Học tập đạo đức HCM

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bồ câu Pháp

Thứ ba - 26/02/2013 21:34
Anh Trần Văn Đới, thôn Phú Ốc, xã Gio Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) hiện đang nuôi 250 cặp bồ câu Pháp sinh sản dưới hình thức nhốt chuồng, trung bình mỗi cặp đẻ 8 – 9 lứa/ năm, với khoảng 200 cặp chim non/lứa nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mua chim giống của thị trường. Đây được xem là mô hình chăn nuôi đem lại thu nhập khá vì bồ câu là giống sinh sản nhanh, ít bệnh tật, ít tốn thức ăn và công chăm sóc nhưng giá trị kinh tế cao.
Theo giá thị trường hiện nay, chim thịt (15 ngày tuổi) giá 110 – 120 ngàn đồng/cặp; chim giống (40 – 45 ngày tuổi) có giá từ 250 – 270 ngàn đồng/cặp. Năm 2012, lợi nhuận anh Đới thu được từ mô hình nuôi bồ câu Pháp của mình trên 150 triệu đồng. Cùng với nguồn thu ổn định từ lương của một cán bộ địa chính xã và giáo viên mầm non như vợ chồng anh thì mỗi năm gia đình anh Đới có thêm một khoản thu nhập đáng kể để nâng cao cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, để có được mô hình kinh tế phù hợp với quỹ thời gian hạn hẹp của một công chức nhà nước, anh Đới phải suy nghĩ, tìm tòi trên sách báo và internet đồng thời tham quan, đúc rút kinh nghiệm từ nhiều mô hình kinh tế ở các địa phương. 

Mô hình nuôi bồ câu Pháp nhốt chuồng của anh Trần Văn Đới


Anh Đới cho biết: “Trước đây, như nhiều gia đình khác trong vùng, toàn bộ diện tích đất vườn đều được vợ chồng tôi cải tạo và đầu tư trồng cây hồ tiêu. Tuy nhiên, lợi nhuận không nhiều do cây tiêu hay bị bệnh, phụ thuộc thời tiết và giá cả bấp bênh. Cả 2 vợ chồng đều đi làm việc nhà nước, ít có thời gian chăm sóc nên vườn tiêu nhà tôi ngày càng xuống cấp, đến năm 2009 thì gần như xóa sổ. Nhờ lợi thế làm cán bộ xã, hay đi cơ sở nên tôi thường tranh thủ tìm hiểu, học hỏi các mô hình kinh tế. Đang loay hoay chưa biết làm gì thì cuối năm 2010, tình cờ một hôm xem tivi, tôi thấy giới thiệu mô hình nuôi bồ câu Pháp ở Quảng Nam, thấy hay nên tôi đã vào internet tìm hiểu kỹ hơn và sau đó vào Quảng Nam tham quan thực tế. Thấy đây là mô hình mới, có nhiều triển vọng và phù hợp với năng lực của mình, tôi đã bàn với vợ đầu tư nuôi thử”. 

Quyết định nuôi thử của anh Đới bắt đầu bằng việc đầu tư 45 triệu đồng xây dựng 20 m2 chuồng trại nuôi 80 cặp chim bồ câu Pháp làm giống. Với bản tính chăm chỉ và cẩn thận, đều đặn ngày 2 lần (sáng 5 giờ 30, chiều 13 giờ) anh Đới tự tay cho chim ăn và thay nước. Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho bồ câu, anh Đới trộn lẫn 50% gạo lứt với 50% thức ăn công nghiệp trong khẩu phần ăn hàng ngày của bồ câu, đồng thời đánh số thứ tự, lập sổ theo dõi trọng lượng, ngày đẻ, số trứng, ngày nở và số con được nở ra của từng cặp bồ câu giống. Nhờ nắm rõ đặc trưng từng cặp bồ câu, theo dõi tỷ lệ cận thận để bổ sung chế độ dinh dưỡng nên anh Đới đã khai thác tối đa năng suất sinh sản của từng cặp bồ câu giống, chọn lọc được những cặp giống đúng tiêu chuẩn để cải tạo và mở rộng đàn. Hơn một năm nuôi thử, đến nay anh Đới đã mở rộng quy mô chăn nuôi với 250 cặp bồ câu Pháp sinh sản và cung cấp một lượng lớn bồ câu giống cho người dân trong tỉnh và một số vùng ở Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình. 

Qua 2 năm nuôi bồ câu Pháp, ngoài cung cấp con giống cho thị trường, anh Đới đã tự đúc rút kinh nghiệm để làm lồng nuôi bồ câu và tận dụng vỏ chai làm dụng cụ đựng đồ ăn, nước uống để giảm chi phí đầu tư, đồng thời cung cấp lồng nuôi cho người mua khi có nhu cầu. Đến vụ mùa, anh chủ động thu mua lúa dự trữ ở kho để chủ động nguồn thức ăn trong năm cho bồ câu. 

Anh Đới chia sẻ: “Ưu điểm vượt trội của mô hình này là không tốn nhiều thời gian, với 250 cặp bồ câu này, mỗi ngày tôi chỉ mất 1 tiếng rưỡi để cho ăn và vào ngày nghỉ cuối tuần mới dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại một lần. Bình quân bán một cặp bồ câu giống 250 ngàn đồng, trừ mọi chí phí lãi ròng khoảng 150 ngàn đồng. Thấy hiệu quả kinh tế của bồ câu Pháp nên người đến hỏi mua giống càng nhiều, trại giống của tôi chưa cung cấp đủ nhu cầu mua giống của người dân quanh vùng. Qua tham khảo thị trường, tôi cũng biết thị trường bồ câu Pháp thương phẩm còn rất tiềm năng, đó là hiện nay mức tiêu thụ chim thịt của các quán ăn, nhà hàng khách sạn trên địa bàn vẫn chưa có đầu mối cung ứng, ngoài ra còn có thị trường chim thịt đông lạnh ở Đà Nẵng với mức giá 100 ngàn đồng/cặp… Vì vậy, trong năm nay tôi sẽ mở rộng hệ thống chuồng trại để nuôi 500 cặp bồ câu Pháp sinh sản và tiến tới nâng tổng đàn lên 1.000 cặp.” 
 
Nguồn:http://www.baoquangtri.vn (minhtam sưu tầm)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập367
  • Hôm nay61,099
  • Tháng hiện tại720,426
  • Tổng lượt truy cập93,098,090
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây