Công trình Trạm Y tế xã Ninh Hải (Ninh Giang) được triển khai thi công Là huyện thuần nông, Ninh Giang gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhưng do lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cùng sự cố gắng, nỗ lực của các xã nên phong trào xây dựng NTM của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Các xã phát huy tốt nội lực Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Hoàng Hanh mới đạt 5 trong tổng số 19 tiêu chí. Tới tháng 6.2017, xã đã đạt chuẩn NTM. Để có kết quả này, Hoàng Hanh đã căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để có những biện pháp thực hiện cụ thể. Ông Lê Đình Dạn, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Hanh cho biết: "Nguồn lực đầu tư của xã trông chờ chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp nên để hoàn thành các tiêu chí NTM, xã đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể. Do đó, các tiêu chí của địa phương đều bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ". Trong 6 năm qua, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của Hoàng Hanh đạt gần 62 tỷ đồng. Trong đó nhân dân đóng góp trên 11 tỷ đồng, hiến 144.000 m2 đất để mở rộng đường giao thông; ngân sách xã đầu tư trên 20,6 tỷ đồng, còn lại là sự hỗ trợ của cấp trên. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 37 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%. Phấn đấu cán đích NTM vào năm 2018, xã Ninh Hải phải hoàn thành thêm 5 tiêu chí, trong đó khó khăn nhất là tiêu chí cơ sở vật chất. Thực hiện tiêu chí này, xã đã quy hoạch các khu dân cư để đấu giá chuyển quyền sử dụng đất. Từ đầu năm đến nay, Ninh Hải đã đấu giá thành công 61 lô đất với tổng trị giá 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã đang thống kê đất dôi dư, xen kẹp để định giá, dự kiến sẽ có thêm 1 tỷ đồng. "Tất cả số tiền này sẽ được đầu tư mở rộng khuôn viên trường học, đường giao thông và xây trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn", ông Phạm Quang Toan, Chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ninh Giang, thời gian gần đây, trong xây dựng NTM, các xã của huyện đã chủ động hơn so với những năm trước. Hầu hết các xã đã có nhiều cố gắng để phát huy tốt nội lực chứ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại như trước đây. Vì vậy, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả cao hơn. Đến tháng 8.2017, Ninh Giang có 14 trong tổng số 27 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia NTM. Bình quân mỗi xã trong huyện đạt 16,7 tiêu chí. So với cuối năm 2016, có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM và tăng thêm bình quân mỗi xã 1 tiêu chí. Xã thấp nhất là Vạn Phúc cũng đạt 12 tiêu chí. Trong năm 2017, huyện đăng ký 5 xã về đích NTM thì đến nay đã có 4 xã được công nhận đạt chuẩn, xã còn lại dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Đây là năm đầu tiên Ninh Giang có số xã đăng ký hoàn thành NTM đã về đích ngay trong năm. Huyện cũng không còn xã nào nằm ở nhóm cuối của tỉnh. Chỉ đạo sâu sát Cuối năm 2016, huyện Ninh Giang đã rà soát, lựa chọn xã tiêu biểu để đăng ký đạt chuẩn NTM. UBND huyện đã tổ chức họp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn tập trung hướng dẫn, tạo điều kiện cho các xã thực hiện các tiêu chí còn thiếu, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các công trình ở địa phương. Do gần đây UBND tỉnh mới ban hành Bộ tiêu chí NTM cấp tỉnh nên ngay từ đầu năm 2017, Ninh Giang chỉ đạo các xã thực hiện theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ phận chuyên môn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các xã thực hiện những điểm mới được bổ sung như chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, an toàn thực phẩm... Do đó, khi đoàn kiểm tra của tỉnh về thẩm định, đánh giá, các tiêu chí này đều bảo đảm, không có chỉ tiêu nào bị thiếu hay chưa thực hiện. Ngoài việc tập trung vào các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, Ninh Giang chú trọng chỉ đạo các xã chưa đạt chuẩn. Huyện yêu cầu mỗi xã trong năm phải hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí, trọng tâm là 5 tiêu chí: giao thông, thủy lợi, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, an ninh quốc phòng. Trước đây, việc thống kê thu nhập của người dân ở một số xã mới tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và đánh giá theo cảm tính. Để thực hiện chính xác tiêu chí này, huyện yêu cầu các xã phải phát phiếu đến từng hộ dân, hướng dẫn họ kê khai hết các nguồn thu nhập của gia đình. Do đó, nhiều địa phương đã tăng thêm được các tiêu chí. Một điểm mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở Ninh Giang là từ năm 2017, mỗi quý UBND huyện tổ chức làm việc với Chủ tịch UBND cấp xã về xây dựng NTM một lần. Qua các cuộc họp này, huyện nắm rõ những khó khăn mới phát sinh để chỉ đạo xử lý kịp thời. "So với những địa phương khác trong tỉnh, xuất phát điểm của Ninh Giang thấp. Trong cơ cấu kinh tế, phần lớn vẫn là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, nguồn thu ít nên huyện không có điều kiện hỗ trợ kinh phí xây dựng NTM cho các xã như một số nơi khác. Vì thế, huyện tập trung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu các xã phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh và có cách làm phù hợp để đạt thêm nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM", ông Bùi Minh Chương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ninh Giang cho biết thêm. Theo Thanh Hà/Hải Dương.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;