Nghị quyết đã đi vào cuộc sống
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh đã vào cuộc bằng quyết tâm và ý chí cách mạng. 100% chi, Đảng bộ tham gia học tập quán triệt nghị quyết, 90% nhân dân biết về nghị quyết. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tỉnh đã bám sát tinh thần chỉ đạo, cụ thể hoá bằng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện quyết liệt và có nhiều đổi mới, sáng tạo, đột phá; vừa tập trung khắc phục những bất cập trong giai đoạn đầu của chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, tìm ra cách làm, hướng đi mới, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân. Đến nay nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều đổi mới; chương trình xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả tích cực mang tính đột phá; đời sống của người nông dân được cải thiện đáng kể.
Chị Lê Thị Oanh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, Hoành Bồ, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, xã Lê Lợi đã phát huy vai trò nòng cốt của đảng viên, huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của mặt trận, các đoàn thể tham gia vận động nhân dân, xây dựng từng mô hình điểm để nhân rộng. Nhờ đó chủ trương của Đảng được triển khai sâu rộng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Nhận thức được vai trò của mình, người dân trên địa bàn xã hào hứng tham gia xây dựng nông thôn mới, hào hứng hiến đất, hiến cây cối để mở đường và tham gia các mô hình kinh tế. Đến nay, Lê Lợi đã cơ bản đạt được các tiêu chí nông thôn mới.
Cụ thể hoá Nghị quyết 01-NQ/TU, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp. Và phong trào đã làm cho tình quân - dân thêm gắn bó, công - nông liên minh thêm bền chặt, thành thị trách nhiệm hơn với nông thôn, làm thay đổi cơ cấu nguồn lực xây dựng nông thôn mới theo hướng nguồn lực ngoài ngân sách là chính. Theo tính toán để làm một con đường, nếu Nhà nước hỗ trợ một phần thì người dân sẽ đóng góp ba phần. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 3 năm toàn tỉnh đã huy động các nguồn vốn đạt trên 23.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là quy định của Trung ương đối với nguồn vốn ngân sách là 40% (tỉnh thực hiện 20,87%); dân đóng góp quy định 10% (tỉnh thực hiện 13,66%); vốn tín dụng quy định 30% (tỉnh thực hiện 65,46%). Đặc biệt, vốn xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương thông qua Quy chế phân bổ hàng năm, dựa trên các tiêu chí cụ thể đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Và những đổi thay vượt bậc
Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Quảng Ninh đã có sự chuyển mình toàn diện. Hệ thống chính trị được củng cố ngày thêm vững mạnh, dân tin Đảng, Đảng gần dân vì vậy nhiều việc lớn của tỉnh người dân nông thôn tham gia rất tích cực. Cán bộ xã, thôn ngày càng trưởng thành. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn ổn định. Công tác quy hoạch được triển khai thực hiện đồng bộ; môi trường vùng nông thôn được quản lý chặt chẽ hơn, đã xuất hiện nhiều mô hình xã hội hoá tham gia công tác bảo vệ môi trường. Người dân phát huy được quyền làm chủ, đảm bảo công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; truyền thống và bản sắc văn hoá của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn.
Đặc biệt, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất mới. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn từng bước được củng cố, nhất là điện, thuỷ lợi, giao thông, y tế, giáo dục, thiết chế văn hoá thôn, xã… Cùng với đó, cơ cấu lao động nông thôn đang chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ, lao động qua đào tạo có trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Hiện tại, giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010; đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, vùng trồng rừng thâm canh, vùng chăn nuôi và vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung gắn với xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Đáng mừng hơn, thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 16,5 triệu đồng năm 2013, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống 2,52%. Toàn tỉnh có 3 xã đạt thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng/năm; có 26 xã đạt thu nhập bình quân từ 20 đến dưới 30 triệu đồng/năm; có 41 xã đạt thu nhập bình quân từ 15 đến dưới 20 triệu đồng/năm; 55 xã thu nhập dưới 15 triệu đồng/năm.
Đồng chí Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã có 34 xã cơ bản đạt nông thôn mới; dự kiến năm 2014 có thêm 36 xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Và để đạt được điều này, hơn bao giờ hết cần sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân để các xã có thể “cán đích” nông thôn mới.
Bảo Bình
theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;