Người đầu tiên trồng giống tre Tứ Quý để lấy măng ở Bà Rịa-Vũng Tàu là ông Nguyễn Văn Minh, ngụ tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận. Năm 2012, một người thân của ông Minh đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về tặng ông 2 khóm tre Tứ Quý. Thấy vậy, ông Minh nảy ra ý định nhân giống loại tre này. Sau 1 năm, từ 2 gốc tre ban đầu, ông Minh đã nhân lên được 60 gốc.
Tuy nhiên, khi măng mọc lên vẫn chưa trắng, ngọt như mong muốn. Ông Minh đã dùng trấu, lá tre phủ lên các gốc măng vừa nhú khỏi mặt đất. Nhờ vậy, măng không bị côn trùng phá hoại, vỏ măng trắng hơn, ăn giòn và ngọt hơn. Đây là cách làm giàu từ nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Minh kiểm tra búp măng Tứ Quý chuẩn bị được thu hoạch.
Ông Minh cho biết: “Điểm đặc biệt của loại tre Tứ Quý là cho măng quanh năm. Do chất lượng cao hơn nên vào mùa mưa, măng Tứ Quý có giá 20-25 ngàn đồng/kg, cao hơn 3-5 ngàn đồng/kg so với một số loại măng mà người dân địa phương đang trồng như măng Tầm Vông, măng Mơn. Còn mùa khô, các loại măng thông thường ít nên măng Tứ Quý có giá khá cao, từ 40-45 ngàn đồng/kg. Với 3 sào trồng tre Tứ Quý cho 3 tấn măng/năm, cộng với tiền bán giống, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 120 triệu đồng/năm”.
Sau khi trồng thành công loại măng Tứ Quý, ông Minh đã bán giống, hướng dẫn cách trồng cho nhiều hộ khác trong xã. Trước đây, ông Mai Văn Dũng, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận thuộc diện hộ nghèo. Ông Dũng có 7 sào đất nhưng phải bỏ hoang do thiếu nước sản xuất. Ông Dũng phải đi làm phụ hồ để kiếm sống. 3 năm trở lại đây, ông Dũng mua giống tre Tứ Quý về trồng để lấy măng.
Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước, ông Dũng đã mạnh dạn trồng 500 gốc tre Tứ Quý trên 7 sào đất bỏ hoang. Mùa khô vừa qua, vườn tre của ông cho thu hoạch 5 tấn măng, bán được hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Dũng còn thu được 50 triệu đồng từ việc bán tre giống. Nhờ thu nhập từ cây tre Tứ Quý, gia đình ông Dũng đã thoát nghèo, kinh tế dần khấm khá hơn. Ông Dũng bảo, trồng tre Tứ Quý lấy măng là cách làm giàu ở nông thôn.
Theo ông Trần Minh Bình, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, hiện đang trồng 300 gốc tre Tứ Quý, thị trường tiêu thụ của loại măng Tứ Quý chủ yếu ở huyện Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa. Do chất lượng cao và không bị phun thuốc bảo vệ thực vật nên măng Tứ Quý ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến kỳ thu hoạch, thương lái tới tận nơi thu mua nên người trồng “rất khỏe”. Hiện nay, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Bình thu nhập gần 120 triệu đồng từ trồng măng Tứ Quý.
Bà Nguyễn Thị Kim Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận cho biết, trước đây, trên địa bàn xã có nhiều diện tích đất cát khô cằn, mùa khô thiếu nước tưới nên nông dân bỏ hoang. Mô hình trồng tre Tứ Quý lấy măng xuất hiện khoảng 5 năm trở lại đây đã đem lại hiệu quả cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 hộ trồng tre Tứ Quý lấy măng với diện tích hơn 5ha. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ vận động các hộ trồng tre Tứ Quý hình thành tổ hợp tác để trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, từ đó nâng cao chất lượng măng, ổn định đầu ra của sản phẩm. Đồng thời, nhân rộng mô hình trồng tre Tứ Quý lấy măng tại các vùng đất bạc màu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã