5 đơn vị tiêu biểu tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất giá trị của tỉnh Thanh Hóa, ngoài ra Hợp tác xã còn được tham gia trong liên hiệp hợp tác xã sản xuất, cung tiêu nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh Thanh Hóa./.
Hoa Mai/TTXVN
Nguồn: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;