Anh Thưởng hiện có 15 ha trang trại, trong đó hơn 6 ha cây cam.
Anh Phạm Ngọc Thưởng (SN 1980) sinh ra trong một gia đình thuần nông, mồ côi mẹ từ nhỏ. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, 14 tuổi, anh rời quê hương để làm thuê kiếm sống, phụ giúp gia đình, nuôi 6 em nhỏ ăn học.
Anh Thưởng nhớ lại: “5 năm lăn lộn nơi đất khách, làm nhiều nghề, nhiều nơi, đặc biệt là ở những vùng chuyên trồng cây ăn quả các loại, tôi đã tích lũy kinh nghiệm để tìm hướng đi cho riêng mình. Khi trở về quê, nhận thấy cây cam bù, cam chanh là đặc sản của địa phương nhưng chưa được khai thác, trong đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ sẽ khởi nghiệp từ cây đặc sản bản địa. Một hành trình mới cứ thế bắt đầu”.
Toàn bộ diện tích được sản xuất theo hướng VietGAP.
Năm 2002, anh Thưởng lập gia đình và bắt đầu thực hiện ước mơ từ căn nhà tranh giữa lưng chừng núi. “Khi đó, tôi vay ngân hàng được 10 triệu đồng mua cây giống. Do chưa có tiền mua phân bón, vợ chồng tôi thay nhau bỏ công đi nhặt phân bò vương vãi để ủ làm phân hữu cơ.
Dù nhiều khó khăn nhưng đất không phụ người, chỉ sau một thời gian, cây cam đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên. Tuy lời lãi chưa đáng kể nhưng nhìn vườn cam phát triển tốt, chúng tôi cảm thấy con đường phát triển kinh tế của mình đầy hy vọng” - anh Thưởng nhớ lại.
Riêng về sản phẩm cam đặc sản các loại, sản lượng của trang trại anh Thưởng đạt trên 200 tấn mỗi năm.
Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, anh Thưởng tiếp tục câu chuyện: “Hai năm sau, tôi mạnh dạn vay 60 triệu đồng để mở rộng đầu tư. Khi đó, tôi mới 24 tuổi. Đây là số tiền lớn nên nhiều người lo lắng, can ngăn, họ lo rằng, nếu không thành công thì chúng tôi không thể trả nợ.
Nhưng may thay, thu hoạch những lứa cam đầu, chúng tôi đã có tiền trả nợ. Có nguồn vốn từ cây cam, tôi tìm cách phát triển mô hình trang trại khép kín. Gia đình mở rộng diện tích sản xuất, nuôi thêm gia súc, đào ao thả cá...”.
Anh Thưởng mua thêm 10 ha đất để tiếp tục mở rộng quy mô trang trại.
Sau gần 18 năm khởi nghiệp, anh Thưởng đã sở hữu trang trại quy mô 15 ha với các sản phẩm như: cam, keo tràm, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, cá… Trong đó, riêng cây cam có 6 ha, sản lượng hằng năm đạt hơn 200 tấn. Cùng với trâu, bò, gà, cá…, trang trại cho doanh thu hằng năm đạt 5,7 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 2,1 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, vợ chồng anh làm được nhà kiên cố, mua ô tô và nhiều tiện nghi trong gia đình. Đặc biệt, anh còn mua thêm được 10 ha đất để tiếp tục mở rộng quy mô trang trại.
Chia sẻ về bí quyết thành công, anh Thưởng nói: “Khoa học kỹ thuật là yếu tố then chốt để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Trong quá trình xây dựng trang trại, tôi luôn tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, tôi mạnh dạn đầu tư và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt chống hạn, trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường".
Sau 18 năm khởi nghiệp, đến nay, trang trại cho doanh thu hằng năm đạt 5,7 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 2,1 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Thanh Ngọc - Trưởng ban Tổ chức, Kiểm tra (Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, hội viên Phạm Ngọc Thưởng thường xuyên tham gia các hoạt động của tổ chức hội, ủng hộ xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hằng năm, anh đều ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho hoạt động cộng đồng. Mới đây, anh cùng Ban Xây dựng nông thôn mới xã Kim Hoa hỗ trợ 2.000 cây cam giống cho các hộ dân làm vườn mẫu với tổng trị giá 100 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm, anh giúp đỡ 5 -10 nông dân phát triển sản xuất bằng hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, hướng dẫn kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Nhờ những thành tích đó, nhiều năm liền, anh Thưởng đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và nhiều bằng khen của UBND tỉnh. Đặc biệt, anh được Hội Nông dân tỉnh giới thiệu để Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã