Học tập đạo đức HCM

Câu chuyện về “Hai lúa” được "tuyển cử" sang Brunei... làm nông

Thứ năm - 22/05/2014 05:02
Đại diện cho hàng chục triệu nông dân Việt Nam, lần đầu tiên, 2 nông dân Phạm Thanh Hải và Phan Thiện Khanh ở huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ đã được “tuyển cử” sang tận nước bạn Brunei làm nông.
Đại diện cho hàng chục triệu nông dân Việt Nam, lần đầu tiên, 2 nông dân Phạm Thanh Hải (46 tuổi,ngụ ấp Đông Hiển, xã Đông Thuận) và Phan Thiện Khanh (42 tuổi, ngụ ấp Định Khánh B, xã Định Môn) ở huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ đã được “tuyển cử” sang tận nước bạn Brunei làm nông. 

Sau 4 tháng cần mẫn làm lụng ở xứ người, với kỹ thuật và kinh nghiệm canh tác sản xuất lúa được áp dụng một cách bài bản, khoa học, anh Hải và anh Khanh đã làm rạng danh nhà nông Việt Nam. 

Xuất ngoại làm lúa

Việc “tuyển cử” 2 anh Hải và Khanh sang Brunei làm nông cùng với 2 cán bộ khoa học ở Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm trong chương trình hợp tác về sản xuất lúa gạo giữa 2 nước Việt Nam – Brunei. Việc hợp tác này nằm trong khuôn khổ “Dự án xây dựng mô hình trình diễn sản xuất lúa tại Brunei” do Viện Lúa ĐBSCL thực hiện từ tháng 9.2013 đến tháng 1.2014.


Anh Khanh đang phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng lúa Brunei.

Giữa trưa, cái nắng tháng 5 nóng hầm hập, con đường về ấp Đông Hiển xa vời vợi. Tiếp chuyện chúng tôi bên hiên nhà, anh Hải tươi cười nói: “Xưa giờ, quen với liếp vườn, mảnh ruộng quê nhà có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ có ngày mình được một lần ra nước ngoài làm nông. Khi biết thông tin mình là một trong hai nông dân được chọn đi Brunei để canh tác, sản xuất lúa tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì lần đầu tiên được đi nước ngoài, được mọi người tin tưởng; lo vì không biết khí hậu, thổ nhưỡng bên Brunei như thế nào, lỡ làm không đạt hiệu quả thì sao…”. 

Anh Hải kể thêm: “Tâm trạng tôi lúc đó cứ phân vân, nửa muốn đi, nửa muốn ở lại bởi mình là trụ cột chính trong gia đình, không biết đi 4 tháng trời ruộng vườn, nhà cửa ai lo. Biết thế, nhiều cán bộ của Sở NNPTNT Cần Thơ có xuống động viên tôi đi, cộng thêm lời khuyên từ bạn bè, người thân rằng đây là cơ hội tốt, là dịp để trổ tài làm nông, là dịp thắt chặt mối thâm tình ngoại giao giữa Chính phủ hai nước, nên cuối cùng tôi quyết định đi”.

Đối với anh Khanh cũng vậy, khi được chọn sang Brunei lúc đầu cũng lưỡng lự, do dự không muốn đi: “Mình làm nông ở nhà mình thì quen rồi, từ sạ lúa thế nào, chăm bón ra sao, phòng trừ sâu bệnh lúc nào… đều quen hết. Sang đất người chẳng biết thế nào, nhưng tôi nghĩ mình cứ nên đánh liều một chuyến sang cái nước dầu mỏ này xem sao”. 

Có một điều trùng hợp, là giữa anh Hải và anh Khanh ngoài đời là đôi bạn rất thân, thường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, canh tác lúa. Cho nên, việc hai người kết hợp canh tác trên cùng một mảnh ruộng được mọi người ví von như… cá gặp nước.

Khai hoang đồng đất Brunei

Nội dung chính của dự án là nhằm khảo nghiệm sản xuất bộ giống lúa cao sản ngắn ngày, chất lượng cao của Việt Nam tại Brunei. Bao gồm 10 giống lúa: OM 4218, OM 4900, OM 5981, OM 6162, OM 7347, OM 5451, OM 6161, OM 6600, OM 0817, OM 9605 và các giống lúa đối chứng của Brunei Laila. Đồng thời, nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ sạ và mức phân bón đến năng suất giống lúa OM 7347.

Ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết: Sở dĩ chọn 2 nông dân Phạm Thanh Hải và Phan Thiện Khanh vì họ đều có kinh nghiệm trong quá trình canh tác, sản xuất lúa, am tường về cách xử lý phân bón, phòng trừ sâu bệnh; đã qua các lớp tập huấn IPM; đã có thời gian dài đứng lớp truyền tải những kiến thức, kỹ thuật làm nông cho bà con… và tư cách đạo đức rất tốt.

Theo đó, các thí nghiệm khảo nghiệm giống lúa và trình diễn kỹ thuật sản xuất lúa được thực hiện tại Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển lúa thuộc Trung tâm Phát triển và Nghiên cứu tài nguyên (Bộ Công nghiệp và Tài nguyên Brunei) tại xã Wasan, huyện Brunei Muara, thủ đô Brunei Darussalam. 

“Ngày đầu tiên đặt chân đến Brunei, cảm giác của 2 anh em khá ngỡ ngàng, trong đó ngỡ ngàng nhất là ngày phía nước bạn giao 2ha đất để canh tác lúa. Tưởng đâu đồng ruộng như bên mình, nào ngờ, 2ha đất này toàn là năn với lác, cỏ mọc rậm rạp vì đất đã bị bỏ hoang gần 3 năm trời. Việc giao đất như thế chẳng khác nào đánh đố chúng tôi” - anh Khanh cho hay.

Tiếp lời bạn, anh Hải cho biết thêm: “Chẳng những đất bị bỏ hoang, mặt ruộng thì gò, lung không được bằng phẳng, nhiều nơi bị lầy thụt..., nói chung là đất rất xấu”. Quá trình canh tác, đoàn cán bộ và nông dân Việt Nam gặp vô vàn khó khăn như ruộng không chủ động nước tưới, phụ thuộc vào hệ thống cấp nước từ hồ đập và nước trời. 

Công cụ làm đất chuyên dụng chưa phù hợp, nhất là công cụ san phẳng ruộng. Áp lực của các loài dịch hại trên lúa rất lớn như sâu đục thân, bệnh đạo ôn, và nhất là các loài chim ăn hạt ở các giai đoạn gieo sạ và giai đoạn ngậm sữa vào chắc, chín. Lao động phổ thông địa phương không chuyên làm nông, khó thuê...

Sau khi tiếp nhận 2ha ruộng đầy năn và lác, khâu đầu tiên phải làm là anh Khanh và anh Hải tiến hành phun thuốc khai hoang, tiếp đến thực hiện nhiều công đoạn làm đất. Quy trình canh tác lúa được chia làm 2 phần, 1ha được dùng để khảo nghiệm sản xuất 10 bộ giống lúa cao sản, ngắn ngày, chất lượng cao của Việt Nam và giống lúa Laila, với phương thức canh tác chia thành từng ô nhỏ, mật độ sạ hàng 80kg/ha. 1ha còn lại dùng để nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ sạ và mức phân bón đến năng suất giống lúa OM 7347.

Anh Hải bộc bạch: “Thời gian đầu, phía nước bạn cũng không mấy quan tâm, tin tưởng về kỹ thuật canh tác sản xuất lúa của nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi lúa ở vào giai đoạn trổ đòng, phát triển xanh tốt thì cán bộ nông nghiệp Brunei mới thật sự chăm chút theo dõi”. 

Được biết, để giúp cho cây lúa sinh trưởng tốt, không dịch bệnh trong suốt quá trình sinh trưởng cho đến thu hoạch, các anh Hải, Khanh và hai cán bộ của Viện Lúa ĐBSCL đã lập biểu đồ theo dõi tỉ mỉ, cụ thể từng giai đoạn sinh trưởng, sự phát triển số chồi/m2, sự gây hại của sâu bệnh, liều lượng phân bón… Kết quả là hầu hết các giống lúa của Việt Nam đều đạt năng suất từ 3,3 tấn/ha trở lên, vượt hơn năng suất giống lúa đối chứng địa phương Laila từ 27 - 90%.

Ngày 23.12.2013, hội thảo đầu bờ được tổ chức tại Trại nghiên cứu và phát triển lúa, có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Tài nguyên Brunei, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei và Bộ NNPTNT Việt Nam. Các nông dân và cán bộ nông nghiệp Brunei đánh giá rất cao về quy trình sản xuất lúa của đoàn Việt Nam. Qua đó, 2 giống lúa chọn thông qua đánh giá ngoài đồng và đánh giá chất lượng gạo gồm OM 6162 và OM 7347 được đề nghị đưa vào phát triển sản xuất tại Brunei. 
Theo Danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập217
  • Hôm nay27,403
  • Tháng hiện tại220,496
  • Tổng lượt truy cập92,598,160
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây