Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Thạch Hạ, chúng tôi có cơ hội chiêm ngưỡng trang trại có quy mô gần 2 vạn con gà siêu trứng của anh Nguyễn Văn Nguyên. Dành thời gian tiếp chúng tôi, nhưng cuộc trò chuyện vẫn bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại đặt hàng của đối tác. Mặc dù là thạc sỹ chuyên ngành kinh tế, nhưng anh vẫn quyết định trở về quê hương làm nông nghiệp.
Anh kể: “Năm 2011, sau khi tốt nghiệp thạc sỹ ở Đức, tôi trở về quê hương Hà Tĩnh. Kế thừa gia sản là 36 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, tôi xây dựng kế hoạch khởi nghiệp từ nông nghiệp”.
Những ngày đầu khởi nghiệp, anh phải đối mặt với vô vàn khó khăn, do thâm niên nuôi tôm lâu năm nên nền đất đã trở nên bạc màu, hiệu quả kinh tế giảm đáng kể. “Giải bài toán này, tôi mở trang trại nuôi hơn 1 nghìn con gà để lấy phân cải tạo ao tôm. Đây là cách làm vừa giúp gia đình tăng thu nhập, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm vì không sử dụng các chất hóa học” - anh Nguyên nhớ lại. Dẫu có những thành công bước đầu, song thời tiết ở Hà Tĩnh luôn khắc nghiệt, không ít lần bão, lũ đã cuốn đi hàng tấn hải sản, hàng nghìn con gà của gia đình. Không nản chí, mỗi lần thất bại, anh lại nỗ lực đứng lên, đầu tư hạ tầng kiên cố và khoa học hơn.
Thấy nuôi gà có lãi, lại ít rủi ro, anh Nguyên dần mở rộng quy mô. Từ mô hình nhỏ ban đầu, anh chuyển sang nuôi chuồng kín rồi đầu tư nuôi gà lồng. Hiện tại, gia đình anh có hơn 19 nghìn con gà, trong đó có khoảng 9 nghìn con đang đẻ trứng, sản lượng đạt khoảng 7-8 nghìn trứng mỗi ngày. Cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng kiên cố, có hệ thống làm mát, giữ ấm hiện đại với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng. Để tiết kiệm chi phí thức ăn, anh đầu tư công nghệ chế biến thức ăn từ bèo tây và cám ngô. Thức ăn sau khi ủ lên men còn được thêm nước tỏi nên không cần sử dụng kháng sinh cho gà. Nhờ đó, trứng gà không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà chất lượng, độ ngon được nâng lên.
Bên cạnh đó, anh Nguyên xây dựng mô hình nuôi 150 con lợn rừng để tận dụng những con gà già, yếu làm thức ăn. Cùng với đó là 36 ha mặt nước được đầu tư để nuôi các loại hải sản như tôm, cua, cá… mỗi năm đạt sản lượng trên 25 tấn. Thức ăn trong nuôi trồng hải sản cũng được ưu tiên theo hướng hữu cơ, chủ yếu sử dụng các loại ốc, cá tự nhiên. Nhờ đảm bảo được chất lượng, hải sản không chỉ cung cấp cho thị trường Hà Tĩnh mà còn xuất bán đến các bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Với cách làm khoa học, đầu tư bài bản, mỗi năm, gia đình anh Nguyên đạt tổng doanh thu từ 6-7 tỷ đồng, lãi ròng mỗi năm trên 500 triệu đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hạ Nguyễn Hữu Anh cho biết, không chỉ biết làm giàu, hàng năm, hội viên Nguyễn Văn Nguyên còn tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động. Ngoài ra, anh còn tận tình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với những nông dân khác trên địa bàn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã