Học tập đạo đức HCM

Muốn phát triển ngành tôm phải dựa vào công nghệ cao

Thứ ba - 01/05/2018 04:02
Theo các chuyên gia về ngành tôm nhận định, mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng thời gian qua phát triển không ổn định, nhiều thăng trầm, chưa phát huy được giá trị thực. Để phát triển cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm…

Muốn phát triển ngành tôm phải dựa vào công nghệ cao

Bà con nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm.

Tín hiệu vui

Một, hai năm trở lại đây Chính phủ có nhiều kế hoạch phát triển ngành tôm, đặc biệt “ưu ái” cho thủ phủ ngành tôm là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), không chỉ trong công tác quy hoạch, quản lý về diện tích mà còn chú trọng đến công nghệ trong sản xuất, hướng tới đẩy mạnh ngành tôm trở thành lĩnh vực mũi nhọn của cả ngành nông nghiệp và nền kinh tế đất nước. 

Hiện tôm nước lợ được nuôi tập trung ở 28 tỉnh ven biển. Qua quá trình phát triển, đến giai đoạn 2011-2017, diện tích nuôi tôm nước lợ tăng từ 656.425 ha lên 721.100 ha; sản lượng tăng từ 482.200 tấn lên 683.400 tấn; năm 2017 đạt đỉnh cao về sản lượng và giá bán cao ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,8 tỷ USD.

Cà Mau được xem là tỉnh có diện tích nuôi thuỷ sản lớn nhất cả nước, với trên 302.861 ha, chiếm 27,9% cả nước, 39% vùng ĐBSCL. Sản lượng nuôi hằng năm đạt gần 321.000 tấn. Hiện nay, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh đạt trên 9.664 ha; trong đó diện tích ao nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, gần 1.000 ha, năng suất đạt từ 80-100 tấn/ha/vụ nuôi.

Thời gian qua ngành chức năng tỉnh Cà Mau đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nuôi trồng thuỷ sản nói chung và ngành tôm nói riêng như, khâu quản lý, bố trí lại sản xuất phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng. Nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản cho năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất con giống. Thông tin mới cho ngành tôm ở Cà Mau, dự kiến đến cuối tháng 5 này, Cà Mau sẽ hoàn thành dự án đầu tư vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung tại huyện Đầm Dơi.

Xuống với người nông dân, phóng viên ghi nhận được nhiều phấn khởi và tín hiệu vui của thủ phủ tôm cả nước. Thời tiết thuận lợi, giá cả lại cao nên vụ tôm đầu tiên của năm 2018, gia đình ông Trần Quang Hiên ngụ ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau lãi đậm. 

Vụ tôm đầu năm hứa hẹn nhiều thuận lợi và may mắn không chỉ chi riêng gia đình ông Hiên mà còn cho bà con nuôi tôm vùng này. Tổng diện tích khoảng 1ha mặt nước tôm công nghiệp cho gia đình ông Hiên thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lời được khoảng 700 triệu đồng. Ông Hiên chia sẻ: “Thời điểm đầu năm giá bán cũng được 310 ngàn đồng/1 kg/ loại 30 con và loại 26 con/1kg có giá 320 ngàn đồng. Mức lãi này được xem là rất cao so với những vụ nuôi trước…”.

Vụ tôm siêu thâm canh của gia đình ông Trần Minh Hoàng (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), với tổng diện tích hơn 1.700 m2 trừ chi phí cũng lời được trên 600 triệu đồng, ông Hoàng cho biết: Thực tế sản xuất cho thấy mô hình nuôi tôm siêu thâm canh giúp người nuôi tôm xử lý tốt nguồn nước, con tôm lại phát triển nhanh, giảm rủi ro dịch bệnh, đây được xem là mô hình vượt trội được bà con vùng này ưa chuộng và nhân rộng sản xuất...

Ông Võ Hồng Ngoãn “vua tôm” ở Bạc Liêu, cũng cho rằng mô hình nuôi tôm bán thâm canh mang lại hiệu quả cao: “Con tôm lại ít bị hao hụt, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là ít ảnh hưởng môi trường. Với điều kiện sản xuất của người nông dân hiện nay, hình thức nuôi này rất phù hợp. Bên cạnh đó, trong tương lai tôi sẽ cải thiện quy trình nuôi hướng đến nuôi tôm sạch”. 

Chất lượng con giống chưa ổn định 

Ngành tôm hiện đang hội tụ nhiều thuận lợi như, hiệp định thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho con tôm Việt thâm nhập vào thị trường thế giới. Đội ngũ doanh nhân, nhà khoa học, người nuôi tôm có kinh nghiệm, thời tiết thuận lợi…Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức trong sản xuất, như vấn đề cung ứng giống, việc truy xuất nguồn gốc, chế biến và phát triển thị trường, giá cả bấp bênh…

Muốn phát triển ngành tôm phải dựa vào công nghệ cao

 Vuông tôm của Lão nông Ngô Quốc Hùng, Bạc Liêu đang vụ mới.    

Theo TS Trần Đình Luận - Phó Tổng Cục Thủy sản, hiện nay nguồn tôm bố mẹ còn phụ thuộc vào nhập khẩu (tôm thẻ chân trắng) và khai thác tự nhiên (tôm sú); chất lượng tôm giống không ổn định, chưa qua kiểm tra chất lượng. Kỹ thuật ươm giống lớn chưa được phổ biến. Sản xuất thì manh mún. Môi trường, dịch bệnh còn tác động rất lớn trong quá trình nuôi; giá thành sản xuất cao; nguy cơ tồn dư hóa chất, kháng sinh.... 

Ngành chức năng và người nuôi tôm cũng đau đầu trước chất lượng của nguồn thức ăn vẫn chưa đảm bảo từ khâu quản lý số lượng và chất lượng. Trong khi đó đây lại chính là yếu tố quyết định đến chất lượng, sinh trưởng của con tôm. Thực tế là nhiều đơn hàng tôm vẫn bị trả lại do hàm lượng tạp chất dư thừa trong tôm còn cao.

Phát triển ngành tôm phải dựa vào công nghệ cao 

Mới đây tại hội thảo Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao do Tổng cục Thủy sản, Hội nghề cá Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuối tháng 4 tại tỉnh này. Tại đây nhiều chuyên gia nhận định, muốn phát triển ổn định ngành tôm và đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành tôm đến năm 2025, phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. 

Cụ thể ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, nhấn mạnh: Chúng ta cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến các vấn đề về tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững, giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất.

Cũng đồng tình với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tôm, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tăng cường nghiên cứu chọn tạo giống, gia hóa theo kế hoạch hợp đồng quốc gia, sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, điều kiện các trại giống phải đảm bảo an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm quy định quản lý chất lượng; xử lý nghiêm việc vận chuyển giống không tuân thủ quy định; hướng dẫn người dân ươm giống lớn trước khi thả vào nuôi…

Trong chuỗi phát triển ngành tôm, hầu hết các chuyên gia và người nông dân quan tâm đầu tiên là chất lượng con giống, đây là khâu quyết định đối với quá trình sinh trưởng của con tôm. TS Thomas, Công ty Neovia Việt Nam (Chuyên sản xuất, cung cấp các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản, tư vấn, hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật nuôi và hợp tác sản xuất con giống với các đối tác nước ngoài) lưu ý: Người nuôi cần chú ý đến khâu chọn giống, nhất là tôm bố mẹ. Khi tôm bố mẹ khỏe sẽ tạo ra con giống khỏe mạnh và phát tiển tốt. Tuy nhiên, quá trình nhân giống đến khi thu hoạch cần một quy trình liên kết chặt chẽ với nhau. Điều này sẽ mang đến giá trị hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người nuôi tôm. Vừa tiết kiệm chi phí, vừa dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, tốc độ sinh trưởng của con tôm…

Trao đổi với phóng viên, lão nông Ngô Quốc Hùng, ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, Đông Hải, Bạc Liêu cho biết: Từ đầu năm đến nay thời tiết cơ bản thuận lợi, năng xuất tôm rất cao bà con trúng lớn. Tuy nhiên giá cả còn bấp bênh. Thời điểm này so với năm rồi giá có nhỉnh hơn chút đỉnh nhưng vẫn thấp so với kỳ vọng của người nông dân. Nhưng cũng phải công nhận hiện người dân vẫn có lời, con tôm nói riêng, ngành tôm nói chung có nhiều tín hiệu đáng mừng. Để phát triển ổn định ngành tôm trong thời gian tới, ngoài ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhà nước cần quan tâm đến giá cả làm sao phải ổn định…

Theo Trung Kiên/Báo Đại Đoàn Kết.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập783
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm782
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại759,788
  • Tổng lượt truy cập93,137,452
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây