Học tập đạo đức HCM

Người sở hữu nhiều máy nông nghiệp nhất Khánh Hòa, kiếm tiền tỷ/năm

Thứ ba - 29/08/2017 03:17
Thường xuyên học hỏi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên những công việc đồng áng của ông Dẵng luôn đạt hiệu quả cao. Chỉ đi cày ruộng, gặt lúa thuê, mỗi năm ông thu lãi cả tỷ đồng.

Người đam mê máy móc

Nếu có người nông dân sở hữu nhiều máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nhất ở Khánh Hòa thì chắc là ông Nguyễn Dẵng ở thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh. Hiện ông đang sở hữu 4 chiếc máy gặt đập liên hợp, 3 máy cày đại, 6 máy cày tiểu tổng trị giá hơn 3 tỷ. Ngoài ra, ông còn có 2 kho máy, một xưởng sửa chữa. Tất cả khối tài sản này mang lại cho ông thu nhập đều đặn gần 1 tỷ đồng/năm.

17-08-09_1
Ông Dẵng thường xuyên kiểm tra máy móc để hoạt động có hiệu quả nhất

Trước khi có được những thành quả trên thì ông Dẵng cũng chỉ là một người nông dân nghèo khó, quanh năm “chân lấm tay bùn”. Vậy mà chỉ có một chút hiểu biết về máy móc động cơ diesel học ở Đăk Lăk trước những năm 90 cùng với tính cần cù, chịu thương chịu khó mà ông đã xây dựng được một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước.

Nhớ lại những ngày đầu, ông Dẵng kể: “Tôi theo cái nghiệp máy móc nông nghiệp này từ năm 1993. Thời điểm đó, đa số người dân làm ruộng thủ công chứ chưa có máy móc gì. Công việc vất vả nhưng hiệu quả không cao nên tôi mới nghĩ sao không đưa máy móc vào sản xuất. Hơn nữa, tôi cũng có chút tay nghề nên chắc cũng không đến nỗi khó làm lắm”.

Thế rồi, ông bàn bạc với 3 người gom góp hết tiền bạc trong nhà mua một chiếc máy cày về cày thử. Ban đầu, ông chỉ cày cho ruộng nhà và người dân xung quanh. Được một thời gian, thấy việc cày ruộng bấp bênh nên 3 người trước đó góp vốn cùng ông lần lượt rút lui. Không chấp nhận bỏ cuộc, ông gắng theo tới cùng, kiên trì làm ăn tích cóp để mua lại chiếc máy cày đó.

“Là người nông dân nên tôi hiểu tâm lý của bà con. Làm mùa thì quan trọng nhất là kịp thời vụ. Vậy nên tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình trước khi bà con gieo cấy. Cũng may là những lần máy móc bị hỏng tôi có thể chủ động sửa được mà không mất thời gian gọi thợ tới. Thấy tôi làm việc có trách nhiệm nên bà con tin tưởng, công việc ngày một thuận lợi”, ông Dẵng tâm sự.

Cứ như thế, qua từng năm diện tích ruộng được bà con nông dân thuê ông cày ngày một tăng lên. Biết với 1 máy cày không thể làm xuể nên ông quyết định vay vốn để mua thêm 10 chiếc máy cày cỡ nhỏ, 1 máy cày lớn. Đến năm 2008, nhà nước khuyến khích mua máy gặt đập liên hợp ông liền dồn vốn đầu tư 150 triệu đồng để mua 2 máy về sử dụng.

17-08-09_2
Mỗi năm, ông Dẵng lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng

Để tất cả các máy móc đảm bảo hoạt động liên tục, tăng năng suất, ông rủ thêm các nông dân khác, dạy cho họ cách lái máy cày cùng nhau làm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp.
 

Thành công nhờ áp dụng KHKT

Máy móc nhiều lại hoạt động hiệu quả nên uy tín mảng dịch vụ nông nghiệp của ông Dẵng ngày càng lan xa không chỉ trong huyện Vạn Ninh mà còn được các địa phương khác trong tỉnh thậm chí các tỉnh khác biết đến. Năm nào ông cũng được bà con nông dân ở Vạn Ninh, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa), tỉnh Phú Yên, Bình Thuận thuê cày ruộng, gặt lúa.

“Mỗi lần đi các địa phương khác gặt lúa hay cày ruộng, tôi nhận hợp đồng từ 50- 100ha với giá 100- 200 triệu đồng. Đi làm cho các tỉnh thường 1-2 tháng sau mới về nhà. Họ thích mình vì việc sử dụng máy móc không những giảm được chi phí sản xuất mà tôi còn lấy giá rẻ nhất cho bà con.

Tôi luôn tâm niệm là không bao giờ tham lời, chỉ làm sao hỗ trợ được cho người nông dân vừa đủ chi phí duy trì máy móc và có chút lãi là được. Người nông dân cực khổ quanh năm làm ra được hạt gạo nhưng bán cũng có được bao nhiêu đâu. Mình lấy giá cao tội bà con lắm”, ông Dẵng tâm sự.

Cũng theo lời ông Dẵng thì với việc cày ruộng và gặt lúa thuê, mỗi năm gia đình ông thu được khoảng 1,6 tỷ đồng. Trừ tất cả các chi phí, ông lãi ròng từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Dẵng còn góp phần tạo cho 25 lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập từ 6-10 triệu/tháng.

17-08-09_3
Với những gì làm được, ông Dẵng nhận được nhiều bằng khen của các cấp

Ông Dẵng cho biết: “Thu nhập thì có thể nói là cao nhưng không có gì là dễ dàng cả. Nếu mình cứ khư khư đi theo con đường cũ thì công việc chỉ thuận lợi lúc đầu. Xã hội luôn phát triển và có những tiến bộ KHKT mới. Hơn nữa, có những phát minh đúng là hiệu quả nhưng cũng phải biết cách áp dụng phù hợp với thực tế địa phương”.

Hiểu được vấn đề này nên ông thường xuyên cập nhật những tiến bộ mới về máy móc để kịp thời nắm bắt, vận dụng. Đã biết được thì sẽ nắm quyền chủ động và có hướng khắc phục khi gặp sự cố. “Máy móc cũng có tuổi thọ. Lúc đầu hoạt động tốt nhưng về sau thì lão hóa dần đi. Thế nên, người sử dụng phải hiểu để biết máy hư hỏng ở đâu mà sửa hay cải tiến. Đảm bảo dù tuổi thọ máy cao nhưng hạn chế tối thiểu nhất việc tiêu hao nhiêu liệu”, ông Dẵng nói.

Vừa qua, ông Nguyễn Dẵng là một trong những nông dân được Trung ương Hội Nông dân VN bình chọn đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017”. Đây là lần thứ 2 ông nhận được danh hiệu này. Lễ trao tặng diễn ra trong Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” do TƯ Hội Nông dân VN chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo TƯ, Bộ NN - PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức, chào mừng 87 kỷ niệm Ngày thành lập Hội NDVN (14/10/1930 – 14/10/2017)


Theo Lê Khánh/nongnghiep.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập195
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại203,949
  • Tổng lượt truy cập92,581,613
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây