Quy hoạch vùng sản xuất
Việc chuyển đổi cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác nhằm đem lại nguồn lợi cao nhất cho người nông dân đang trở thành yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp hiện nay chứ không chỉ đơn thuần cho các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói riêng. Song để có được một đề án quy hoạch hoàn chỉnh, rõ ràng vẫn còn là bài toán khó, nhất là việc xác định giống cây trồng chủ lực tại mỗi địa phương, từ đó lựa chọn các giống cây trồng xen canh mang lại hiệu quả cao nhất.
Tại Hội nghị sơ kết và triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2017 - 2018 cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đối với khu vực duyên hải miền trung và Tây Nguyên có ý nghĩa rất lớn, giúp đa dạng hóa sản phẩm, đem lại hiệu quả cao hơn cây lúa, tiết kiệm nước tưới trong bối cảnh hạn hán ngày càng gia tăng, giúp luân canh cải tạo đất, giảm sâu bệnh... Cụ thể, Cục Trồng trọt chỉ đạo các tỉnh tập trung vào các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày, có năng suất, chất lượng khá, cứng cây chống đổ ngã xen canh với các giống cây trồng khác như: Lạc Ðồng Xuân xen sắn trên đất lúa ở huyện Quế Sơn, huyện Hiệp Ðức (tỉnh Quảng Nam). Tại các vùng nguy cơ thiếu nước hoặc ngập úng, dùng giống thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày, vùng đủ nước tưới sạ giống từ 90 đến 95 ngày, đồng thời khuyến cáo người dân dùng giống xác nhận và nằm trong cơ cấu giống của tỉnh. Bên cạnh đó là khuyến cáo người dân chủ động xây dựng nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha thay vì 150 kg/ha như trước đây.
Ðối với các loại cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, so sánh với vụ trước phần lớn các loại cây có tăng về diện tích, năng suất và sản lượng. Ðối với cây công nghiệp, diện tích cà-phê trong khu vực này là 600.879 ha, trong đó Tây Nguyên 597.363 ha, tăng 10.311 ha so với năm 2016, năng suất bình quân đạt 25,9 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha. Qua ba tháng đầu năm, các tỉnh trong khu vực đã xuất khẩu 520 nghìn tấn cà-phê, giá trị hơn một triệu USD. Diện tích cây hồ tiêu chiếm 61,2% cả nước, đạt khoảng 96.725 ha, năng suất 28,7 tạ/ha. Cục Trồng trọt khuyến cáo các tỉnh cần chỉ đạo nông dân không mở rộng diện tích trồng mới cây hồ tiêu, hướng dẫn người dân phòng ngừa tốt bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu.
Bên cạnh cây công nghiệp, các tỉnh trong khu vực cũng đã đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả, ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như thanh long, nho, táo, xoài. Ở Tây Nguyên, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như bơ, sầu riêng... đang được nông dân tiếp tục mở rộng diện tích. Tuy nhiên, các tỉnh cần đánh giá và quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hướng tới sự an toàn cho người dân
Trong vụ đông xuân 2017 - 2018, gói kỹ thuật "1 phải 5 giảm" đã được triển khai đồng bộ tại các tỉnh, nhằm bảo đảm sự an toàn cho người sản xuất. Căn cứ vào diễn biến thời tiết và những tác động tiêu cực của BÐKH, kế hoạch sản xuất vụ hè thu đã thay đổi. Cụ thể đối với lúa diện tích từ 224.989 ha, đã giảm 10.825 ha, lúa mùa 223.626 ha, giảm còn 16.879 ha. Ðể vụ mùa đạt thắng lợi, Cục Trồng trọt yêu cầu các tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp trong phát triển sản xuất. Nhất là yếu tố mùa vụ và tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Trong đó, vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước cuối vụ thì chuyển đổi đất lúa ba vụ sang hai vụ, chuyển đổi mạnh những vùng có nguy cơ thiếu nước sang cây trồng cạn ngắn ngày. Ðối với cây màu và cây công nghiệp, các địa phương cần định hướng nhu cầu tiêu thụ theo thị trường, chọn giống phù hợp để tăng năng suất, chất lượng, tiếp tục chỉ đạo liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn... Ngoài ra, cần sớm ban hành nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; quản lý chặt giống cây trồng từ Trung ương đến địa phương; tăng cường quản lý giống, vật tư nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm; tham mưu chuyển đổi cây trồng cạn khác trên đất sản xuất lúa... Ðơn cử, tại tỉnh Ðác Lắc, địa phương có vùng nguyên liệu mía đường lớn thứ hai ở Tây Nguyên với diện tích hơn 20 nghìn ha. Trong kế hoạch phát triển ngành mía đường, tỉnh vẫn sẽ giữ nguyên diện tích để người trồng mía và các doanh nghiệp sản xuất đường cùng tồn tại và phát triển trong xu thế hội nhập. Tỉnh khuyến khích nông dân trồng mía thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau sản xuất và thương thảo cùng nhà máy khi vào vụ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trồng mía tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất.
Theo dự báo của Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng còn lại của năm 2018 còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến công tác sản xuất cây trồng ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Do đó, để bảo đảm tăng năng suất cây trồng, Bộ NN và PTNT cho rằng, các địa phương cần có phương án sản xuất phù hợp, trong sản xuất lúa cần đẩy mạnh chuyển đổi sang cây trồng ngắn hạn ở những vùng có nguy cơ thiếu nước để tăng hiệu quả sản xuất; tăng cường đưa các giống có năng suất, chất lượng vào sản xuất; đẩy mạnh công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật. Ðối với cây hồ tiêu, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của bộ, không mở rộng thêm diện tích, đồng thời tăng cường công tác phòng bệnh trên cây tiêu; đẩy mạnh công tác tái canh cà-phê, đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; các đơn vị thuộc bộ cần tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát, phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong việc thích ứng BÐKH và bố trí kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả.
Theo Sơn Hà/Báo Nhân Dân.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;