Hệ thống chuồng trại nuôi giun quế của chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn 7, xã Tường Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Huyền Trang. |
Mặc dù là giáo viên dạy tiểu học, nhưng với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp chị Nguyễn Thị Thủy đã dày công tìm hiểu sách báo, tài liệu đồng thời đi tham quan các mô hình ở huyện Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh về quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nuôi giun quế. Sau khi đã tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm chị Thủy bàn với gia đình thuê trên 1 ha diện tích đất vùng bãi sông Lam tại thôn 7, xã Tường Sơn để thực hiện mô hình.
Chị Thủy cho hay: ban đầu gia đình nuôi trên diện tích 240 m2, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên giun phát triển mạnh, từ nguồn giống ban đầu chị nhân đôi, rồi nhân ba… hiện nay diện tích nuôi giun quế của gia đình đã lên đến 0,5 ha.
Giun quế là loại dễ nuôi, sinh sản mạnh. Ảnh: Huyền Trang |
Chị Nguyễn Thị Thủy chia sẻ kinh nghiệm: Nuôi giun quế rất dễ bởi đây là loại động vật dễ thích ứng với môi trường và có tốc độ sinh sản nhanh. Nguồn nguyên liệu nuôi giun được tận dụng từ phân gia súc và phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô… Để giun phát triển tốt, người nuôi cũng cần phải xây dựng các ô thửa, giun quế ưa bóng tối nên trong quá trình nuôi phải phủ bạt để đảm bảo độ ẩm, tránh ánh nắng mặt trời và cũng là để ngăn các loại như cóc, nhái, ếch, chuột và côn trùng nhập vườn nuôi.
Trong quá trình nuôi cần 20kg giống/1m2, cứ 2 - 3 ngày cho giun ăn 1 lần với cách cho ăn trực tiếp và tưới nước đều để đảm bảo giun có điều kiện phát triển tốt. Áp dụng phương pháp này, sau 1 tháng là đã có phân vi sinh thu hoạch. Ngoài sản xuất ra nguồn phân hữu cơ vi sinh, chị Thủy còn đầu tư hệ thống máy móc để sản xuất dịch giun để cung cấp nguồn thức ăn cho các trang trại nuôi tôm.
Hiện nay với diện tích 0,5 ha, mỗi ngày trang trại nuôi giun chị Nguyễn Thị Thủy có thể cung cấp ra thị trường 2 tấn phân vi sinh và 500 lít dịch giun.
Phân giun quế giàu dinh dưỡng giúp sản xuất ra các sản phẩm cây trồng sạch. Ảnh: Huyền Trang |
Cũng theo chị Thủy trong các loại phân hữu cơ thì phân giun quế được nông dân ưa chuộng nhất, bởi giàu dinh dưỡng, kích thích sự tăng trưởng của cây trồng. Đặc biệt, không giống như phân chuồng, phân giun quế được hấp thu ngay một cách dễ dàng và tăng khả năng giữ nước trong đất, ngăn ngừa các bệnh về rễ.
Phân giun quế bổ sung các chủng vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân, phân giải cellulose và chủng vi sinh vật kháng bệnh. Chính vì vậy, phân giun quế có tác dụng cải tạo đất, giảm sử dụng phân hóa học, kích thích hạt nảy mầm nhanh, đều và phù hợp với mọi loại cây trồng, đặc biệt là tạo ra được sản phẩm sạch trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện mô hình nuôi giun quế lấy phân vi sinh của gia đình chị Thủy được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm, bởi nuôi giun quế vốn đầu tư không lớn, cho thu nhập khá song người nông dân cần kết hợp với nuôi gia súc, gia cầm để tận dụng triệt để nguồn thức ăn, chất thải, tăng hiệu quả kinh tế.
Huyền Trang/ Báo Nghệ An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã