Học tập đạo đức HCM

“Bài ca” thoát nghèo của đồng bào dân tộc Sán Chỉ

Thứ hai - 12/02/2018 21:45
Ai đó cứ ngỡ chuyện thoát nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cực kỳ khó khăn, thậm chí là không thực hiện được. Nhưng nếu được về thăm bà con Sán Chỉ ở xã Đại Thành (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) thì chắc hẳn sẽ thay đổi cách nhìn.

Những ngôi nhà khang trang ngày càng mọc lên nhiều hơn ở Đại Thành.

Xã vùng cao hiếm… hộ nghèo

Đại Thành mà chúng tôi đang đến là xã vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến trên 98%, trong đó chủ yếu là người dân tộc Sán Chỉ. Đời sống của bà con trước kia vô cùng khó khăn. Khi mới được tách ra từ xã Đại Dực, con đường giao lưu giữa Đại Thành bị cách trở vô cùng. Đường đất lô nhô, nắng thì bụi mưa lại lầy. Người dân nuôi được con lợn bản hay con ngan đen nhiều lúc cũng nản lòng chẳng buồn mang bán. Có đến vài tuần, thậm chí cả tháng người ta mới xuống phố huyện một lần.

Hiện Đại Thành còn thôn Nà Cam nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã đang dốc sức, dồn mọi nguồn lực đưa Nà Cam ra khỏi diện 135 vào năm 2018. Xã đã tập trung nguồn vốn làm mới đường Nà Cam nối với xã Húc Động (Bình Liêu) dài 7km, giúp bà con Sán Chỉ tiêu thụ tốt sản phẩm dong củ. Các cơ sở sản xuất miến dong ở xã cũng đã mạnh dạn hơn khi đầu tư vào sản xuất. 

Một cụ già trong xã nhớ lại: Ngày trước, dù rất chật vật nhưng cứ dồn lại vài tháng cụ mới xuống huyện để nhận trợ cấp. Thế nhưng, lúc đi phải chống gậy lần bước một, đi vòng qua xã Đại Dực. Mất cả mấy tiếng đồng hồ mới ra được đến đường lớn. Xem ra, những câu chuyện ấy giờ đã thành cổ tích rồi. Quả thật, chỉ một thoáng chốc thôi, chúng tôi đã đặt chân đến Đại Thành. Con đường đã được bê tông hóa rất khang trang. Mấy năm gần đây, cuộc sống đã được cải thiện nhiều nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.

Theo con đường liên xã, xe chúng tôi dừng lại trên một con dốc. Từ trên cao nhìn xuống, tôi thực sự ngỡ ngàng. Trước mắt tôi, những ngôi nhà nhiều màu sắc như vươn cao, như ganh đua cùng tán cây rừng. Tất cả nằm trọn trong một thung lũng rất đẹp. Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Khuyến cười vui: “Giờ ở Đại Thành chúng tôi tìm hộ nghèo cũng khó lắm đấy”.

Quả vậy, vì toàn xã chỉ còn 8 hộ nghèo trong tổng số 243 hộ. Sang năm 2018, Đại Thành quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,8% năm 2017 xuống dưới 2%. Đồng thời, 8/20 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được sẽ được nhân dân Đại Thành quyết tâm giữ vững; hoàn thành thêm 5 tiêu chí mới và đưa thu nhập bình quân đầu người lên trên 20 triệu đồng/năm.

Chị Nình Móc Chắn - cán bộ Văn hóa xã đưa tôi đến nhà anh Nình A Voòng ở thôn Khe Lặc. Anh Voòng đang phơi thóc trước hiên một căn nhà cũ kỹ đất trình tường, xuống cấp. Bên cạnh căn nhà ấy, một ngôi nhà ba gian, mái bằng kiên cố hơn vừa được dựng lên. Anh Voòng nói như phân trần rằng, nhà đang làm dở thì cuối năm hết tiền rồi, để sang năm làm tiếp. Anh nhẩm tính, tiền sơn nhà và sắm cửa vật dụng trong nhà cũng đến ngót trăm triệu rồi.

Ông Ninh A Sủi, bố anh Voòng sang chơi, cắt ngang câu chuyện, tỏ lòng hiếu khách sai con trai đi tìm rượu mời tôi. Anh Voòng đi một lúc thì quay lại với chai rượu khoai còn lưng lửng. “Giờ bà con Sán Chỉ ít nấu rượu rồi, có nhà không nấu luôn. Nhiều người bỏ hẳn rượu, tránh xa ma men để còn tập trung vào làm ăn”, anh Voòng bảo vậy.

Tiếng hát làm đường nông thôn mới

Với Đại Thành, bà con thoát nghèo là nhờ đã biết thay đổi phương thức canh tác. Nhất là từ khi thành lập xã, bà con hăng hái tham gia Dự án PAM 5322, trồng rừng để phát triển kinh tế. Cây thông đang mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho bà con nơi đây. Mỗi hộ có khoảng dăm bảy mẫu trồng thông, một ngày cũng lấy được gần chục cân nhựa. Tính ra ngày công cho mỗi lao động cũng được hơn 2 trăm nghìn, một mức thu nhập trước kia có nằm mơ cũng không được.

Cây dong giềng đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây

Một tin vui nữa là toàn xã hiện nay có đến 1.000ha thông đang cho thu hoạch nhựa. Cây thông sẽ cho nhựa đều đặn trong khoảng 20 năm tiếp. Bên cạnh đó, nghề truyền thống làm miến dong cũng đem lại những nguồn thu đáng kể cho bà con. Trước kia, người ta cứ nhắc đến miến dong là nghĩ ngay đến Bình Liêu. Nhưng theo nhiều người dân ở đây, cây dong Đại Thành thậm chí còn có chất lượng tốt hơn cả dong Bình Liêu! Chả thế mà dân Bình Liêu thường xuyên sang Đại Thành mua dong về làm miến.

Theo ông Sẹc để vận động dân bản không gì bằng hát sóng cọ. Ông cặm cụi soạn những lời sóng cọ mới. Rồi kéo bọn trai bản, gái bản vẫn thường rủ nhau lên đỉnh Thông Châu hát hò tán tỉnh nhau xuống đường mà hát. Vừa hát, vừa hì hục cuốc xẻng, trộn bê tông làm đường. Không khí trên công trường mà như thể đang đưa đạo cụ lên sân khấu hội diễn quần chúng vậy.

Mô hình làm ăn thành công nhất từ nông nghiệp ở Đại Thành có lẽ là hộ anh Tằng Văn Minh, thôn Khe Mươi. Trung bình mỗi năm, anh cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 con gà, thu lãi gần 100 triệu đồng. Không chỉ anh Minh mà mỗi người dân của xã đều đã xác định được mình là chủ thể trong công tác xóa nghèo. Từ chỗ trước đây bà con chỉ chăn nuôi phục vụ trong gia đình mình là chính, thì nay hộ nào cũng đã có ý thức chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Bà con Sán Chỉ còn biết bảo nhau chú trọng nâng cao chất lượng gà, sản xuất tập trung hơn để dễ cung ứng cho thị trường, thương lái dễ vào mua. Con gà bản địa đã giúp người dân Đại Thành thoát khỏi sự đeo bám của cái nghèo.

Lại nhớ lúc vào xã, chúng tôi ngạc nhiên bởi hai bên đường đang được đổ đất trồng hoa, cây xanh y như thể đường phố. Chuyện này ở phố xá thì bình thường chứ ở Đại Thành quả là lạ với bà con Sán Chỉ. Không chỉ có vậy, hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được đầu tư khang trang hơn. Vừa qua, xã đã đầu tư 400 m đường liên thôn từ gốc đa A Tắc đến đập tràn thôn Kéo Kai; hỗ trợ xi măng cho tuyến đường Trọng Diu thôn Khe Lặc và đường Tánh Pan thôn Đoàn Kết.

“Cái gì chứ riêng việc làm đường cũng có nhiều chuyện hay lắm”, ông Sằn A Sẹc ở thôn Nà Cam cười bảo với tôi như vậy. Ông kể: “Khi đó Nhà nước cho vật liệu rồi. Dân bản mừng lắm. Nhưng dân ở đây toàn là đồng bào Sán chỉ và Dao, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa việc làm đường. Thế là lại phải đi vận động hô hào dân hiến đất làm đường, bỏ công sức ra tập trung làm cho nhanh”.

Ông còn khoe, sau cái vụ vừa làm vừa hát ấy, nhiều trai bản gái bản đã nên vợ nên chồng cùng hát “bài ca hạnh phúc” nữa.

Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Khuyến và một vài cán bộ xã mời cơm chúng tôi với lời nhắn gửi, đây là tấm lòng của anh em trên này bởi tất cả đều là thức ăn tự túc, tự cấp cả. Gà bản anh em nuôi sau vườn, rau trồng được, miến thì Đại Thành làm ra. Tôi e ngại bảo, sao mà sửa soạn tươm tất quá. Anh Khuyến gạt đi: Bà con trên này ăn uống hằng ngày như vậy cả. Đời sống giờ khá hơn xưa nhiều rồi.

Chào tạm biệt Đại Thành ra về, tôi không sao quên được cái dư vị ngọt mềm của miến dong, màu vàng ngậy của thịt gà và câu hát soóng cọ dặt dìu vừa được nghe ở đầu bản.

Theo Phạm Học/Báo TTV.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập251
  • Hôm nay23,808
  • Tháng hiện tại271,482
  • Tổng lượt truy cập90,334,875
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây