Học tập đạo đức HCM

Bước tiến của ngành nuôi tôm Kiên Giang

Chủ nhật - 06/05/2018 18:45
Từ một tỉnh chuyên canh lúa, nhờ đầu tư, khuyến khích người dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, Kiên Giang đang trở thành địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất, nhì vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, với hồ nổi lót bạt, có mái che ở Trại thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản Thứ Sáu Biển, huyện An Biên, Kiên Giang.

Phá thế độc canh cây lúa

Trở lại vùng U Minh Thượng lần này, chúng tôi đến một địa danh “có tiếng” nghèo khó, đó là xứ Cạnh Ðền, một ấp thuộc xã Vĩnh Phong - nơi có phong trào chuyển dịch từ độc canh cây lúa, sang mô hình canh tác tôm - lúa mạnh nhất vùng. Ông Lê Tấn Nghi, người dân ở ấp Cạnh Ðền, khoe: “Hai héc-ta tôm càng xanh của tui vụ này thu hoạch ngót nghét 200 triệu đồng đấy! Năm nay, khá hơn năm ngoái, sản lượng và giá đều cao”. Chỉ tay về hướng có căn nhà khang trang, ông Nghi nói: “Bên anh Dân đang thu hoạch, bán giá 170.000 đồng/kg, cao hơn so với thời điểm tui bán. Cả xóm, vụ tôm năm nay ai cũng trúng mùa nên rất phấn khởi”.

Lão nông Lê Tấn Nghi kể, mới hơn mười năm trước cả huyện Vĩnh Thuận này còn nghèo khó lắm, hộ giàu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người nông dân chỉ có “sức trâu”, tư liệu sản xuất mỗi nhà chỉ dăm công ruộng, khá hơn thì một, hai héc-ta. Ruộng mỗi năm làm một vụ lúa mùa, nhiều thửa ruộng phèn mặn quá người ta bỏ cho cỏ năn, cỏ lác mọc. Nhưng rồi phong trào nuôi tôm sú nở rộ ở nhiều nơi, nông dân Vĩnh Thuận cũng nhập cuộc. Phó Giám đốc Hợp tác xã ấp Căn Cứ (xã Vĩnh Phong) Cô Văn Sửa cho biết: “Thấy người ta nuôi tôm, mình cũng bắt chước nuôi, đưa nước mặn vào ruộng. Cũng đào vuông, thả giống, cho ăn, xử lý ao nuôi… nhưng cứ thất bại. Ðến khi gặp kỹ sư nông nghiệp, nắm được quy trình, kỹ thuật mới thành công. Những cánh đồng cỏ năn, cỏ lác mọc um tùm ngày nào dần được cải tạo thành ruộng tôm, đất cũng từ đó mà có giá hơn”.

Năm 2017, toàn huyện Vĩnh Thuận có gần 23.000 ha đất nuôi tôm, với sản lượng hơn 12.500 tấn, tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2016. Phần lớn sản lượng tôm tăng là do nông dân ưa con tôm càng xanh, nên chuyển dịch mạnh. Trong tổng sản lượng hơn 12.500 tấn tôm, tôm càng xanh chiếm gần một nửa. Những địa bàn nuôi tôm càng xanh nhiều và đang tiếp tục phát triển là các xã: Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Bình Minh, Vĩnh Phong, Tân Thuận và một phần của xã Vĩnh Thuận. Hiện giá tôm càng xanh loại I ở vùng U Minh Thượng, nhất là ở Vĩnh Thuận lên đến 180.000 đồng/kg. Ông Lê Minh Liệt, ngụ ấp Ðông Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc cho biết, những năm qua nhờ giá tôm luôn ở mức cao mà kinh tế gia đình ông khá hơn trước. Ông nói: “Gia đình tôi có 7 ha nuôi tôm kết hợp trồng lúa, hằng năm cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. Quy trình chăm sóc tôm, nhất là tôm càng xanh cũng “khỏe”, tận dụng gốc rạ, sinh vật trên ruộng lúa làm thức ăn cho tôm, cho nên giảm được chi phí”.

Cùng với Vĩnh Thuận, hai huyện khác trong vùng U Minh Thượng có diện tích nuôi tôm lớn là An Biên và An Minh. Theo đó, năm 2018 huyện An Biên có 19.622 ha nuôi tôm nước lợ, trong đó 17.522 ha luân canh tôm - lúa. Còn ở huyện An Minh, diện tích vụ tôm nuôi nước lợ 5 năm nay là hơn 47.768 ha, trong đó nông dân đã bắt đầu chuyển dịch từ nuôi tôm sú sang thả nuôi tôm càng xanh. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Vĩnh Thuận Võ Hoàng Nguyên, sở dĩ người dân U Minh Thượng bắt đầu chuộng con tôm càng xanh do giống tôm này chịu được thời tiết khắc nghiệt của vùng, giá bán lại cao hơn so với con tôm sú. Tôm càng xanh ở đây giá cao hơn tôm càng xanh ở các nơi khác còn vì chất lượng thịt ngon, ngọt, do được nuôi trong môi trường tự nhiên, ăn rong tảo, không ăn thức ăn công nghiệp. Do quá trình xử lý phèn, mặn trên đất hoang để nuôi tôm, cho nên từ lúc nào không biết, cây lúa bắt đầu sinh trưởng, cho năng suất cao và chỉ có giống lúa mùa, sử dụng phân bón hữu cơ, kháng sâu bệnh là phát triển tốt trên đất nuôi tôm. “Có thể nói ngay từ đầu, nông dân Vĩnh Thuận nói riêng và U Minh Thượng nói chung đã thực hiện khởi nghiệp nuôi tôm thoát nghèo bằng nông nghiệp “sạch”, tức là không phụ thuộc vào phân bón hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại khác”- ông Võ Hoàng Nguyên nói.

Nông dân huyện Vĩnh Thuận phân loại tôm càng xanh, xuất bán cho thương lái.

Hiện đại hóa nghề nuôi tôm

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giai đoạn 2012-2017, diện tích nuôi trồng thủy sản ở toàn tỉnh Kiên Giang đã tăng từ 163.761 ha lên 240.630 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh tăng từ 87.054 ha lên 119.488 ha. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 265.505 tấn, riêng sản lượng tôm nuôi đạt 80.000 tấn.

Ngoài vùng U Minh Thượng, thì vùng tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang cũng được quy hoạch sản xuất tôm nguyên liệu, với rất nhiều doanh nghiệp đang thả nuôi từ vài trăm đến cả nghìn héc-ta. Ðây là vùng sản xuất quy mô lớn, theo quy trình công nghệ cao. Công ty cổ phần Trung Sơn (xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương) vừa được Bộ NN và PTNT cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ðưa chúng tôi đi thăm khu nuôi tôm của đơn vị tại ấp Bãi Ớt, xã Dương Hòa, Phó Tổng Giám đốc kỹ thuật Trương Minh Ðiền cho biết, toàn bộ diện tích nuôi là 650 ha, trong đó đang khai thác 350 ha, với hơn 170 ha mặt nước. Công ty Trung Sơn đang sản xuất tôm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, tất cả đều khép kín. Tôm bố mẹ được đơn vị nhập về từ Ha-oai (Mỹ) để sản xuất tôm giống tại tỉnh Bình Thuận, sau đó chuyển về vùng nuôi. Tôm giống bảo đảm an toàn dịch bệnh, đạt chứng nhận GlobalGAP. Khu nuôi của công ty có hệ thống lấy nước biển riêng, gồm kênh cấp, qua trạm bơm lên kênh cấp nổi, đến kênh nhánh cấp vào ao xử lý và cuối cùng là ao nuôi. “Hiện Công ty Trung Sơn đang nuôi tôm theo quy trình hai giai đoạn. Giai đoạn 1, tôm giống được ương trong nhà màng từ 25 đến 30 ngày. Ðây là khu nhà màng hiện đại, hoàn toàn không lệ thuộc thời tiết. Sau đó tôm được chuyển ra ao lót bạt đáy nuôi thương phẩm với mật độ từ 250 đến 400 con/m2. Tôm được thu hoạch đúng theo kích cỡ khách hàng đặt và chuyển về nhà máy của công ty để chế biến, xuất khẩu, Phó Tổng Giám đốc Trương Minh Ðiền cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang Ðặng Khánh Hồng cho biết: Ðể từng bước hiện đại hóa ngành nghề nuôi tôm, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện sáu điểm trình diễn, chuyển giao quy trình nuôi tôm hai giai đoạn trong ao lót bạt cho người nuôi tôm tại bốn huyện, quy mô 300 m² giai đoạn 1 và 2.000 m2 giai đoạn 2, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/điểm. Ðầu năm 2018, Trung tâm tiếp tục triển khai năm điểm trình diễn tại năm huyện, thị xã; cử 14 cán bộ khuyến nông tham gia các lớp tập huấn đạt chứng nhận giảng viên TOT VietGAP trong nuôi trồng thủy sản để hỗ trợ nông dân. “Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn trên hồ trải bạt đạt sản lượng 3 tấn/hồ nuôi 500 m3/vụ và có thể nuôi từ 3 đến 4 vụ/năm. Mô hình này đã thành công ngoài mong đợi” - bà Ðặng Khánh Hồng nói.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản nói chung và trong nuôi tôm nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hai giai đoạn lót bạt đáy, áp dụng công nghệ Semi-biofloc, Biofloc... trong nuôi tôm nước lợ đã trở nên khá phổ biến. Từ đó, năng suất tăng lên đáng kể, cụ thể nuôi tôm thẻ chân trắng trước kia năng suất khoảng 10 tấn đến 12 tấn/ha/vụ thì nay có thể đạt 30 tấn đến 50 tấn/ha/vụ. Hiện toàn tỉnh có khoảng 300 ha nuôi tôm áp dụng theo các phương thức này.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhận xét: Ðây là mô hình nuôi tôm có nhiều ưu điểm vượt trội, vì nuôi hồ tròn đặt nổi trên mặt đất, thuận tiện trong mọi địa hình, không bị hiện tượng thẩm thấu ngược từ môi trường bên ngoài vào hồ nuôi; thuận lợi trong quản lý môi trường, chi phí đầu tư và có khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình quản lý. Ðây được xem là bước đột phá nhằm hiện đại hóa nghề nuôi tôm ở Kiên Giang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, hiệu quả trong chuỗi liên kết sản xuất bền vững.

Theo Việt Tiến/Báo Nhân Dân.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập532
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm531
  • Hôm nay75,189
  • Tháng hiện tại811,299
  • Tổng lượt truy cập93,188,963
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây