Học tập đạo đức HCM

Người bị nho "ám ảnh"

Thứ năm - 29/10/2015 06:08
Dân trồng nho ở Ninh Thuận hay nhắc đến cái tên “Sáu Lang nho giống”. Lão nông này tên thật là Nguyễn Thường Lang (ngụ khu phố 2, phường Mỹ Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận), được xem là người đầu tiên đưa giống nho ghép về địa phương hơn 15 năm trước.

Lão nông mê nho

Người dân chỉ đường về cánh đồng chuyên canh nho tại phường Mỹ Hải. Để đến trại ươm nho giống Sáu Lang, chúng tôi phải chạy trên con đường đất ngoằn ngoèo khá dài. Khi chúng tôi đến nơi, ông Lang đang hì hục dùng vòi tưới những vạt cây giống xanh tốt. Nói đến cây nho, người đàn ông này cởi mở trong từng lời nói, cử chỉ.

“Tôi như bị ám ảnh bởi cây nho!”, ông nói. Vung cánh tay chỉ về những giàn nho trong khu trại, ông kể về cái “nghiệp” gắn vào đời mình. Theo bố mẹ rời Bình Định vào làm kinh tế mới ở Ninh Thuận lúc tóc còn để chỏm, gia đình ngày qua ngày lam lũ bên cánh đồng, triền rẫy. Tuổi trưởng thành, ông có một khoảng thời gian ngắn công tác trong cửa hàng thương nghiệp. Nhưng cuộc sống bộn bề, thiếu trước hụt sau, không đủ lực duy trì công việc, ông đành quay về với “con trâu, cái cày”.

Ông Sáu Lang tại trại ươm giống nho.

“Tôi không trồng lúa nữa mà đưa vợ con về xóm nho Mỹ Hải mày mò trồng trọt. Khi đó, nơi đây chỉ trồng duy nhất giống nho đỏ, loại trái nhỏ, năng suất và chất lượng thấp. Rồi những năm 1997, 1998, thiên tai xảy ra liên tiếp. Năm trước siêu nắng hạn, năm sau lại mưa dầm dề. Sau đợt ấy, người trồng nho điêu đứng bởi con sâu xanh da trơn. Nho bị chặt bỏ hàng loạt, toàn tỉnh chỉ giữ lại được khoảng 50ha. Tôi cũng không giữ được vườn nho của mình”, Sáu Lang cho biết.

Nghe người quen hướng dẫn, ông Lang tìm vào Cần Thơ học hỏi kỹ thuật trồng chanh. Về nhà ông dốc vốn trồng 6 sào. Ngày thu hoạch, ông trúng đậm vì chanh có giá, năng suất cao. Thấy ông “phất” lên nhờ cây chanh nên dân trong vùng gọi ông là “Sáu chanh”. Nghĩ rằng bản thân sẽ gắn bó với cây chanh lâu dài, nhưng trong một lần tình cờ, ông biết rằng, đam mê cây nho chưa bao giờ hết trong ông.

Cuối năm 1999, một tổ chức phi chính phủ của Đức về huyện Tuy Phong (Bình Thuận) phối hợp với Trung tâm Nho giống Vĩnh Hảo (nay đã giải thể) tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật về giống nho ghép cho nông dân. Lần đó, đang ở nhà người thân chơi, nghe thông tin, ông cũng lân la tới tham dự “cho vui”.

Từ hội thảo, ông Lang ấn tượng về giống nho dại Couderc gốc Đức dùng làm nền giống ghép được các chuyên gia giới thiệu. Trong giây lát, ông có một quyết định táo bạo, đăng ký mua giống nho dại trên về trồng thử nghiệm. Ông trồng giống nho “ngoại lai” trên 6 sào đất. Không thu trái, ông quyết định trồng để hướng sang ghép, tạo cây con bán giống.

“Giống nho mới quá, tôi ươm giống ra ròng rã bốn năm phải bỏ vì không ai trong vùng dám trồng. Người ta không trồng thì tôi trồng, vụ đầu tôi trồng ba sào để thu trái. Năng suất của giống nho ghép cao gấp 3 lần giống nho đỏ địa phương. Xưa giờ bà con mình trồng nho theo cách lựa các cành tốt của vụ trước để cắm cành trực tiếp cho vụ sau. Còn nho ghép, dùng phương pháp ghép cành trên thân cây nho dại, giúp cây có sức đề kháng tốt, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn nhiều”, ông chia sẻ.

Tự mở “hội thảo” giới thiệu giống nho ghép

Bản thân đã tự đánh giá về lợi thế của giống nho ghép nhưng người dân địa phương vẫn chưa tin dùng vì sợ rủi ro. Vậy là năm 2003, ông mạnh dạn đánh giấy mời, đi khắp các khu vực chuyên canh nho trong tỉnh “rủ rê” bà con tham gia “hội thảo nho giống” do mình tổ chức.

Ngày “hội thảo” diễn ra, ông thấp thỏm khi thấy lác đác người đến dự. Rồi ông cũng hài lòng, khi số người dân về dự lên đến tám chục. Trước đó, ông đã liên hệ với Trung tâm Nho giống Vĩnh Hảo, xin tài liệu và nhờ hỗ trợ cán bộ kỹ thuật cho buổi hội thảo, mọi chi phí ông đều bỏ tiền túi.

Ông Lang cười: “Đó là hội thảo nhiều thứ “không”. Không máy chiếu, màn hình; không hội trường, bàn ghế; không chuyên gia đầu ngành gì hết thảy. Tôi kéo tất cả ra mấy sào nho ghép, lấy vườn nho nhà mình làm thực tế, cho bà con ngồi tứ tung trên bờ ruộng, dưới giàn rồi nghe cán bộ trung tâm chia sẻ về kỹ thuật cấy ghép”.

Ông Sáu Lang được công nhận là “Doanh nhân bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo”.

Sau “hội thảo”, ông thấy bà con có quan tâm nhưng vẫn còn dè dặt. Vì vậy, ông mạnh dạn hỗ trợ bà con về giống và phân bón khi trồng giống nho ghép. Nếu trồng không có kết quả, ông chấp nhận mất trắng số tiền hỗ trợ. Được ông “bảo trợ”, bà con bắt đầu đặt giống nho ghép và canh tác thử trên các cánh đồng.

“Ban đầu, bà con vẫn chưa quen với kỹ thuật nên hiệu quả thu lại không cao. Những lúc nho gần đậu trái, trước thu hoạch bà con sẽ bón phân đạm, nhưng nho ghép thì ngược lại, chỉ bón phân lúc thúc cây tăng trưởng, khi cây bắt đầu đậu trái mà bón phân là hỏng hết”, Sáu Lang chia sẻ.

Ông Lang cho biết, kỹ thuật ghép giống Couderc và giống IAC (nguồn gốc từ Brazil) bằng phương pháp ghép mắt hoặc ghép nêm cành, các cành nho dại được ươm trong bầu đất, sau đó ghép giống nho đỏ hoặc xanh lên cành nền. Tỷ lệ sống cao đến hơn 90%.

Thấy bà con chưa rành giống mới, ông lặn lội khắp nơi để hướng dẫn kỹ thuật chi tiết. Hiệu quả của giống nho ghép bắt đầu rõ nét hơn. Người trồng nho tự tìm đến ông để mua giống, học hỏi kỹ thuật. Theo Sáu Lang, đến nay hầu như người trồng nho nào cũng đều canh tác giống nho ghép trên thân nho dại.

Năm 2009, ông Lang thành lập Doanh nghiệp Sáu Lang, chuyên cung ứng giống nho. Hiện nay, ông đầu tư hơn 1 tỉ đồng để nâng cấp 2 trại ươm giống của mình mà theo ông là để tạo giống nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Trại ươm của Sáu Lang có đầy đủ hệ thống nhà lưới, hệ thống phun sương, cơ chế điều chỉnh nhiệt độ, thiết bị lọc nước. Trước kia, để tránh sâu bệnh trước khi vào bầu ươm, cành nho phải ngâm vào nước pha thuốc bảo vệ thực vật. Còn hiện tại, ông chỉ ngâm cành nho vào nước tuyệt đối sạch, đã được xử lý tạp chất bằng hệ thống lọc. Giống nho ươm được chăm sóc trong nhà lưới để tránh sâu bệnh xâm nhập, thời tiết thất thường.

“Hiện tại tôi đang chờ đăng ký VietGAP về giống nho sạch. Cán bộ nông nghiệp cũng đang tìm hiểu vì trước giờ tiêu chuẩn áp dụng cho quy trình trồng, chưa áp dụng cho việc tạo giống”, ông Lang cho hay.

Hàng năm 2 trại ươm của ông thu lời trên 2 tỉ đồng, hơn 400 lao động ở địa phương được tạo công ăn việc làm. Năm 2014, Sáu Lang được Liên hiệp Khoa học - Doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bầu chọn là “Doanh nhân bản lĩnh, trí tuệ và sáng tạo”. Thương hiệu “nho giống Sáu Lang” đã được ông đăng ký quyền sở hữu.

 “Năm 2013, một doanh nhân từ Campuchia mời tôi qua để giúp ông ấy làm vườn nho 30ha. Tôi cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, đánh giá dự án dùm người ta. Ông ta đồng ý ký hợp đồng để tôi cung cấp giống và chuyển giao kĩ thuật. Hiện nay, tình trạng ươm giống không đúng kỹ thuật, nguồn gốc giống không rõ ràng vẫn còn diễn ra khiến nhiều bà con thất bát. Nhưng tôi vẫn kinh doanh được vì mình uy tín và sẵn sàng chỉ cho bà con kỹ thuật. Hiện tôi đang cùng địa phương phát triển một dự án thí điểm về trồng nho sẽ trình làng trong thời gian sắp tới”, ông Lang tự tin khoe.

Cao Tuấn - Đoàn Minh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập260
  • Hôm nay53,374
  • Tháng hiện tại828,652
  • Tổng lượt truy cập92,002,381
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây