Mô hình đầu tiên làm theo hướng này của anh Phạm Việt Đức ở xóm 12, xã Thanh Hương.
Anh Phạm Việt Đức (xóm 12, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương) (trái) trao đổi kỹ thuật nuôi lợn sinh học. Ảnh: Nguyên Sơn |
Sau một thời gian đi làm ăn xa, với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy, anh Phạm Việt Đức quyết định trở về đầu tư tại mảnh vườn nhà ở xóm 12, xã Thanh Hương. Khu vườn nhà liền khoảnh rộng hơn 4 ha đủ để anh Đức xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trong đó chăn nuôi lợn, gà hàng hóa là mũi nhọn. Càng thuận lợi hơn khi đường Hồ Chí Minh thông tuyến qua địa bàn xã, cách trang trại gia đình anh chỉ khoảng 600 mét.
Với 2 hệ thống chuồng nuôi khép kín từ lợn nái lấy giống đến nuôi lợn thịt, anh Đức được dự án JICA hỗ trợ kỹ thuật ủ men sinh học thức ăn gia súc bằng sản phẩm nông nghiệp sẵn có trên địa bàn như: sắn, ngô, lúa, khoai… Vì vậy, chất lượng lợn xuất chuồng với thịt chắc, thơm được nhiều cơ sở thu mua. Đặc biệt, siêu thị Maximark ở TP. Vinh ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hàng ngày. Cũng vì thế mà trong giai đoạn lợn hơi xuống giá như mấy tháng qua, giá thịt lợn hơi từ trang trại anh Đức vẫn được thu mua với giá cao.
Theo quy trình chăn nuôi sạch, sau 2 tháng nuôi tăng tốc giai đoạn con giống bằng thức ăn công nghiệp, thì những tháng sau, thức ăn được phối trộn bằng cách ủ sắn, ngô, khoai cùng với lúa xay. Cách làm này vừa tạo sản phẩm sạch, vừa tiết kiệm được chi tiêu.
Theo anh Đức, giai đoạn sau của chăn nuôi lợn nếu sử dụng cám công nghiệp phải chi phí từ 9-10 triệu đồng/tấn thức ăn, còn sử dụng thức ăn phối trộn theo hướng dẫn của JICA chỉ chi phí từ 5 - 6 triệu đồng/tấn (từ ngô, sắn, lúa), tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng mỗi tấn thức ăn. Quan trọng hơn, nuôi bằng thức ăn phối trộn sinh học đem đến chất lượng thịt thơm ngon.
Phát triển chăn nuôi sạch theo hướng sinh học, mỗi năm trang trại của anh Đức thu mua hơn 116 tấn sắn; 400 tấn ngô lúa của bà con nông dân trên địa bàn huyện. Những sản phẩm này luôn có sẵn và giá cả rẻ góp phần giảm áp lực đầu vào cho trang trại.
Để đảm bảo cho vật nuôi phát triển sạch, an toàn, hệ thống chuồng trại của gia đình anh Đức được xây dựng biệt lập, mỗi lần đưa thức ăn hoặc người ngoài vào đều phải qua công đoạn khử trùng. Phía trong mỗi dãy chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống kiểm soát nhiệt độ và hệ thống quạt hút gió công nghiệp, kết hợp tấm làm mát cooling pad hay còn gọi là tấm trao đổi nhiệt, tạo thành máy làm mát cho cả dãy chuồng. Những ngày trời nắng, vận hành hệ thống này giúp giảm nhiệt từ 8 - 10°C. Đây là hệ thống làm mát tiết kiệm điện và giúp kiểm soát nhiệt độ trong chuồng nuôi từ 25 - 280C.
Hiện trang trại của gia đình anh Đức mở rộng với quy mô 150 con lợn nái và trên 700 con lợn thịt. Bên cạnh chăn nuôi lợn sinh học, trang trại của anh Đức còn đầu tư nuôi hàng nghìn con gà cỏ giống bản địa, tham gia vào chuỗi phát triển thương hiệu gà đồi Thanh Chương.
Anh Đức (thứ 2 bên phải) trao đổi về cách ủ thức ăn sinh học. Ảnh: Nguyên Sơn |
Từ chăn nuôi sạch và ký được nhiều đơn hàng cung cấp thịt, anh Đức quyết định đầu tư xây dựng lò mổ để tạo chuỗi liên hoàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện trang trại của anh Đức được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; được Chi cục chăn nuôi và Thú y Nghệ An cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm từ chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, kinh doanh các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Đây là trang trại đầu tiên ở Thanh Chương thực hiện theo mô hình này.
Anh Phạm Việt Đức chia sẻ: “Chăn nuôi sạch theo hướng sinh học là tất yếu được thế giới, khu vực và nước ta hướng tới. Với sự giúp đỡ từ dự án JICA và kinh nghiệm tích lũy được, gia đình tôi theo đuổi xây dựng trang trại hiệu quả lâu dài. Việc đầu tư hàng tỷ đồng vào trang trại, đó không phải là sự đánh cược mà là niềm tin và quyết tâm của gia đình tôi khi mở hướng làm ăn. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện khu lò mổ để khép kín dây chuyền chăn nuôi, giết mổ. Từ đó, bên cạnh các siêu thị, nhà hàng đã đặt mua, kỳ vọng sản phẩm của trang trại sẽ được các trường học, nhà máy có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh đặt hàng…”.
Phát triển nông nghiệp sạch là hướng đi bền vững được huyện Thanh Chương khuyến khích các hộ dân áp dụng. Thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN, huyện đang tích cực thu hút các doanh nghiệp, tư nhân vào hỗ trợ cùng với nông dân, từ việc cung cấp giống tốt, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, thu mua sản phẩm và chế biến, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa trong nông nghiệp.
Tác giả bài viết: Nguyên Nguyên
Nguồn tin: baonghean.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã