Học tập đạo đức HCM

Hải Hậu - Từ điển hình văn hóa đến huyện Nông thôn mới

Thứ năm - 27/08/2015 03:14
Nhìn trên bản đồ, huyện Hải Hậu (Nam Định) có hình thù giống một bàn chân người rướn ra biển Đông, rất gần gũi với đặc điểm được hình thành từ công cuộc quai đê lấn biển của địa phương này. Sử huyện chép rằng tổ tiên của người Hải Hậu đều là những người từ khắp các địa phương trong trấn Sơn Nam Hạ xưa về đây lập nghiệp. Cho đến ngày nay, cả huyện với 26 vạn dân tưởng nhớ, phụng thờ chung “Tứ tính, Cửu tộc” (4 ông tổ và 9 dòng họ đầu tiên về khai khẩn vùng đất ven biển này).

Mang trong mình dòng máu của những người đi mở đất nên tiếp xúc nhiều, thấy người Hải Hậu có những nét riêng. Họ, đa phần có nước da đen nâu, rắn rỏi; tính cách từ người dân đến cán bộ khá hiền hòa; đặc biệt, nói như ông Phạm Văn Chiến, đương kim Chủ tịch UBND huyện thì tính gắn kết cộng đồng của người Hải Hậu khá cao. Cũng phải thôi, đi mở đất, trị thủy, quai đê, lấn biển, thường xuyên đối mặt với bão gió, toàn việc nặng nhọc, không cộng đồng gắn kết, chung tay vượt khó không tồn tại, phát triển được. Xem lại bộ phim “Ngày lễ thánh” (chuyển thể từ tiểu thuyết Bão Biển của nhà văn Chu Văn lấy bối cảnh thực tế của các địa phương ven biển Nam Định sau hòa bình 1954) càng hiểu hơn công cuộc quai đê, lấn biển ở đây gian nan, khó nhọc đến nhường nào? Nói thêm, Hải Hậu cũng như nhiều địa phương ven biển ở miền Bắc khác là nơi đạo công giáo được truyền vào từ rất sớm. Ngày nay, hơn 40% người dân trong huyện theo đạo Công giáo; nhiều xã, thị trấn giáp biển là xã toàn tòng công giáo, cứ vài km2 lại có một nhà thờ. Mấy thế kỷ nay, dẫu có những khúc quanh nhưng đồng bào lương giáo nơi đây luôn chung sống thuận hòa, đoàn kết bên giải đất ven biển Đông này…

Nhớ về lịch sử, nhiều cán bộ, người dân Hải Hậu không quên thời kỳ “Hai năm bốn tháng” (quãng từ năm 1949 đến 1951), vì đây được xem là thời kỳ “đen tối” nhất của cách mạng ở Hải Hậu. Hoạt động bí mật trong vùng địch hậu, bị Pháp, tề ngụy vây ráp, kiểm soát chặt chẽ dẫn tới nhiều cơ sở cách mạng ở đây khi đó bị lộ, nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt, thủ tiêu. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Pháp, Hải Hậu rất tự hào với hai chiến thắng Cầu Đôi và Đông Biên. Những chiến thắng này về sau đều được địa phương dựng bia tưởng nhớ. Sang kháng chiến chống Mỹ, biển Hải Thịnh (nay là thị trấn Thịnh Long, nằm sát cửa sông Ninh Cơ) là nơi vãi bom của Mỹ, được mệnh danh là “Cồn Cỏ của miền Bắc” khi đó. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Văn đã “kể lại” chuyện này qua bức ảnh nổi tiếng “Sự trừng phạt đích đáng”, chụp cảnh nữ dân quân Hà Thị Nhiên kéo lê cánh một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bãi biển Hải Thịnh ngày ấy…

Sau hòa bình, thống nhất, Hải Hậu là huyện “con cưng” của Nam Định khi là địa phương luôn dẫn đầu về nhiều mặt phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những niềm tự hào của người Hải Hậu đó là thành quả xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở của mình. Năm 2015 này là năm thứ 36 liên tục Hải Hậu giữ vững danh hiệu  điển hình của cả nước về phong trào này. Mấy chục năm trước, khi hầu hết các địa phương ở miền Bắc mỗi khi họp xóm  phải họp nhờ ở nhà kho HTX hoặc ở nhà riêng cán bộ xóm thì Hải Hậu đã có phong trào xây dựng nhà văn hóa, đến nay 546 xóm, tổ dân phố ở Hải Hậu đều đã có công trình này. Còn nhớ, năm 2012, về chung vui với bà con xóm 4, xã Hải Bắc trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, ngồi trong ngôi nhà văn hóa xóm xây dựng khang trang, đẹp như một ngôi đình Việt cổ, xem các tiết mục văn nghệ do chính người dân trong xóm dàn dựng, biểu diễn,Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã vui vẻ chia sẻ rằng: “Tôi có cảm giác như đang ngồi xem biểu diễn nghệ thuật trong nhà hát lớn Hà Nội, không nghĩ đây là tiết mục văn nghệ xóm”.  Ước tính cả huyện có đến hàng nghìn câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, bơi chải, cà-kheo cùng mấy trăm hội đoàn kèn đồng, hội đoàn trống, hội đoàn trắc, hội đoàn ca (của các xứ họ đạo). Hình ảnh thường thấy ở khắp các địa phương trong huyện Hải Hậu là chiều tối rất đông người dân tập trung tại các nhà văn hóa xóm để chơi các môn thể thao, luyện tập văn nghệ. Trong ngày hội Cách mạng được huyện tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, bao giờ người tham dự cũng được thưởng thức  những hoạt động thi đấu thể thao chỉ miền quê ven biển này mới có như bơi chải, thổi kèn đồng, đi cà-kheo, đánh trống trắc, trống cà-rùng…Từ nhiều năm nay, tiếng kèn đồng, tiếng trống cà rung, trống trắc đã vượt khỏi khuôn viên các nhà thờ Công giáo để tham gia vào các hoạt động chính trị, văn hóa của Hải Hậu …

Nhắc đến Hải Hậu không thể không nhắc tới thành quả xây dựng Nông thôn mới” (NTM) của huyện đã 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng này, khi chỉ vài ngày tới Hải Hậu sẽ long trọng tổ chức lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Huyện Nông thôn mới năm 2015”, là  một trong 5 huyện cả nước được công nhận danh hiệu này, tính đến nay. Cần phải dành một lời khen cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận ở đây vì đã rất trúng, rất đúng và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như vận động, tổ chức cho nhân dân trong huyện thực hiện chủ trương lớn, quan trọng này. Từ 19 tiêu chí xã NTM do Trung ương xây dựng, ban hành, Hải Hậu vận dụng, cụ thể hóa thành 12 tiêu chí xóm NTM và 8 tiêu chí gia đình NTM. Thống nhất quy trình thực hiện chung là: “Làm từ đồng về nhà, từ nhà lên xóm, từ xóm lên xã”, “xóm lo công trình của xóm, xã lo công trình của xã”, lấy mỗi gia đình là hạt nhân trong xây dựng NTM. Hải Hậu cũng “thiết kế” được một cơ chế hỗ trợ cũng như khen thưởng rất cụ thể, qua đó khuyến khích, tạo động lực cho các xóm, tổ dân phố trong huyện tham gia thực hiện. Phương châm, cp chế rõ ràng nên quá trình triển khai, việc khá chạy. Thời điểm 2011, trong khi nhiều địa phương còn lúng túng, chưa biết phải triển khai xây dựng NTM ra sao thì Hải Hậu đã hoàn thành dồn điền đổi thửa-một khâu đột phá trong xây dựng NTM ở cả 35 xã, thị trấn trong huyện kết hợp với việc dồn đổi quỹ đất công, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất.

Trường Mầm non xã Hải Châu được xây dựng đạt chuẩn quốc gia
một trong những thành quả xây dựng NTM của huyện Hải Hậu 

Theo chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Chiến, trong 5 bài học rút ra được từ xây dựng NTM, Hải Hậu rất “thấm” bài học về phát huy sức dân. Có chuyện rằng: xã Hải Đường của huyện là một trong 10 xã được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện thí điểm của cả nước. Nguồn hỗ trợ cho xã do vậy cũng nhiều hơn, tới 20 tỷ đồng so với mức 8 tỷ đồng tỉnh Nam Định hỗ trợ các xã khác.  Tuy nhiên, rốt cuộc Hải Đường lại là xã về đích muộn nhất so với 35 xã, thị trấn trong huyện. Tất cả chỉ vì ban đầu cán bộ, đảng viên và người dân trong xã hiểu không đúng về xây dựng NTM, cho đây là một dự án đầu tư của nhà nước, người dân chỉ việc hưởng lợi, không nhận thấy vai trò, trách nhiệm của mình. Trong khi đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân nhận thức rõ xây dựng NTM là việc của chính mình, cho mình nên các xã, thị trấn khác trong huyện đã khơi dậy, phát huy được trí tuệ, công sức của người dân tham gia thực hiện, sớm cán đích. Theo thống kê,  trong số gần 3.255 tỷ đồng Hải Hậu huy động được từ các nguồn để đầu tư xây dựng NTM có hơn 567 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của nhân dân, khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ của con em Hải Hậu xa quê…

Những ngày này, chuẩn bị đón nhận danh hiệu huyện NTM, cả Hải Hậu đang rất vui. Nhưng ngay trong lúc đang rất vui này, Hải Hậu đã thể hiện tầm nhìn xa của mình bằng việc ban hành chủ trương, kế hoạch “Xây dựng nông thôn mới bền vững” với những “bước đi” bài bản và mục tiêu cụ thể…

Trần Duy Hưng
theo 
daidoanket

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập799
  • Hôm nay67,316
  • Tháng hiện tại803,426
  • Tổng lượt truy cập93,181,090
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây