Học tập đạo đức HCM

Gỡ khó cho cây khoai tây trên đất lúa

Thứ năm - 22/01/2015 21:48
Thái Bình là tỉnh có truyền thống sản xuất khoai tây vụ đông với diện tích luôn cao nhất cả nước, ổn định ở mức trên 3.000ha/năm. Khoai tây cũng được xác định là một trong 3 cây chủ lực trong vụ đông của Thái Bình, bên cạnh ngô, đậu tương. Mấy năm gần đây, nhờ áp dụng công nghệ cao vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh, Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư (TTKNKNKN) Thái Bình đã giúp nông dân cải thiện năng suất, chất lượng khoai tây, từ đó nâng cao thu nhập.

Một vụ khoai tây ăn đứt 2 vụ lúa

Vụ đông 2013, 2014, mặc dù nhà chỉ có 2 lao động chính nhưng gia đình ông Bùi Quang Thường ở xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng) mạnh dạn thuê thêm đất để trồng 8 sào ngô nếp và 1,2 mẫu khoai tây giống Solara. Ông cho biết, dù lao động ít nhưng do thực hiện quy trình khép kín, lại có máy móc hỗ trợ, huyện hỗ trợ cây giống, hợp tác xã giúp điều tiết nước kịp thời nên ông không phải vất vả như những vụ trước mà năng suất, chất lượng khoai tây vẫn đảm bảo.

 

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia TS.Phan Huy Thông tham quan mô hình trồng giống khoai tây sạch bệnh ở xã Trọng Quan (Đông Hưng - Thái Bình).

 

Thực tế, khi được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trọng Quan chọn tham gia mô hình sản xuất khoai tây giống từ củ siêu bi và nguyên chủng do Trung tâm KNKNKN Thái Bình chuyển giao, ông Thường rất băn khoăn vì thấy củ giống quá nhỏ, không biết năng suất có đảm bảo như các giống vẫn trồng. Sau khi được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, vụ đông năm 2013, ông mạnh dạn trồng 2 sào; vụ đông 2014, khi hiệu quả đã được khẳng định, ông tăng lên 5 sào. “Khoai tây siêu bi và nguyên chủng phát triển rất tốt, thân cây mập, lá to dày, đặc biệt là ít bị sâu bệnh, tỷ lệ cây bị xoăn lá (vốn là bệnh kinh niên của khoai tây) hầu như không có. Năng suất đạt từ 500 – 600 kg/sào, do củ có chất lượng tốt, màu vàng sáng nên nhiều hộ mua gửi vào kho lạnh của hợp tác xã để làm giống. Riêng vụ đông năm nay, gia đình tôi có thu nhập khoảng 70 triệu đồng”, ông Thường cho biết.

 

Nông dân Trọng Quan thu hoạch khoai tây trong niềm vui trúng mùa được giá.

 

Ông Trần Minh Bằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trọng Quan, cho biết thêm, việc cung cấp đủ lượng phân hữu cơ cho khoai tây là rất cần thiết để đảm bảo sự phát triển của củ, nhưng do những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ không còn tồn tại nên nguồn phân chuồng hạn chế. Rất may là hợp tác xã được một đơn vị tư vấn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau khi gặt. Việc làm này đã mang lại lợi ích kép: vừa mang lại nguồn phân hữu cơ, vừa góp phần bảo vệ môi trường. “Khoai tây siêu bi có thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày, năng suất giống siêu bi đạt 500kg/sào, giống nguyên chủng lên đến 680kg/sào, trong đó củ có thể lấy làm giống đạt 30%. Nếu trồng giống khoai tây siêu bi được bảo quản trong kho lạnh năng suất luôn cao hơn do nông dân tự để từ mùa trước từ 20 – 25%, không những thế còn có mẫu mã đẹp, sạch bệnh”, ông Bằng nói.

“Với giá bán trên thị trường hiện tại là 9.000 – 10.000 đồng/kg, mỗi hecta khoai tây có thể đạt thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi 55- 60 triệu đồng, chắc chắn “ăn đứt” hai vụ lúa”, TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định.

 

Áp dụng công nghệ cao để cải thiện chất lượng giống

Trên thực tế, một trong những khó khăn của việc mở rộng diện tích trồng khoai tây là chất lượng giống. Giống khoai tây thường bị thoái hóa theo thời gian do nhiễm bệnh virus (xoăn lá) hoặc một số bệnh do vi khuẩn gây ra, kéo theo sự giảm sút về năng suất. Vì vậy, để đảm bảo sản xuất, hàng năm chúng ta phải nhập khẩu một lượng giống lớn với giá cao để thay thế những giống thoái hóa.

Những khó khăn này cũng không phải là ngoại lệ ở Thái Bình khi mà diện tích sử dụng giống xác nhận chỉ chiếm chưa đến 30%, phần lớn giống do người dân tự chọn và để từ vụ nọ sang vụ kia. Thái Bình cũng chưa có cơ sở sản xuất khoai tây đầu dòng, lượng nguyên chủng chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Chính vì vậy, được sự giúp đỡ của Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), TTKNKNKN Thái Bình đã triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Nghiễm, Trưởng phòng Kỹ thuật rau hoa quả - công nghệ cao, TTKNKNKN Thái Bình, cho biết, mục tiêu của mô hình là tạo ra được củ giống siêu nguyên chủng bằng khí canh với giá thành thấp, chất lượng tốt, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các giống cấp tiếp theo. Giúp nông dân làm quen và tiếp cận tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Mô hình áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào kết hợp khí canh.

Các kỹ thuật trong phòng nuôi cấy mô bao gồm: Nhân nhanh cây giống khoai tây invitro (trong ống nghiệm) sạch bệnh và tạo củ microtuber trong ống nghiệm, tất cả đều đảm bảo trong môi trường vô trùng, khi cây khoai tây invitro có 3 – 5 lá và bộ rễ phát triển hoàn chỉnh thì có thể chuyển ra vườn ươm (khí canh hoặc giá thể). Sau đó khoảng 10 ngày thì có thể tiến hành nhân nhanh cây giống khoai tây bằng phương pháp cắt ngọn. Ngọn cắt tiếp tục được giâm trong hệ thống khí canh, sau 3 – 4 ngày ra rễ, sau 15 ngày khi đạt tiêu chuẩn cao 10 – 15cm, có 5- 7 lá, bộ rễ khỏe mạnh thì có thể đem cây con trồng trên hệ thống khí canh để sản xuất củ giống.

“Theo tính toán sơ bộ, giá thành sản xuất 1kg giống nguyên chủng của chúng tôi là 15.330 đồng/kg, trong khi giá giống nhập nội là 24.000 – 25.000 đồng/kg, năng suất bình quân ở các mô hình đạt 500 kg/sào, có nơi lên đến 680kg/sào, khả năng chống chịu bệnh tốt hơn giống nhập nội, đặc biệt là bệnh mốc sương, héo xanh, virus,…”, ông Nghiễm nói.

Phát biểu tại hội thảo “Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong nhân và sử dụng giống khoai tây sạch bệnh phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, TS.Phan Huy Thông cho rằng, việc phát triển công nghiệp sản xuất giống khoai tây sạch bệnh đóng vai trò quan trọng giúp tạo ra được nguồn giống siêu nguyên chủng với giá thành thấp, chất lượng tốt. Ngoài ra, với việc tạo được số lượng lớn củ giống sạch từ việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. “Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng lớn trong sản xuất vụ đông, từ thực tế ở Trọng Quan cho thấy, vụ đông hoàn toàn có thể giúp nông dân cải thiện thu nhập đáng kể nếu các địa phương tạo cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp giúp bà con yên tâm sản xuất. Còn về băn khoăn lớn nhất của bà con là đầu ra cho sản phẩm thì nhất thiết phải có sự vào cuộc của doanh nghiệp, giúp nông dân tìm kiếm thị trường cho nông sản”, ông Thông nói.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình, cho biết, tiềm năng sản xuất khoai tây của Thái Bình còn rất lớn với hơn 20.000ha đất có thể trồng giống cây này. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng chiến lược phát triển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng khoai tây, đưa khoai tây trở thành cây trồng mang thương hiệu Thái Bình.

Anh Thơ

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập662
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại771,634
  • Tổng lượt truy cập93,149,298
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây