Học tập đạo đức HCM

Liên kết vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình trong phát triển du lịch

Thứ bảy - 17/01/2015 06:21
Đặt du lịch trong quy hoạch chiến lược tổng thể KT-XH là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Khi Hà Tĩnh đang tập trung nguồn nhân lực, vật lực khai phá tiềm năng vùng đất Kỳ Anh cũng là lúc ranh giới phân cách giữa hai bên Đèo Ngang chỉ còn tương đối. Theo đó, Hà Tĩnh - Quảng Bình được kết nối liền mạch, hình thành chuỗi phát triển giá trị du lịch nói riêng, điểm nhấn trong KT-XH nói chung ở khu vực Bắc Trung bộ.

Từ thế mạnh địa lý

Nhìn từ Tây sang Đông, Hoành Sơn vừa xen ngang ra biển lớn, vừa tạo nên sự tương đồng về địa hình, phong thổ giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Theo cấu trúc trập trùng của núi, địa hình của 2 tỉnh có hướng thấp dần về phía biển, tạo thành các vùng núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Thuở xa xưa, Đèo Ngang trở thành địa danh chỉ sự xa xôi, hiểm trở, chứa đựng muôn vàn khó khăn. Nỗi ám ảnh ấy còn đeo đẳng đến cả thời kỳ dài qua lối chơi chữ “Đèo Ngang - đang nghèo” của người Hà Tĩnh.

Tưởng chừng, sự khắc nghiệt, nghèo khổ ấy cứ đời đời bám riết lấy con người nơi đây và họ chẳng thể kết nối trong phát triển với tỉnh bạn, nhưng, tất cả đã thay đổi. Cùng với nỗ lực của 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình trong chiến lược xây dựng các khu kinh tế trọng điểm (Vũng Áng và Hòn La), việc Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp chọn Vũng Chùa làm điểm “trở về”, đã tạo cho Hà Tĩnh – Quảng Bình sự liên kết, gắn bó. Dần dần, gắn với tình yêu vị Đại tướng, địa danh Đèo Ngang đã tồn tại sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn trong tiềm thức của nhiều người. Một dải Hoành Sơn hùng vĩ, rợn ngợp đã trở thành nơi đối ảnh của sơn - thủy hữu tình. Núi một bên, biển một bên, dòng người vào Nam, ra Bắc trên tuyến quốc lộ mở rộng vừa thảnh thơi ngắm núi non, vừa hướng mắt về vũng, vịnh để tin tưởng vào cuộc đổi đời mở ra trước mắt.

Liên kết vùng Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình trong phát triển du lịch
Hoành Sơn Quan. Ảnh: Sỹ Ngọ

Theo cấu trúc của địa hình, núi liền núi chảy dài theo trục Bắc - Nam hình thành vùng sinh thái tuyệt đẹp. Cùng với Vườn Quốc gia Vũ Quang, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ gắn kết với Phong Nha - Kẻ Bàng, một loạt sông, suối, hồ của 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình như: Rào Cái, Ngàn Sâu, Rào Trổ, Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên (Hà Tĩnh) và sông Gianh, sông Roòn, hồ Vực Tròn, Tiên Lãng, sông Thai (Quảng Bình) tạo nên mối quan hệ nhất định. Sự tương đồng trong cấu trúc địa lý với điểm nhấn là núi đồi, hang động, sông, suối đã tạo nên một khu vực thiên nhiên đa dạng, có nhiều tài nguyên phong phú, làm nên lợi thế để phát triển du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên.

Hòa cùng cảnh quan, phong thổ, bao đời nay, con người Hà Tĩnh – Quảng Bình đã có sự gắn bó khăng khít. Dưới thời Minh Mạng (1831), nhà vua đã chỉ dụ thành lập liên tỉnh An Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), Bình Trị (Quảng Bình – Quảng Trị) do quan Tổng đốc đứng đầu. Trong thời kỳ chiến tranh sau này, việc hình thành Khu 4 với vai trò trọng yếu là khu vực trung chuyển nhân lực, vật lực từ hậu phương ra tiền tuyến lại thêm một lần khẳng định mối quan hệ máu thịt của 2 vùng đất. Khi đất nước thái bình, người Hà Tĩnh, Quảng Bình lại gìn giữ truyền thống, tiếp tục gắn bó, chia sẻ. Bởi vậy, việc giữ gìn và phát huy giá trị phong tục, lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian, cấu trúc dân cư, tổ chức làng nghề và ẩm thực… là xu hướng cần được chú trọng trong tương lai phát triển của du lịch.

Đến sự kết nối đầy tiềm năng

Sự kết nối, tương đồng của thiên nhiên vùng biển ở Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng giúp 2 tỉnh hình thành vùng liên kết du lịch biển đảo. Điểm nhấn của loại hình du lịch này là các bãi biển Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con (Hà Tĩnh) và Hòn La, Ba Đồn (Quảng Bình). Trong tương lai, khuynh hướng của loại hình du lịch này là phát huy giá trị của các bãi biển, du nhập các loại hình du lịch mới. Sản phẩm du lịch chủ lực ở đây là hình thành các khu nghỉ dưỡng, tạo nơi đủ sức “giữ chân” du khách với các dịch vụ cốt lõi như: ngắm biển với phong cảnh hữu tình; bơi thuyền; câu cá; dịch vụ cảm giác mạnh như lướt sóng, lặn biển…

Cuối tuần, dòng người nườm nượp về Vũng Chùa viếng mộ Đại tướng
Bình quân mỗi ngày có hàng trăm đoàn với hàng ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tham quan, vãn cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến.

Cùng với loại hình du lịch ấy, tính liên kết trong du lịch tâm linh giữa 2 tỉnh cũng được hình thành. Theo đó, các di tích phía Nam Hà Tĩnh sẽ kết nối với các di tích phía Bắc Quảng Bình, trong đó, điểm nhấn là đền Nguyễn Thị Bích Châu, Hoành Sơn quan và khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa. Hình thành chuỗi giá trị du lịch tâm linh này, một mặt, để phát triển chiều sâu văn hóa, mặt khác, góp phần nhân lên tình yêu biển đảo trong mỗi người dân Việt Nam. Đó cũng chính là lý do để ngành Văn hóa Hà Tĩnh xây dựng tour du lịch “Hà Tĩnh - mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - cảng Vũng Áng - đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu” trong kế hoạch phát triển du lịch - dịch vụ năm 2014 - 2015.

Nhìn tổng thể, xu hướng phát triển vùng du lịch Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình là một lát cắt trong tổng thể cấu trúc du lịch Bắc Trung bộ. Từ lâu, khu vực này đã hình thành các chuỗi kết nối chiến lược, có vị trí quan trọng về cả kinh tế, QPAN lẫn văn hóa. Nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông Tây với sự kết nối Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, khu vực Bắc Trung bộ có lợi thế lớn để thức dậy tiềm năng và phát triển. Những năm qua, sự ra đời các khu chế xuất, khu kinh tế ven biển miền Trung như Vũng Áng, Hòn La đã tạo cho nơi đây những điểm nhấn trong phát triển TM-DV, dịch vụ logictics. Khu vực Bắc Trung bộ cũng hình thành “chuỗi ngọc miền Trung”, tức là chuỗi các khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái bên cạnh các đô thị từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Dấu ấn của “chuỗi ngọc” này chính là các di tích lịch sử - văn hóa, tiềm năng du lịch di sản, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận (ở Nghệ Tĩnh có dân ca ví, giặm).

Phê duyệt quy hoạch xây dựng thị trấn Đồng Lộc
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc - điểm du lịch tâm linh thu hút sự quan tâm của đồng bào cả nước và du khách quốc tế

Xuất phát từ các nguyên nhân lịch sử, địa lý, vị trị chiến lược và xu thế phát triển, ngày 2/6/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830-QĐ/TTg về phê duyệt đồ án quy hoạch vùng Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình đến năm 2030. Theo quyết định, diện tích quy hoạch là 611.939 ha, trong đó, định hướng du lịch vùng được xác định khoảng 5.340 ha với các không gian: du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch phát triển văn hóa tâm linh.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Khu vực Nam Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với kho tàng danh thắng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, đa dạng động, thực vật; giàu bản sắc văn hóa truyền thống cần được đánh thức và đẩy mạnh hợp tác đầu tư phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng. Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình được xác định là vùng kinh tế tổng hợp, động lực phát triển của tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, có tiềm năng lớn về phát triển cảng nước sâu và công nghiệp nặng; là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy để kết nối thương mại, du lịch với các nước bạn Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Nếu hệ thống cơ sở hạ tầng được kết nối thông suốt, chất lượng sản phẩm du lịch được đầu tư xứng tầm thì các tour, tuyến du lịch trong nước và quốc tế đến với Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ thu hút nhiều du khách.

Đặc điểm nổi bật của văn hóa là sự lan tỏa, giao lưu từ một trung tâm nên việc phân vùng, quy hoạch vùng là hướng đi hợp lý. Cách thức quy hoạch du lịch theo hướng này nhằm khám phá thiên nhiên, xã hội và nhân văn với biên độ du lịch luôn mở rộng. Hướng đi đã rõ, điều quan trọng là thời gian tới, các chương trình hành động, việc liên kết triển khai các dự án chung phải được tiến hành bài bản, thể hiện rõ sự phối hợp liên tỉnh, trong đó, chú trọng nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá thông tin du lịch, đầu tư nhân lực, xây dựng sản phẩm đặc trưng…

Mạnh Hà - Linh Chi
Theo baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập182
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm179
  • Hôm nay43,925
  • Tháng hiện tại775,588
  • Tổng lượt truy cập91,949,317
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây