Người dân đến mua tôm sú giống tại Công ty TNHH Minh Hàn (TX Quảng Yên). |
Không dừng lại ở đó, năm 2012 Công ty thực hiện Dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua biển tại TX Quảng Yên”. Công ty được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản III (Bộ NN&PTNT) chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống cua biển. Theo ông Hàn, để sản xuất ra con giống chất lượng cao thì bên cạnh tìm được nguồn bố mẹ tốt, còn phải nắm vững quy trình kỹ thuật, mới thành công. Hiện mỗi năm Công ty của ông có thể cung cấp 100 triệu con tôm giống (80 triệu con tôm sú, 20 triệu con tôm thẻ chân trắng); 8 triệu con cua giống chất lượng cao, được nông dân ở TX Quảng Yên, huyện Tiên Yên, TP Móng Cái rất tin tưởng.
Đến huyện Hải Hà tìm hiểu về mô hình trồng chanh đào, chúng tôi được giới thiệu tới hộ anh Vũ Văn Thiết, một trong những người khởi đầu phong trào trồng chanh đào ở đây. Anh cho biết, cuối năm 2014 anh bắt đầu trồng chanh trên diện tích 1,7ha với trên 1.600 gốc. Bên cạnh sự hỗ trợ kỹ thuật từ nơi cung cấp cây giống là Công ty Phát triển giống cây trồng VSC Hưng Yên, anh còn tích cực tìm tòi, học hỏi trên sách, báo, mạng internet về kỹ thuật trồng cây chanh đào. Sau 1 năm trồng, cây chanh đào cho ra lượt trái đầu tiên.
Khi đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho loại cây này, anh học cách chiết cành, nhân giống và từng bước mở rộng diện tích trồng. Đến nay gia đình anh có 2ha trồng chanh đào với 3.000 cây. Đặc biệt, anh đã tự tìm hiểu, nghiên cứu để cho cây chanh đào ra trái vụ. Bên cạnh thu hái bán quả tươi, anh nghiên cứu chế biến siro chanh đào mật ong. Đây là một trong những sản phẩm được huyện Hải Hà lựa chọn là sản phẩm OCOP của địa phương. Mùa chính vụ tháng 9-2016 và trái vụ tháng 4-2017 (âm lịch), gia đình anh thu sản lượng 19,8 tấn chanh đào. Anh dành ra 7 tấn trong đó để làm hơn 10.000 lọ siro; số còn lại tiếp tục được Công ty Phát triển giống cây trồng VSC Hưng Yên bao tiêu với giá cam kết. Trừ mọi chi phí, anh thu lãi hơn 800 triệu đồng. Anh Thiết tâm sự: “Tôi xuất thân là con nhà nông, nên khi chuyển đổi từ nghề lái xe về làm nông nghiệp tôi đã không bị bỡ ngỡ. Được định hướng của lãnh đạo địa phương về hoàn thiện sản phẩm, tôi tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng chanh đào theo quy trình VietGAP để cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng tốt nhất”.
Sản xuất nông nghiệp ở huyện Hoành Bồ đã có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 5-6%/năm. Chỉ với 3.000ha diện tích đất nông nghiệp (chiếm 3,5% tổng diện tích đất tự nhiên) nhưng nhờ khai thác thế mạnh của địa phương và ứng dụng KHCN cao vào sản xuất, nên giá trị nông sản của huyện hằng năm đạt trên 300 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến sự thành công của Dự án “Ứng dụng công nghệ để phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao tại huyện Hoành Bồ” được đầu tư gần 20 tỷ đồng, triển khai từ năm 2012, đánh dấu bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển dịch cơ cấu giống hoa. Theo đó, mỗi năm, Hoành Bồ cung cấp ra thị trường gần 20 triệu bông hoa các loại, trong đó 70% là các giống hoa cao cấp. Từ khi thực hiện Dự án, người dân trồng hoa ở Hoành Bồ đã tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất hoa chất lượng cao. Ông Lê Thế Phước (khu 5, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ) là hộ trồng hoa giỏi, thành công nhiều loại hoa chất lượng cao, như: Hoa lan các loại, lily, dạ yến thảo, đồng tiền kép... Tháng 8-2016, ông Phước đã mạnh dạn thành lập HTX Phước Long. Ông chia sẻ: “Ban đầu, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi và nhiều hộ trồng hoa ở Hoành Bồ mới chỉ biết sản xuất một số loại hoa truyền thống, như hồng, cúc, lay ơn... theo kinh nghiệm và dựa vào nguồn vốn gia đình là chính. Nhưng từ khi được tham gia dự án phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc hoa và vay vốn. Nhờ đó, tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích, phát triển nghề trồng hoa. HTX Phước Long đã đầu tư nhà lưới, thiết bị và giống hoa với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng”.
Ở khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi, sáng chế và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực, như: Máy chế biến thức ăn chăn nuôi của ông Đinh Văn Giang (TX Quảng Yên); máy cho tôm ăn tự động của ông Bùi Ngọc Liêm (TP Móng Cái); mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Tô Văn Toạ (TP Uông Bí); sản xuất trứng gà Tân An của bà Phạm Thị Nguyệt Dung (TX Quảng Yên); sản xuất miến dong của ông Nguyễn Xuân Bách (huyện Bình Liêu); sản xuất củ cải của ông Ty Văn Bích (huyện Đầm Hà)...
Với định hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, Quảng Ninh đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận với nguồn vốn nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hiện có 3 đầu mối để hỗ trợ nông dân trong lĩnh vực này là Sở KH&CN, Sở NN&PTNT và Hội Nông dân tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đang xây dựng 2 Khu nông nghiệp công nghệ cao ở TX Đông Triều và huyện Đầm Hà, nhằm trình diễn những mô hình sản xuất tiên tiến, tạo động lực để lan toả KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Nguyễn Hoa/Quảng Ninh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã