Học tập đạo đức HCM

Để Nông nghiệp hữu cơ không theo kiểu phong trào

Thứ sáu - 19/10/2018 09:28
Những năm gần đây, nông nghiệp hữu (NNHC) trở thành vấn đề thời sự trong sản xuất nông nghiệp. Người người, nhà nhà làm NNHC. Tuy nhiên, làm nông nghiệp sạch thì dễ nhưng để làm được NNHC lại không đơn giản.
01.JPG
Hiện, Việt Nam có 33/63 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất NNHC với diện tích 76.666ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN.
Chỉ chiếm 0,28% diện tích

Theo Hiệp hội NNHC Việt Nam, diện tích NNHC nước ta tăng nhanh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hiện, 33/63 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất NNHC với diện tích 76.666ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010, đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN. Tuy nhiên, xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp là 26,8 triệu hecta, diện tích thực hiện NNHC còn khá khiêm tốn (chiếm khoảng 0,28%).

Sản xuất NNHC ở Việt Nam chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực trồng trọt với sản phẩm được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu, tập trung vào sản phẩm như chè, gia vị và tinh dầu.

TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam, cho biết, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm NNHC trong nước chủ yếu là chè và rau quả ở các thành phố lớn, gắn với thực trạng mối lo về vấn đề an toàn thực phẩm. Một số cửa hàng, siêu thị bày bán các sản phẩm rau quả hữu cơ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với giá tương đối cao so với sản phẩm cùng loại, tuy nhiên người tiêu dùng còn chưa thật sự tin cậy vì thiếu thông tin xác thực và chưa được chứng nhận của bên thứ ba.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ. Mặc dù vậy, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn rất mới, các hoạt động áp dụng và chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ, công bố, gắn nhãn sản phẩm hữu cơ... gần như chưa được điều chỉnh bởi các văn bản pháp quy do các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nhà nước ban hành.

Các hoạt động sản xuất, chế biến theo phương pháp hữu cơ còn khá manh mún, tự phát, thiếu định hướng, thiếu kiểm soát. Điều này dẫn tới việc người tiêu dùng và nhà sản xuất, chế biến, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh đang phải dựa hoàn toàn vào sự tin cậy đến từ các sản phẩm nhập khẩu được chứng nhận bởi các tổ chức nước ngoài với chi phí rất đắt đỏ, dẫn tới “đội” giá thành sản phẩm và gây khó khăn cho đại đa số người tiêu dùng phổ thông có thể tiếp cận được lợi ích từ các sản phẩm này.

Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về NNHC

Nghị định số 109/2018/NĐ-CP quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.

Theo ThS. Vũ Hoàng Minh, chuyên gia đánh giá thị trường - Trung tâm chứng nhận phù hợp Quacert, thời gian qua, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn rất mới và có nhiều rào cản dẫn tới việc thực phẩm được chứng nhận hữu cơ đang là mặt hàng xa xỉ chỉ dành cho những đối tượng khách hàng có thu nhập cao.Việc thiếu các chuẩn mực, hướng dẫn áp dụng cũng như các quy trình chứng nhận thực phẩm hữu cơ một cách minh bạch cũng tạo kẽ hở cho việc gian lận trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hữu cơ gây nhiễu động thị trường, xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Lê Nam Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, việc công bố các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về NNHC có hệ thống, đưa ra các mô hình chứng nhận, thừa nhận lẫn nhau trong lĩnh vực chứng nhận sự phù hợp đối với các sản phẩm hữu cơ ở trong và ngoài nước, từ đó xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng và quy trình chứng nhận sản phẩm NNHC phù hợp với TCVN về NNHC là cần thiết.

“Điều này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp, hộ nông dân, người tiêu dùng và các tổ chức chứng nhận sự phù hợp ở trong nước để có cơ sở triển khai áp dụng một cách nhất quán, minh bạch và công khai, qua đó gia tăng sự tin cậy lẫn nhau thông qua cơ chế tuân thủ việc áp dụng yêu cầu tiêu chuẩn và được chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận độc lập”, ông Hải cho hay.

Cần sức bền

Năm 2016, ông Vũ Nam Thái, người sáng lập mô hình góp vốn sản xuất rau, thịt hữu cơ (trang trại 7A) thường xuyên xuất hiện tại các cuộc hội thảo về khởi nghiệp để giới thiệu về dự án. Các hoạt động của trang trại như xới đất, xuống giống, hình ảnh vườn rau thường xuyên được cập nhật trên mạng xã hội nhưng sau đó thưa dần. Cách đây không lâu, ông Thái thừa nhận dự án đã thất bại. 

“Tôi khuyên chân thành người khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là chỉ nên đầu tư trên đất của mình, không làm trên đất thuê, rất rủi ro. Dự án của tôi chuyển vị trí thuê 2 lần, đầu tư rất nhiều nhưng mất trắng khi chủ đất đổi ý”, ông Thái bộc bạch.

Cũng theo ông Thái, nhu cầu thực phẩm hữu cơ là có thật nhưng thị trường khá nhỏ, tăng trưởng chậm hơn so với số người tham gia. Hiện, có nhiều vườn nhỏ đang bắt đầu làm hữu cơ, chưa lấy được chứng nhận và họ đang phải cạnh tranh gay gắt để bán vào các cửa hàng thực phẩm chọn lọc. 

Giá dòng hàng thực phẩm hữu cơ “tự xưng” không còn cao như những năm trước mà chỉ 20.000-25.000 đồng/kg (rau ăn củ, ăn lá) nên không có lãi. Ông Thái cho rằng, trước mắt có khó khăn nhưng về dài hạn, lĩnh vực này vẫn tốt. Do đó, sau khi mua được 2ha đất, ông sẽ tái khởi động canh tác hữu cơ để ít nhất cho gia đình và người thân sử dụng, đợi thời cơ chín muồi.

Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Organica Phạm Phương Thảo (sở hữu chuỗi cửa hàng Organica) cho rằng, khởi nghiệp NNHC nay đã dễ hơn so với những người tiên phong lĩnh vực này vài năm trước. Họ có thể nhìn vào người đi trước để rút kinh nghiệm. Hệ sinh thái khởi nghiệp NNHC  đang dần hình thành từ vật tư đầu vào đến tư vấn hỗ trợ, nhiều tổ chức đánh giá chứng nhận hữu cơ quốc tế đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy vậy, những khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều, đòi hỏi người tham gia phải chuẩn bị thật kỹ để hạn chế rủi ro.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit, tham gia thị trường hữu cơ tức đã xác định đây là thị trường ngách, không thể phát triển bùng nổ như hàng công nghiệp mà cần sự kiên trì, bền bỉ. Thị trường Việt Nam có hơn 90 triệu dân nhưng 70% là chưa có khả năng tiếp cận thực phẩm hữu cơ, 29% còn đang tìm hiểu và chỉ 1% sẵn sàng mua thực phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen mua hàng bằng mắt và tai mà chưa có thói quen mua hàng bằng trí tuệ. Do đó, doanh nghiệp cần làm truyền thông lâu dài để người tiêu dùng chấp nhận mua giá trị thật của sản phẩm hữu cơ chứ không nhìn vào cái vỏ hình thức bên ngoài.

Cũng theo ông Viên, đối với các mặt hàng hữu cơ tươi sống, giá bán lẻ luôn phải cao hơn giá tại vườn 2-4 lần. Người sản xuất phải tính lùi như vậy để xem hàng mình làm ra có khả năng cạnh tranh hay không. Giá bán lẻ cao không phải họ lời nhiều mà để trang trải các dịch vụ, chi phí logistics. Hàng tươi là “sáng rau chiều rác”, nếu bán giá thấp sẽ không thể cung cấp sản phẩm chất lượng.

Bà Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, nhìn chung nguồn cung nông sản hữu cơ còn thiếu nhưng không có nghĩa là hàng tốt sẽ bán được. Người tiêu dùng cần thực phẩm đa dạng, luôn cần sản phẩm mới. Vì vậy, trước khi quyết định trồng mặt hàng nào, nhà vườn nên tìm hiểu kỹ thị trường để đầu ra thuận lợi.

Không làm theo phong trào

Phát biểu tại một Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ quan điểm, bên cạnh ưu điểm và ý nghĩa nổi trội của NNHC thì nông nghiệp phi hữu cơ, với năng suất cao trong nhiều năm tới vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, không thể xem nhẹ.

NNHC sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai. Và như thế, NNHC không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học. 

Phát triển NNHC phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn. 

Về phát triển NNHC cũng như nông nghiệp Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh cần theo các loại quy mô, mô hình khác nhau, như VAC, hợp tác xã, tập đoàn, doanh nghiệp, làm sao hình thành hệ sinh thái đa dạng phát triển NNHC.

Thủ tướng nhấn mạnh: Làm NNHC theo phong trào sẽ dễ sụp đổ. Phải hình thành hệ sinh thái phát triển NNHC, một văn hóa NNHC ở nông thôn và nông dân. Văn hóa đó không thể kiểu “lợn hai chuồng, rau hai luống”, mà là đạo đức của người nông dân.

Còn theo GS. Nguyễn Ngọc Kính, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Chất lượng sản phẩm (Bộ Nông nghiệp và PTNT), NNHC là một trong những phương thức canh tác để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Ưu điểm vượt trội của phương thức canh tác này là thân thiện với môi trường. Song sản xuất NNHC có những điều kiện nghiêm ngặt. Mặt khác, sản phẩm của NNHC có giá thành và giá bán rất cao so với sản phẩm sạch và an toàn do  phương thức sản xuất khác nhau đang triển khai.

GS. Nguyễn Ngọc Kính ủng hộ chủ trương làm NNHC nhưng ông kiến nghị: Chỉ làm NNHC theo đơn đặt hàng của nước ngoài hoặc của các siêu thị/doanh nghiệp trong nước để tránh sản xuất theo phong trào, đến khi sản phẩm hữu cơ làm ra không có nơi tiêu thụ thì sẽ gây thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp. Riêng đối với loại cây dược liệu, dù bất cứ giá nào cũng phải sử dụng phương thức canh tác NNHC.

Cơ chế quản lý ở Việt Nam hiện nay, khó nhất là làm sao chứng minh được với người tiêu dùng đâu là sản phẩm NNHC? Để tránh sự hiểu nhầm giữa 2 phương thức sản xuất NNHC và sản xuất nông nghiệp sạch an toàn, đồng thời muốn thực sự làm NNHC, doanh nghiệp và người tham gia sản xuất NNHC phải có hiểu biết về NNHC. Vùng sản xuất NNHC phải được quy hoạch, phải công khai làm NNHC theo quy chuẩn nào và phải có cơ quan giám sát có uy tín và cấp giấy chứng nhận sản phẩm.

Theo Vân Nhi/Báo KTNT.vn


 
 Tags: nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập461
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại869,201
  • Tổng lượt truy cập92,042,930
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây