Lợn “cắp nách” là giống lợn có nguồn gốc từ tự nhiên, được con người thuần hóa, lai tạo và đưa vào nuôi theo hình thức thả rông, nên chất lượng thịt thơm, ngon. Nắm bắt được xu thế đó, nhiều hộ dân, nhất là những hộ có đất lâm nghiệp ở những vùng bán sơn địa và vùng đồi núi thấp đã triển khai nuôi loại lợn này để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Trang trại nuôi lợn “cắp nách” của gia đình anh Nguyễn Quang Hùng, thôn Đồng Thung, xã Phú Nhuận
Được sự giới thiệu của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi tìm đến trang trại lâm nghiệp kết hợp nuôi lợi “cắp nách” của gia đình anh Nguyễn Quang Hùng, thôn Đồng Thung, xã Phú Nhuận. Tại đây, chúng tôi được anh Hùng chia sẻ: Gia đình anh có hơn 40 ha rừng. Trước đây, gia đình chỉ tập trung vào trồng cây lâm nghiệp nên không có nguồn thu nhập trước mắt. Nhận thấy việc nuôi lợn “cắp nách” không những giúp gia đình phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế đồi rừng mà còn lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy, năm 2006 gia đình đã mạnh dạn đưa giống lợn “cắp nách” vào nuôi thử.
Qua năm đầu nuôi thử nghiệm cho thấy: lợn “cắp nách” được nuôi trên vùng đất đồi rừng theo hình thức thả rông không những mau lớn, thịt thơm ngon mà còn giúp tiết kiệm được chi phí do tận dụng tối đa được nguồn thức ăn tự nhiên, nên lợi nhuận thu về khá cao. Theo tính toán của gia đình anh, một con lợn “cắp nách” nuôi trong thời gian 6 tháng đạt trọng lượng từ 25 - 40kg, với giá bán từ 120.000 đến 160.000 đồng/1kg hơi (tùy loại lợn), trừ chi phí cho thu lãi từ 1,5 đến 3 triệu đồng/con.
Từ hiệu quả kinh tế mang lại, anh Hùng đã đầu tư mở rộng quy mô nuôi lên hơn 100 con/mỗi đợt nuôi, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện, trang trại của anh đang có 2 loại lợn với giá bán khác nhau, như: Loại lợn lòi, lông ánh vàng có giá bán dao động từ 150.000 đồng đến 160.000 đồng/1kg hơi; còn loại lợn mán, lông đen có giá từ 120.000 đồng đến 130.000 đồng/1kg hơi.
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm nuôi lợn “cắp nách”, anh Hùng cho biết: Để hạn chế bệnh trên đàn lợn cần phải giữ gìn chuồng nuôi sạch sẽ, chọn nơi có địa hình cao, thoát nước tốt, chỗ nuôi có nguồn nước trong lành để vừa cung cấp nước cho lợn uống, vừa duy trì hệ thực vật và giữ độ ẩm, mát trong môi trường sống cho lợn. Cùng với đó, để thịt lợn “cắp nách” đạt chất lượng thơm ngon, quy trình nuôi phải chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 nuôi nhốt tập trung để lấy tăng trưởng, sau khi đạt trọng lượng cân nặng mong muốn thì chuyển sang giai đoạn 2 nuôi thả rông tự nhiên, mục đích cho lợn vận động nhiều để tiêu hao mỡ, bì dày, thịt săn chắc. Trong cả 2 giai đoạn nuôi chỉ cho lợn ăn thức ăn thô, xanh, bao gồm các loại cỏ, mầm cây, rễ cây; đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh gồm các loại hạt ngũ cốc và củ, quả tự nhiên. Tuyệt đối không được cho lợn ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng vì sẽ làm biến đổi chất lượng thịt và dễ gây ra tiêu chảy.
Bên cạnh kỹ thuật về chăn nuôi, thị trường là yếu tố quan trọng quyết định trong việc duy trì và phát triển việc chăn nuôi. Do vậy, để có được thị trường tiêu thụ rộng rãi và lâu dài, gia đình anh Hùng không những bán lợn “cắp nách” tại trang trại mà còn đem đến và làm thịt tại nhà nếu khách có nhu cầu.
Hương Thơm
Nguồn: Báo Thanh Hóa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;