Đó là lão nông Võ Tuấn Tú (SN 1964, ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Năm 2017, ông Tú vinh dự đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương.
“Ăn ngủ” cùng cá chình
Vốn sinh ra ở vùng đất Gò Bồi (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cuộc sống khó khăn nên gia đình ông Tú trôi dạt về xóm Cù Lao (thuộc thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) bám lấy đầm Trà Ổ mưu sinh.
Theo ông Tú kể, ngày còn ở Gò Bồi, gia đình ông sống nhờ vào nghề bắt cá chình bởi đây là đặc sản địa phương nên giá trị cao. Do vậy, khi dời về nơi ở mới ông bắt đầu làm kinh tế với việc nuôi cá chình cùng hi vọng sẽ mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.
Thế nhưng, làm kinh tế không dễ dàng như suy nghĩ của ông Tú. Năm 2000, ông bắt đầu nuôi chình nhưng 7 năm liên tiếp thua lỗ, nợ nần chồng chất. Có năm vì thiên tai, lũ lụt khiến gia đình trắng tay, đỉnh điểm có năm thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Nợ nần vây quanh, có lúc ông đã từng nghĩ đến chuyện từ bỏ nghề để đi làm thuê kiếm sống, trả nợ.
“Lúc đó, tôi chưa có kinh nghiệm và chưa hiểu biết về loài chình. Môi trường nuôi, cách cho ăn,… không phù hợp khiến cá hay dịch bệnh chết trắng hồ. Rất may, nhờ nguồn vốn vay được Hội nông dân ở địa phương giới thiệu, tôi liều mình vay rồi bắt đầu lại mọi chuyện”, ông Tú chia sẻ.
Thất bại là mẹ thành công, qua sách báo, ông Tú còn lên mạng tìm tất cả các nội dung về kinh nghiệm nuôi chình, bống tượng. Sau đó, ông Tú lên kế hoạch cho việc đầu tư nuôi chình và bống tượng thật chỉnh chu, khoa học. “Làm nghề gì hay nuôi con gì cũng phải có đam mê, yêu quý như chính bản thân mình, có khi “ăn ngủ” cùng nó để biết nó cần gì”, ông Tú cho hay.
Giờ đây, ở xóm Cù Lao, khu nuôi cá của ông Tú chẳng khác nào “biệt phủ” với diện tích rộng đến 20.000 m2. Hiện tại, ông Tú đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để làm 4 hồ nuôi kiên cố, có khả năng chống chọi được với thiên tai. Với 3.000 con chình, 1.000 cá bống tượng, ông nuôi riêng biệt theo phương thức luân canh, mỗi năm xuất bán 1 hồ để có tiền trang trải cuộc sống và đầu tư cho vụ kế tiếp.
Tìm ra “bí kíp” thuần hóa chình tự nhiên
Ông Tú cho rằng, khác với cá trê, cá lóc là ăn tạp và chịu được môi trường ô nhiễm thì cá chình và bống tượng lại ngược lại, thức ăn của chúng phải tươi sống. Đặc biệt, cá chình thì đòi hỏi gắt gao hơn bởi nó đẻ từ biển và di cư vào nước ngọt nên con giống không thể nhân tạo được mà phải mua giống tự nhiên. Do vậy, môi trường sống phải tuyệt đối sạch sẽ, không được ô nhiễm.
Hàng ngày, để chuẩn bị nguồn thức ăn tươi sống cho cá, ông Tú thu mua cá vụn của các hộ đánh bắt trên đầm Trà Ổ về tự chế biến thành thức ăn cho chình, đảm bảo an toàn cho vật nuôi và giảm chi phí. Bình quân mỗi ngày, ông tiêu tốn khoảng 500.000 đồng cho việc mua thức ăn cho cá.
Theo ông Tú, 2 loài cá này rất dễ mắc bệnh ghẻ lở về da nên người nuôi cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để phòng tránh. “Cách phòng bệnh đơn giản nhất cho cá, ngoài thức ăn đảm bảo an toàn thì môi trường sống phải sạch sẽ thì loài cá mới phát triển được. Tôi mời các chuyên gia công nghệ vi sinh về tận nhà để chỉ tôi biết cách ứng dụng vào xử lý các hồ nuôi. Việc cải tạo ao, xử lý nước tôi không dùng hóa chất, kháng sinh mà chỉ dùng công nghệ lên men vi sinh từ các nguyên liệu như mật, đường, cám gạo. Nhờ vậy, môi trường nuôi không hề bị ô nhiễm, cá phát sinh trưởng tốt”, ông Tú chia sẻ.
“Đây đều là loại đặc sản có giá trị cao nên được khách hàng rất ưa chuộng. Ban đầu con giống chỉ nặng 100g, về nuôi cá nuôi từ 1,5 năm đến 2 năm cá đạt 1kg là xuất bán. Để có được thành quả như hôm nay, gia đình tôi phải trải qua nhiều lần thất bại, nếu không gặp sự cố về thiên tai thì có thể lãi đến 400 triệu đồng/năm”, ông Tú chia sẻ thêm.
Hiện tại, với mô hình này, gia đình ông đang giải quyết cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng, đến mùa thu hoạch số lao động thời vụ lên đến 15 người với mức 200.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, mỗi năm ông giúp 6 hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.
Doãn Công/dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã