Có lẽ ai cũng phải bất ngờ khi biết, tỷ phú Hoàng Văn Châu - chủ nhân của trang trại nuôi lợn gia công tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lại chỉ mới bắt đầu công việc chăn nuôi lợn khoảng chục năm nay. Còn trước đó, ông cũng giống như bao người con đất mỏ Quảng Ninh khác, cuộc đời gắn liền với “vàng đen”.
Trò chuyện với phóng viên, ông Châu kể: “Từ công nhân bình thường cho đến vị trí quản đốc công trường, nửa cuộc đời tôi đều gắn với nghề than. Sau khi về hưu, sẵn yêu thích trồng trọt, chăn nuôi nên tôi mua lại đất nông nghiệp của người dân khu vực này, trồng rừng và nuôi một số gà, vịt. Về sau, lại thấy diện tích đất rộng, gần như biệt lập với khu dân cư, nên tôi xin liên doanh với 1 doanh nghiệp và bắt đầu nuôi lợn gia công theo mô hình chuồng trại khép kín.”
Việc chăn nuôi trong trang trại yêu cầu vệ sinh phòng dịch đặc biệt nghiêm ngặt
Bắt đầu chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất chăn nuôi công nghiệp từ năm 2006, mất hai năm để ông Châu san gạt mặt bằng, xây dựng chuồng trại, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất và bắt đầu thả lợn. Trên diện tích 150ha, ông Châu sử dụng 20.000m2 để xây dựng chuồng trại cho lợn, trong đó riêng lợn thịt là 7000m2 với 4 dãy chuồng kép (mỗi dãy 60m, rộng 30m). Hiện, trang trại của ông đang duy trì khoảng 5000 con lợn thịt/ lứa, mỗi năm khoảng 2,5 lứa và sản lượng 1.200 tấn lợn thịt/năm. Ngoài ra, trang trại lợn của ông cũng cho xuất khoảng 30.000 lợn giống/năm.
Chuồng nuôi lợn nái đẻ và nuôi con được phân riêng 2 ô, để tránh lợn mẹ đè lên lợn con khi nằm.
Ông Châu chia sẻ: “Tuy số vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng đổi lại vấn đề đầu ra của sản phẩm, dịch bệnh, tôi đều không phải lo lắng. Thậm chí, khi lợn hơi rớt giá xuống mức thấp kỷ lục, trang trại lợn của tôi cũng không bị ảnh hưởng. Hiện nay, dù đang có dịch tả lợn Châu Phi nhưng lúc nào tôi cũng rất an tâm do kỹ thuật nuôi, vệ sinh chuồng trại, theo dõi chăm sóc trực tiếp trên đàn lợn, công tác tiêm phòng dịch bệnh đều được đội ngũ kỹ sự, bác sĩ thú y giám sát, hướng dẫn thực hiện nghiêm ngặt.”
Tuy không thể vào khu vực chăn nuôi do yêu cầu vệ sinh phòng dịch đặc biệt nghiêm ngặt, nhưng nghe lời kể của ông Châu, phóng viên vẫn không khỏi bất ngờ trước quy trình chăn nuôi lợn khắt khe của trang trại. Được biết, kỹ sư và công nhân phải khử trùng, đi qua vòi phun hóa chất, qua phòng tắm sạch, thay quần áo bảo hộ, sau đó mới được vào khu vực chăn nuôi.
Đưa phóng viên đi thăm xung quanh trang trại, ông Châu cho biết: Liên doanh với CP, ông phải chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh, cung cấp sản phẩm cho công ty. Bởi vậy, trang trại được ông xây dựng hoàn toàn theo yêu cầu của công ty, có hệ thống làm mát, nhiệt độ trong chuồng được điều chỉnh phù hợp theo tháng tuổi của lợn. Trong trang trại phải có máy biến thế, máy phát điện bảo đảm nguồn cung cấp điện ổn định. Ngoài ra, trang trại còn có khu nhà điều hành, kho chứa thức ăn, nhà sát trùng, bể nước, khu lưu trú, nơi ăn nghỉ của kỹ sư và công nhân.
Chuồng trại có hệ thống làm mát, thông gió.
Dù quy mô trang trại khoảng 5000 con lợn thịt, nhưng dạo một vòng xung quanh trang trại, phóng viên cảm thấy gần như không có mùi xú uế. “Do nuôi lợn theo mô hình chuồng trại khép kín, lại có hệ thống xử lý chất thải được thiết kế bảo đảm xử lý tuyệt đối phân, nước thải nên đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến khu vực dân cư. Ngoài ra, bã phân sau khi tách được xử lý bằng vi sinh, sau đó có thể sử dùng để trồng rau sạch,” ông Châu giải thích.
Hệ thống xử lý chất thải được thiết kế bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo ông Châu, với quy mô và sản lượng của trang trại, tổng doanh thu của ông khoảng 5 - 6 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ hết các chi phí, khấu hao tài sản,... tổng thu nhập của ông khoảng trên 2 tỷ đồng/năm.
"Ngoài 20.000m2 chuồng trại chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín, tôi còn nuôi gà, vịt, thả cá để thay đổi bữa ăn cho đội ngũ công nhân, kỹ sư tại trang trại. Mặt khác, tôi cũng đang cải tạo khu vực xung quanh, bơm bùn, trồng cỏ công nghiệp để chuẩn bị nuôi thêm bò," ông Châu cho biết thêm.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;