Đến thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông hỏi thăm vườn cam của gia đình anh Phan Duy Lam thì không ai là không biết bởi đây là một trong số ít vườn cam và quýt đường trái vụ cho thu nhập cao và ổn định.
Được biết gia đình anh Lam từ Đồng Nai lên lập nghiệp tại thôn Phú Xuân cách đây gần 15 năm. Lúc đầu gia đình anh mua được 12 ha đất đồi và trồng toàn bộ là cà phê. Sau 15 năm kinh doanh, anh nhận thấy cây cà phê không phù hợp với vùng đất đồi nhà mình, cây phát triển kém, năng suất thấp, nhiều sâu bệnh hại, thu không đủ chi. Năm 2008, trong một chuyến đi thăm mô hình ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, anh Lam thấy nhiều vườn cam, quýt nơi đây cho thu nhập cao nên anh quyết định thử nghiệm trồng thử.
Anh nhổ bỏ vườn cà phê rộng 2 ha và trồng 500 cây quýt đường ghép giống nhập từ Bến Tre. Sau 3 năm chăm sóc cây quýt đã bắt đầu cho thu bói. Bước qua năm thứ 4, vườn cây bắt đầu cho năng suất ổn định, bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Với giá bán trung bình hơn 10.000 đồng/kg thời điểm đó, gia đình anh Lam thu về gần 1 tỷ đồng/năm từ 2 ha quýt. Nhận thấy trồng quýt cho thu nhập cao hơn cây cà phê, anh tiếp tục cải tạo thêm 2 ha cà phê già cỗi để trồng quýt và cam sành.
Sau một thời gian trồng anh Lam nhận thấy cây quýt đường và cam sành có khả năng cho quả quanh năm và cho thu nhiều nhất vào thời điểm tháng 11-12 âm lịch. Nếu thu hoạch đồng loạt như vậy thì việc tìm thị trường tiêu thụ cho hàng chục tấn quýt không phải là dễ nên nhiều thời điểm quýt của gia đình anh đã bị thương lái ép giá. Trăn trở tìm hiểu sách báo, ti vi và kinh nghiệm từ các nhà vườn, anh đã chọn giải pháp xử lý cho cam, quýt ra trái trái vụ.
Anh Lam chia sẻ muốn cho cam, quýt ra hoa trái vụ không khó, chỉ cần hiểu rõ sinh lý cây trồng là được. Quy trình xử lý cam, quýt ra hoa trái vụ của anh Lam gồm 3 bước chính như sau:
Bước 1: Trước khi muốn cây ra hoa hoa khoảng 4-5 tuần, tiến hành bón mỗi gốc 300g phân DAT + 50g phân kcl. Đồng thời phun 2 lần phân bón lá, mỗi lần cách nhau 4-5 ngày giúp cây tạo mầm tốt (phải bón sớm trước khi cây ra mầm, nếu để cây ra mầm mới bón, cây sẽ ra nhiều lá ít hoa hơn).
Bước 2: Tạo khô hạn bằng cách ngưng tưới nước hoặc dùng màng che phủ một thời gian (khoảng 2 - 4 tuần) cho đến khi thấy cây có hiện tượng héo rủ vào buổi chiều và không tươi lại vào sáng hôm sau thì tưới nước trở lại. Tưới đẫm mỗi ngày một lần, trong 3 ngày đầu tiên, sau đó tưới dãn dần ra.
Bước 3: Sau khi tưới nước 2-3 ngày, cây bắt đầu hồi phục, lá tươi trở lại tiến hành phun thuốc kích thích ra hoa (loại dành cho cam quýt). Phun ướt đều 2 mặt lá, phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 5 ngày, phun vào sáng sớm hoặc chiều mát. Sau khi tưới lại khoảng 7-10 ngày, cây sẽ ra đọt non và hoa. Lúc này tưới nước 2-4 ngày một lần tùy theo tình hình thời tiết.
Khi cây ra quả non cần phun thêm phân bón lá bổ sung dinh dưỡng hạn chế rụng quả. Ngoài ra, để cho quả sáng đẹp và không bị da lu, da cám nên phòng tránh nhện đỏ, nhện vàng bằng các loại thuốc an toàn được khuyến cáo. Để tăng giá trị kinh tế, thường xuyên bỏ quả sẹo, ghẻ và để lại số quả vừa phải tương xứng với số lá.
Anh Lam cho biết thêm: “Khi xử lý ra hoa trái vụ, năng suất vườn cây vẫn bảo đảm, chất lượng quả vẫn cao, quá trình thu hái cũng thuận lợi hơn. Trong khi đó người trồng có khả năng chủ động trong phòng trừ sâu bệnh, cây không bị ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng. Thông thường gia đình tôi hay xử lý cho ra quả vào giai đoạn tháng 4-6, vào thời điểm này khí hậu bắt đầu nắng nóng nên nhu cầu về trái cây, đặc biệt là cam quýt cao nên giá bán cao hơn”.
Theo tính toán của anh Lam, vụ thu hoạch trái vụ năm 2017, thương lái tìm đến tận vườn cây của gia đình mua với giá trung bình trên 40.000 đồng/kg cam và 15 – 20.000 đồng/kg quýt đường. Với năng suất trung bình gần 40 tấn/ha, vườn cam sành và quýt đường mang lại nguồn thu hơn 4 tỷ đồng. Trong khi đó nếu thu chính vụ giá cam quýt chỉ nằm ở mức trung bình 20 nghìn đồng/kg, thu nhuận chỉ bằng một nửa thu trái vụ. Ngoài thương lái trong tỉnh đến đặt hàng thì cam, quýt của gia đình anh Lam còn được đưa đi tiêu thụ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn... nên hiện tại sản lượng vẫn chưa đủ cho nhu cầu thị trường.
Nhận thấy mô hình trồng cam sành và quýt đường trái vụ cho thu nhập cao hơn hẳn các cây trồng khác, năm 2017, gia đình anh Lam đã nhổ bỏ thêm 3 ha cà phê già cỗi để trồng cam sành và đầu tư hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ tiên tiến. Theo anh Lam, cây cam sành và quýt đường trái vụ có hiệu quả gấp nhiều lần cây cà phê nhưng nguồn vốn đầu tư lớn nên gia đình anh sẽ trồng theo kiểu gối đầu. Anh dự kiến trong những năm tới sẽ nhổ bỏ toàn bộ diện tích cà phê còn lại và tập trung đầu tư mở rộng diện tích trồng trái cây (chủ yếu là cam sành, quýt đường và sầu riêng) trên toàn bộ 12 ha đất của gia đình.
Ngoài việc mang lại thu nhập cao cho gia đình, vườn cam, quýt của gia đình anh Lam còn tạo công ăn, việc làm thường xuyên và ổn định cho khoảng 20 lao động với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Đồng thời anh Lam cũng rất nhiệt tình hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm trồng cây có múi với nông dân trong vùng. Bà con có nhu cầu học tập kỹ thuật xin vui lòng liên hệ anh Phan Duy Lam, thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông để được tư vấn cụ thể.
Theo Lê Thị Thơm/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã