Học tập đạo đức HCM

Hà Tĩnh: Thực hiện tốt chủ trương ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, đời sống

Thứ sáu - 24/07/2020 03:27
Trong 15 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX). Công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Quán triệt sâu sắc, tuyên truyền rộng rãi

Sau khi Ban Bí thư (Khóa IX)  ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức việc học tập, quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, các sở, ban, ngành đã tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, đoàn viên, hội viên về nội dung Chỉ thị; tổ chức nhiều hội thảo, lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ sinh học; hỗ trợ, khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học trong phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân tham gia sản xuất phân bằng chế phẩm sinh học Hatimic của trung tâm Ứng dụng KHCN Hà Tĩnh. Ảnh Dương Ngân

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, Bản tin Khoa học và Đời sống tỉnh, các tạp chí, bản tin trong tỉnh đã xây dựng các chuyên đề tuyên truyền, phổ biến kiến thức, thành tựu khoa học công nghệ sinh học, giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình, các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống trên địa bàn Hà Tĩnh.

Các địa phương đã phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh, các tổ chức phi chính phủ tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ chuyên môn cấp xã và các cơ sở, hộ chăn nuôi về ứng dụng công nghệ sinh học với hàng chục ngàn lượt người tham gia; tích cực ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất, như: ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn và nấm dược liệu; xây dựng mô hình sản xuất chế phẩm sinh học và ứng dụng để xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp... Nhiều hộ dân đã mạnh dạn ứng dụng các sản phẩm của công nghệ sinh học vào giống cây trồng, vật nuôi và các chế phẩm sinh học vào sản xuất và đời sống.

 Việc tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của công nghệ sinh học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đã tích cực tham gia phổ biến, tuyên truyền các kiến thức, thành tựu, hiệu quả của công nghệ sinh học trên các lĩnh vực.

Quan tâm chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp

Xác định vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống, trong 15 năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học; tích cực đưa Chỉ thị số 50 của Ban Bí thư đi vào cuộc sống. Theo đó, hệ thống cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện, nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất cho lĩnh vực phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học được tăng cường. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành sớm phát huy hiệu quả, như: cơ chế, chính sách ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh và xử lý môi trường; cơ chế, chính sách thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học; bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học, đặc biệt các giống cây, con; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nhiệm vụ công nghệ sinh học trong chương trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cấp tỉnh...

Chỉ thị đi vào cuộc sống, đạt kết quả nổi bật

Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phâm nông, lâm, thủy sản của địa phương và bảo vệ môi trường.

Kết quả ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả bước đầu quan trọng, nhất là về nhân giống và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, cải tạo vườn tạp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh đã chỉ đạo, nghiên cứu đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng du nhập, khảo nghiệm và nhân diện rộng thay thế dần các giống địa phương như: lợn  Landrace, Yorshire, Pietrain, Duroc, bò Brahman (nhập từ Úc), bò giống và tinh bò chất lượng cao Charolaise (Thái Lan, Pháp), tinh trâu Murah, các giống gà siêu thịt, siêu trứng, vịt Kaki cambell, Super meat,…. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô tế bào, công nghệ vi ghép, công nghệ mô-hom để sản xuất giống cây trồng với số lượng lớn, nhanh, sạch bệnh, bảo đảm chất lượng tốt, như các loại giống cây ăn quả (cam, bưởi, chuối), các loại hoa (cúc, đồng tiền, phong lan), cây lâm nghiệp.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc bảo tồn, lưu giữ và khai thác các nguồn gen quý của tỉnh, như các dược liệu quý cung cấp nguyên liệu chữa bệnh như mộc hoa trắng, sâm đại hành, bồ công anh, các loại cây, con như Bưởi Phúc Trạch, Quýt Kỳ Anh, Cam bù Hương Sơn, Hươu Hương Sơn,… đã tạo nên các sản phẩm hàng hoá đặc trưng, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh và đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, làm chủ công nghệ từ phân lập giống gốc đến giống cấp 2, giống cấp 3 đối với 10 loại nấm, như: linh chi, mộc nhĩ, sò, rơm, kim châm, đùi gà, đầu khỉ,… Hiện nay, Trung tâm Phát triển nấm ăn và nấm dược liệu Hà Tĩnh đủ khả năng sản xuất và cung ứng giống nấm cho nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

 Sử dụng thành công kỹ thuật công nghệ sinh học trong trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, các loại phân vi sinh cố định nitơ và phân giải lân, các chế phẩm sinh học như phân bón lá, chất kích thích ra hoa, chất kích thích ra rễ, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),... được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.

Trên lĩnh vực y dược, các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện đã ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật sinh học hiện đại trong xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhiễm viruts, vi khuẩn, đặc biệt là bệnh viêm gan, lao, sốt xuất huyết, ung thư cổ tử cung; kỹ thuật xét nghiệm chuyên ngành ung bướu, nội tiết, sàng lọc sớm bệnh ung thư; ứng dụng công nghệ Test Elisa trong chẩn đoán HIV; kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu, sản xuất và cung cấp các chế phẩm máu cho phẫu thuật và điều trị tách khối hồng cầu. Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nâng cao chất lượng bảo quản vaccine và đảm bảo cung cấp đủ các vaccine (trong đó có vacxin thế hệ mới), huyết thanh cơ bản để phòng và chữa bệnh. Sử dụng hiệu quả các loại vaccine trong tiêm phòng bệnh, như: viêm gan B, ho gà, bại liệt, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella, quai bị. Ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm PCR giúp phát hiện sớm, chính xác các dịch bệnh nguy hiểm như cúm AH1N1, cúm AH5N1, viêm gan siêu vi. Nghiên cứu phát triển, bảo tồn các cây thuốc quý, bào chế nguồn nguyên liệu, dược liệu làm thuốc trên địa bàn tỉnh, như: mộc hoa trắng, ích đồng nam, sâm đại hành, bồ công anh, ba kích, sản xuất một số loài nấm làm thuốc chữa bệnh... Đặc biệt, các sản phẩm "viên ngậm thông phế", "viên nhuận tràng", “thuốc nam điều trị bệnh táo bón”, “thuốc nam hạ áp” bằng thảo dược của địa phương đã có mặt trên thị trường toàn quốc và một số nước trên thế giới, góp phần quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường đạt kết quả tích cực. Các chế phẩm sinh học HT- Bio, Neo-Polymic, Neo-Polyut được ứng dụng xử lý nước trong nuôi trồng thuỷ sản; công nghệ Biogas (yếm khí vi sinh vật) xử lý chất thải trong ngành chăn nuôi làm chất đốt và phát điện; công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi (chế phẩm Balasa N0-1), góp phần bảo vệ môi trường, tăng giá trị kinh tế. 

Triển khai ứng dụng chế phẩm sinh học Hatamic và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế, phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất trồng trọt, góp phần quan trọng trong chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, an toàn. Từ năm 2015 đến nay đã sản xuất 270.912 gói chế phẩm sinh học Hatimic, tổng khối lượng 54,182 tấn, cung ứng cho 1 doanh nghiệp và 35.714 hộ dân tại 13 huyện, thị xã, thành phố; ứng dụng vào sản xuất.

Ứng rộng rãi chế phẩm EM, công nghệ yếm khí để xử lý chất thải sinh hoạt, đặc biệt là chất thải rắn. Sử dụng công nghệ ủ phân vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ tại các nhà máy chế biến rác thải; các loại chế phẩm sinh học EM, L2100CHV, Sagi Bio, Hatimic… để giảm thiểu mùi hôi, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tại các nơi tập kết rác trên địa bàn tỉnh. Sử dụng bùn hoạt tính, biện pháp hóa lý kết hợp vi sinh vật tại các nhà máy sản xuất có phát sinh lượng nước thải chứa hàm lượng chất hữu cơ cao, góp phần khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường, đồng thời tiết kiệm kinh phí xử lý nước thải.

Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 15 vẫn còn những khó khăn, han chế nhất định. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị; chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, chậm sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện; kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống còn hạn chế; hoạt động công nghệ sinh học chủ yếu là triển khai ứng dụng, việc nghiên cứu, phát triển còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại còn thiếu và không đồng bộ; đội ngũ cán bộ khoa học trên lĩnh vực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu, còn phân tán ở nhiều lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, ngành nghề; còn thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực quản lý có trình độ cao về công nghệ sinh học...

Phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất vẫn là hướng lựa chọn tối ưu trong thời gian tới

Thời gian tới, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống phải phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng “xanh”, phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về công nghệ sinh học; chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết và đề ra nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị trong từng giai đoạn.

Hai là, tăng cường đổi mới công tác quản lý nhà nước, rà soát, xây dựng chính sách nhằm khuyến khích và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ sinh học. Ưu tiên việc hình thành và phát triển các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nhất là công nghệ sinh học phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hỗ trợ hình thành các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Phát triển tài sản trí tuệ để bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển các sản phẩm do công nghệ sinh học tạo ra. 

          Ba là, tăng cường triển khai các đề tài, dự án, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống. Chú trọng công tác chọn tạo giống cây con có ưu thế từ kỹ thuật công nghệ sinh học; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các chế phẩm vi sinh để cải tạo đất, xử lý chất thải, khắc phục và bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản, nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y học, tạo ra các loại thuốc, phương pháp phòng, chữa bệnh hiệu quả, an toàn nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bốn là, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho phát triển công nghệ sinh học; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học; chú trọng thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về lĩnh vực công nghệ sinh học.

Năm là, nghiên cứu, xây dựng các mô hình liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà nước trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất phù hợp với thực tế của mỗi địa phương; chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, cá nhân nhằm tiếp cận và chuyển giao công nghệ; chủ động xây dựng các chương trình, nhiệm vụ về phát triển công nghệ sinh học với các tổ chức trong nước và quốc tế.

 
Theo Trần Đình Hưng/lienhiephoikhkt.hatinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập532
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại775,260
  • Tổng lượt truy cập93,152,924
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây