Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 4 cảng cá chính: Cửa Hội (thị xã Cửa Lò), Lạch Vạn (huyện Diễn Châu), Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) và Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai), nhưng hiện chỉ có cảng cá Cửa Hội là đủ năng lực tiếp nhận các tàu cá công suất trên 90CV. Đưa vào sử dụng năm 2001 và được đầu tư nâng cấp, mở rộng với số vốn 103 tỷ đồng, cảng cá Cửa Hội hiện có hai cầu tàu dài 100m đáp ứng cho các tàu 400CV trở lên; đồng thời, có hai bến liền bờ phục vụ các tàu cá cỡ nhỏ. Trong cảng có 27 doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá.
Các địa phương như Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có đội tàu đánh bắt xa bờ gần 1.000 chiếc (công suất trên 90CV), chiếm hơn 70% lượng phương tiện đánh bắt xa bờ của toàn tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, các cảng cá ở địa phương này lại chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn để tàu cá công suất lớn ra, vào hoạt động. Đặc biệt, cửa lạch dẫn vào hai cảng cá Lạch Vạn và Lạch Quèn đã bị bồi lắng khiến các phương tiện gần như không thể cập bờ. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Quản lý cảng cá tỉnh Nghệ An cho biết: “Nhiều ngư dân địa phương sinh sống gần cảng cá Lạch Vạn và Lạch Quèn muốn đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, nhưng không dám đầu tư, vì cửa lạch cạn. Hiện nay, tàu công suất lớn của ngư dân địa phương phải đi “tạm cư” tại các cảng cá khác”.
Theo Nghị định số 80/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, cảng cá loại I phải có diện tích 4ha trở lên, loại II tối thiểu là 2,5ha, nhưng hiện nay, diện tích các cảng cá của tỉnh Nghệ An đều nhỏ hơn quy định. Cửa Hội, Quỳnh Phương là hai cảng cá loại I nhưng diện tích từng cảng chỉ là 3,2ha và 1ha; cảng cá Lạch Vạn và Lạch Quèn thuộc loại II cũng chỉ có diện tích mỗi cảng hơn 1ha. Cảng cá không đủ diện tích nên ảnh hưởng lớn đến việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Ông Lê Kế Hồng, Cảng trưởng cảng cá Cửa Hội cho biết: “Nhiều năm nay, chúng tôi nhận được hàng trăm lá đơn của người dân đề nghị cho thuê mặt bằng để kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng cảng không thể đáp ứng vì diện tích không còn”.
Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Nghệ An, tỉnh hiện có hơn 3.900 tàu cá các loại, trong đó, tàu thuyền trên 90CV có gần 1.400 chiếc. Với hệ thống cảng cá như hiện nay thì không đáp ứng được nhu cầu neo đậu của tàu thuyền.
Đối với Hà Tĩnh, hiện nay tỉnh có 4 cảng cá, gồm: Xuân Hội (huyện Nghi Xuân), Cửa Sót (huyện Lộc Hà), Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (huyện Kỳ Anh). Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực đầu tư, đến nay, mới có hai cảng cá Cửa Sót và Xuân Hội hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động. Cảng cá Cửa Sót nằm ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà là nơi diễn ra các hoạt động nghề cá nhộn nhịp nhất của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng hiện nay, việc ra vào cảng với các tàu cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Nam (xóm Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) cho biết: “Tàu của tôi chỉ có công suất 250CV, nhưng vào cảng Cửa Sót, chân vịt vẫn bị vướng, phải chờ thủy triều lên mới vào được. Cửa lạch cạn, bồi lắng dẫn đến việc ra vào cảng cá khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình bốc dỡ, giải phóng hải sản...”.
Các cảng cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều được xây dựng đã lâu, cộng thêm số lượng tàu công suất lớn (500-1.000CV) đóng theo chủ trương của Chính phủ khá nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải trong lưu thông cũng như neo đậu tại các cảng. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Về mặt pháp lý, các cảng cá ở Hà Tĩnh chỉ có năng lực tiếp nhận tàu dưới 300CV, nhưng hiện nay, tàu công suất từ 500CV trở lên có nhu cầu cập cảng cũng rất nhiều. Việc tiếp nhận các tàu công suất lớn hơn 300CV rõ ràng là vi phạm quy chuẩn thiết kế, nhưng nếu không tiếp nhận cũng không được, vì ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân”.
Cũng theo ông Bùi Tuấn Sơn, đặc trưng tại cảng cá là khu vực cửa sông đổ ra biển, lượng bùn cát bồi lắng rất lớn. Kinh phí cho một đợt nạo vét lên đến vài chục tỷ đồng. Đơn vị đã đề xuất phương án xã hội hóa việc nạo vét cảng, theo đó, doanh nghiệp sẽ tiến hành nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm cát, như vậy cảng cá sẽ tiết kiệm được kinh phí, doanh nghiệp cũng có lợi. Đề xuất vậy, nhưng chưa có câu trả lời.
Việc mở rộng, nâng cấp, nạo vét cảng cá cần khoản kinh phí khá lớn mà các tỉnh còn nhiều khó khăn như Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ khó bố trí được trong một sớm, một chiều. Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu, đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá theo phương châm “lấy cảng nuôi cảng” nhằm nâng cao năng lực cảng cá, góp phần phát triển nghề đánh bắt xa bờ.
Theo Viết Lam/bienphong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;