Trừ một số xã ở miền núi, còn thì phần lớn các vùng quê hiện nay đường ô tô đã về tới tận làng. Nhìn những con đường bê tông hay trải nhựa nối các ngõ xóm với đường hàng huyện, hàng tỉnh, hay quốc lộ, bon bon ô tô, xe máy, xe đạp, người ở làng thường liên tưởng so sánh với những con đường đất nhỏ bé, gập ghềnh, lầy lội của làng quê mình nhiều đời trước, thêm luỹ tre dày chắn cả sự đi lẫn tầm nhìn của dân làng. Vào những thời chưa xa ấy, đường hàng huyện, hàng tỉnh cũng chưa được mở rộng, mở nhiều để thuận tiện cho sự đi lại như ngày nay, nhất là còn rất thiếu các phương tiện giao thông hiện đại. Bởi vậy người ở các làng quê trước đây thường ít có điều kiện đi ra khỏi làng, có đi thì nhiều lắm cũng chỉ “cuốc bộ” tới chợ tổng, chợ huyện. Sự hạn chế về giao thông đi lại cộng với nhiều lý do khác đã khiến cho người ở làng nhiều đời trước vừa không thay đổi được gì về canh tác, vừa ít tiếp xúc được với văn hoá bên ngoài. Nên ngoài việc giữ đất lề quê thói mà điều hay có, điều dở cũng có, thì nếp nghĩ, nếp sống của dân quê rất lạc hậu so với văn minh phố phường và đời sống văn hoá tinh thần của đất nước khi ấy ít nhiều đã có sự tự thân đổi mới và tiếp cận văn hoá nhân loại.
Vào những năm ba, bốn mươi của thế kỷ trước, hình ảnh của người dân sống ở các làng quê được vẽ, được tả trên các mặt báo là Xã Xệ, Lý Toét, là Thằng Bờm, chị Dậu, Chí Phèo…với cảnh quê bùn lầy nước đọng và các hủ tục trong việc làng, trong mê tín dị đoan thờ thần cây đa, sợ ma cây gạo. Trong sự phản ảnh cuộc sống còn cách rất xa văn minh, văn hoá đó của dân quê, với nhiều nhà văn, nhà báo, có ý thức mong muốn đem ánh sáng văn hoá đến các làng quê. Nhưng còn chế độ thực dân gắn với chế độ phong kiến thì những thiện tâm, hảo ý đó đâu có điều kiện để thực hiện.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ánh sáng văn hoá mới đã thực sự đến với các làng quê (Trong hình: Nông thôn Giao Xuân, Giao Thuỷ, Nam Định đổi mới). Ảnh: Đinh Duy Quang/namdinh.gov.vn |
Phải đợi đến khi đất nước ta có sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, với Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến giữ nước kết hợp với hướng dẫn, động viên cổ vũ toàn dân thi đua yêu nước và lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới, thì ánh sáng văn hoá mới thực sự đến với các làng quê kể từ xoá nạn mù chữ, bình dân học vụ, cho đến những lời ca tiếng hát, sinh hoạt văn hoá quần chúng. Rồi sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất, Đảng và Nhà nước có điều kiện để tập trung chăm lo nhiều hơn việc phát triển kinh tế, văn hoá…, thì một nền văn hoá mới với nội dung cách mạng tiên tiến, kết hợp với phát huy những mặt tốt đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc đã được xây dựng, phổ biến rộng khắp hơn trên cả nước, trong đó có các làng quê. Những con đường mới có nơi các làng quê, đã tạo thuận lợi cho việc đưa văn hoá mới về làng xã, cũng như thênh thang rộng lối cho con em các làng quê vượt khỏi luỹ tre làng, đi rộng ra phố phường và mọi miền đất nước, một số đi cả ra nước ngoài, để học hành, lao động, công tác, mở rộng tầm nhìn cũng như điều kiện để tiếp nhận, học hỏi văn hoá.
Chính những con đường này là thành quả của Cách mạng, là bắt nguồn từ chủ trương, đường lối lớn của Đảng về xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, trong đó có văn hoá mới. Kể từ khi đảm nhận vai trò lãnh đạo nhân dân cả nước làm cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước giàu mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn không nguôi quên xây dựng, phát triển văn hoá, giáo dục kết hợp với phát huy văn hoá truyền thống, thể hiện qua các Chỉ thị, Nghị quyết, mà gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện Nghị quyết này, văn hoá trong cả nước nói chung, ở các làng quê nói riêng, đã thay đổi rõ rệt, văn minh, tiến bộ hơn, vừa giữ được những cái hay của văn hoá truyền thống Việt Nam, vừa xây dựng, phát triển văn hoá mới với các công trình nghiên cứu, phổ cập, nâng cao kiến thức, quan điểm tiên tiến về văn hoá gắn với tinh thần cách mạng, yêu nước, sống và làm theo đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo lập nếp sống mới, xử sự văn hoá trong các hoạt động kinh tế, xã hội, cũng như giao thông, giao tiếp thường ngày và giao lưu, tiếp nhận được những cái hay của văn hoá thế giới. Các gia đình sống ở làng quê bây giờ phần lớn đã có thể dễ dàng tiếp nhận văn hoá trong, ngoài nước qua tivi, báo chí, phát thanh, máy vi tính cũng đã có ở một số xã, nhiều xã đã xây dựng được nhà văn hoá xã, phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng xã văn hoá đã phát triển rộng khắp, cuộc sống nơi làng xã chỉ giữ lại những cái hay trong tập tục, loại bỏ lạc hậu mà sống theo nếp tiên tiến, văn minh hiện đại. Con em nông dân dễ dàng học ở trường xã, trường huyện, cũng đồng thời có thêm điều kiện để học hỏi, sinh hoạt văn hoá.
Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Đảng với những thành tựu rạng rỡ đáng ghi nhận, càng thấy cần tiếp tục phát huy kết quả, kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết này, đi liền với bổ sung những điều cần thiết cho phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ mới của đất nước sau mỗi giai đoạn. Riêng với các làng quê, thì rất nên kết hợp cùng công tác xây dựng nông thôn mới đã và đang là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, vừa vì mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế đất nước nói chung, vừa vì để thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống cho nông dân, trong đó có đời sống văn hoá, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập, mức sống, nếp sống, điều kiện tiếp xúc, thụ hưởng văn hoá giữa dân đô thị và dân nông thôn khi nông dân vẫn còn chiếm tới hơn 70% tổng dân số cả nước.
Theo Langvietonline