Triển vọng lớn
Năm 2010, gia đình ông Lê Quang Tể (thôn Nam Sơn, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) thử nghiệm nuôi hàu Thái Bình Dương ở vịnh Nghi Sơn, sau khi được Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi. Ông Tể đã cải tạo 4 ô lồng nuôi cá lâu nay để thả 370 dây hàu, mỗi dây 20 vỏ hàu, mỗi vỏ 17 - 20 con hàu giống, với hình thức nuôi giàn bè và treo dây trên biển. Sau 10 tháng nuôi, lứa hàu đầu tiên của ông đạt 4 - 5 con/kg, thu hoạch được 0,8 tấn hàu thương phẩm, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng.
Thấy nuôi hàu Thái Bình Dương hiệu quả cao, năm 2013 gia đình chị Nguyễn Tuyết Ngân (thôn Tiền Phong, xã Hải Bình) đầu tư 4,3 vạn giá bám, sau 7 tháng cho thu hoạch hàu thương phẩm với số lượng 7 - 10 con/kg, giá bình quân 30.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng. Năm 2014, gia đình chị là một trong 4 hộ được chọn thử nghiệm nuôi hàu Thái Bình Dương đợt hai trên cửa sông Lạch Bạng. Chị cho biết, qua 3 tháng thả nuôi, hàu phát triển rất nhanh, ngoài số hàu giống được hỗ trợ là hơn 4 vạn giá bám (mỗi giá có khoảng 25 con), gia đình còn đầu tư mở rộng lồng bè nuôi thêm 3 vạn giá bám, theo hình thức bám dây. Hộ nuôi chỉ phải đóng giàn bè, rổ, dây để thả nuôi. Đặc biệt, nuôi hàu Thái Bình Dương không đầu tư thức ăn, chăm sóc như các loại thủy sản khác. Nhu cầu tiêu thụ của thị trường hiện nay tương đối lớn.
Đến nay, tại huyện Tĩnh Gia có khoảng 20 hộ đầu tư nuôi hàu Thái Bình Dương với khoảng 10 vạn giá bám, tập trung ở vịnh Nghi Sơn, đầm phá xã Hải Thượng, Sông Lạch Bạng, Hòn Mê... và những vùng có độ mặn cao, tương đối ổn định. Hàu được các hộ nuôi đã hơn 3 tháng, đang phát triển tốt, tỷ lệ sống cao.
Để nhân rộng mô hình
Ông Vũ Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cho biết: Nuôi hàu Thái Bình Dương nói riêng và các đối tượng nhuyễn thể nói chung mang lại lợi nhuận cao. Nuôi hàu không phải đầu tư thức ăn, chỉ chi phí tiền giống, làm giàn bè và công chăm sóc, quản lý, lại ít dịch bệnh, khả năng rủi ro thấp. Bên cạnh đó, hàu Thái Bình Dương giúp làm sạch môi trường nước. Khu vực nuôi hàu sẽ thành nơi trú ngụ cho các loài thủy sản khác, góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn thủy sản ven bờ. Với tiềm năng, ưu thế của nghề nuôi có giá trị và hiệu quả cao này, các địa phương ven biển đều có thể quy hoạch vùng nuôi, nhân rộng con nuôi.
Ông Hà cũng cho biết thêm, ở nhiều địa phương đã triển khai nuôi thử nghiệm loài này. Tại Tĩnh Gia, khi triển khai cho các hộ thực hiện nuôi thử nghiệm, Trung tâm cùng Trạm Khuyến nông Tĩnh Gia thường xuyên cử cán bộ theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển và dịch bệnh của hàu để mô hình mang lại hiệu quả cao. Tổ chức hội thảo đầu bờ tại xã Nghi Sơn cho các xã có điều kiện nuôi hàu Thái Bình Dương trên vùng triều đến tham quan, chia sẻ kinh nghiệm. Khó khăn lớn nhất hiện nay tại Thanh Hóa là chưa chủ động được công nghệ sản xuất giống và chưa có mô hình quy mô lớn, công nghệ nuôi chưa hoàn thiện.
Nghề nuôi hàu Thái Bình Dương tại huyện Tĩnh Gia đã bước đầu phát triển nuôi đại trà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân các xã Hải Bình, Hải Hà, Nghi Sơn… tự phát đầu tư nuôi khi chưa có quy hoạch nên thời gian tới ngành chức năng cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ. Bởi, ban đầu đang còn ít hộ nuôi nên sản phẩm chưa nhiều, mới chủ yếu đáp ứng thị trường trong tỉnh.
>> Hàu Thái Bình Dương có nguồn gốc Nhật Bản, ưu điểm nổi trội so với hàu bản địa; khối lượng cơ thể lớn, sinh trưởng nhanh, vỏ mỏng, thịt nhiều. Thịt hàu giá trị dinh dưỡng cao, giàu chất kẽm, ít chất béo, giảm nguy cơ tim mạch… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã