Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trước năm 2010, chăn nuôi của TP.Hà Nội chủ yếu phân tán, quy mô nhỏ lẻ, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. Để chuyển sang sản xuất mang tính hàng hóa, Hà Nội đã có nhiều chính sách phát triển chăn nuôi mang tính đột phá, trong đó phải kể đến việc phê duyệt chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư theo Quyết định 2801 ngày 17/6/2011 của UBND TP.Hà Nội.
Mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ đem lại hiệu quả cao cho chăn nuôi Thủ đô |
Tính đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 69 xã chăn nuôi trọng điểm, trong đó có 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn và 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm; trên 3 nghìn trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, các xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa phần lớn tập trung ở các huyện Ba Vì, Gia Lâm; chăn nuôi gia cầm, tập trung ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây; chăn nuôi thủy cầm tập trung ở huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín... Hàng năm, các xã trọng điểm và trại chăn nuôi quy mô lớn cung cấp cho thị trường khoảng 160 nghìn tấn thịt hơi, 610 triệu quả trứng và 870 ngàn con lợn giống, 35 triệu gia cầm, thủy cầm giống
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao cũng đã bắt đầu được chú trọng trong chăn nuôi. Hiện nay, khoảng 40% trang trại chăn nuôi lợn, 35% trang trại chăn nuôi gà sử dụng hệ thống chuồn kín, làm mát; 78% các trang trại chăn nuôi bò sữa sử dụng hệ thống chống nóng, 85% trại chăn nuôi bò sữa có máy vắt sữa. Tổng giá trị sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 6.700 tỷ đồng.
Nhờ những nỗ lực trên, TP.Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc gia cầm ở tốp đầu cả nước, với tổng đàn trâu trên 24 ngàn con, đàn bò: 142 ngàn con (trong đó bò sữa 15 ngàn con), đàn lợn trên 1,4 triệu con, đàn gia cầm trên 25 triệu con (trong đó đàn gà 16,5 triệu con). Tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đạt 390 nghìn tấn, sản lượng sữa bò tươi đạt 32 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm các loại đạt 1,1 tỷ quả. Giá trị sản xuất chăn nuôi theo giá hiện hành đạt 20.235 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội khẳng định, việc phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư và ứng dụng công nghệ cao giúp nhiều nông dân Thủ đô có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện, trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố, chăn nuôi đã chiếm tỷ trọng 50%, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động ở nông thôn và giảm ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, thực tế, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thực phẩm của thị trường. Bên cạnh đó, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 53% trong cơ cấu ngành chăn nuôi. Do vậy, các huyện, thị xã cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về đất đai để doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào phát triển chăn nuôi quy mô lớn, dựa trên thế mạnh của từng địa phương và tăng cường hỗ trợ vốn để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm. Đồng thời, xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác phát triển chăn nuôi với các tỉnh bạn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô, góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Một tin vui đã đến với ngành nông nghiệp Hà Nội nói chung và ngành chăn nuôi Hà Nội nói riêng, đó là gần đây, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 3 về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình sản xuất trong thành phố sẽ được hưởng các hỗ trợ về vốn, chi phí xử lý môi trường, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật… khi có dự án/phương án đầu tư vào sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Ví dụ, hỗ trợ 100% lãi suất vay theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn vay tối đa là 36 tháng. Tổng mức vốn vay được tính hỗ trợ tối đa lên tới 50 tỷ đồng/dự án, phương án.
Quỳnh Nga - Lan Anh
http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;