Đầu năm 2011, từ hơn 10 triệu đồng tiền hỗ trợ học nghề sau khi xuất ngũ, Ngọc Văn Viên quyết định sang tỉnh Quảng Ninh tìm mua 140 con tắc kè về nuôi. Do thiếu kinh nghiệm nên anh mua phải giống tắc kè miền Nam. Đây là loại có giá trị dược liệu thấp, không phù hợp với khí hậu miền Bắc. Sau hơn ba tháng, toàn bộ số tắc kè này bị xóa sổ do lở miệng, viêm da. Thất bại nhưng chàng trai trẻ không bỏ cuộc, vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình này...
Anh Ngọc Văn Viên (ngoài cùng bên phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc tắc kè cho thanh niên địa phương. Ảnh: Thỏa Xuân.
Để động viên tinh thần khởi nghiệp, Huyện đoàn đã tạo điều kiện cho anh vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Cộng thêm số tiền tích góp được, anh lại xuôi về Nam Định mua con giống mới, học cách xử lý dịch bệnh. Tháng 8-2011, Ngọc Văn Viên bắt tay xây dựng chuồng trại và thả 40 cặp giống tắc kè miền Bắc trên diện tích gần 100 m2. Để tìm hiểu thêm quy trình chăn nuôi, chữa bệnh, Viên mua thêm sách về đọc, liên hệ với những người bạn đang học thú y để hỏi về cách chữa bệnh ở loài vật nuôi này.
Anh Viên là người thuần hóa thành công tắc kè rừng và sở hữu hàng nghìn con tắc kè gai đen quý hiếm. Ảnh: Trần Quang (Danviet.vn).
Cùng đó, anh còn thuần hóa tắc kè hoang. Đến nay, trang trại đang nuôi hơn 5.000 con, gồm tắc kè bố mẹ, giống và thương phẩm. Trung bình mỗi năm, anh bán hơn 1.500 con, thu khoảng 500 triệu đồng. “Hệ thống chuồng nuôi được thiết kế có ánh mặt trời cho tắc kè phơi nắng. Đây là điều kiện cần thiết vì loài động vật này cần có ánh nắng cho quá trình ổn định thân nhiệt và trao đổi chất”, anh Viên cho biết.
Từ thành công của mình, anh đã giúp đỡ, hỗ trợ giống, dạy nghề. hướng dẫn kỹ thuật nuôi tắc kè, kinh nghiệm nuôi tắc kè cho nhiều thanh niên khác. Trong đó có anh Hoàng Văn Vui (30 tuổi), cùng thôn. Bị dị tật chân bẩm sinh, được sự giúp đỡ, hỗ trợ giống của anh Viên, đến nay, Vui đã tự làm giàu cho mình.
Anh Ngọc Văn Viên (trái) hướng dẫn khách mua hàng cách chữa trị bệnh, chăm sóc cho tắc kè. Ảnh: Trần Quang (Danviet.vn).
Được biết, hiện anh Viên đã xây dựng được một số trang trại vệ tinh nuôi tắc kè ở các tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, đồng thời đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ thành lập công ty, đầu tư dây chuyền chế biến cao và rượu tắc kè. Với những nỗ lực, sáng tạo trong phát triển kinh tế, năm 2017, Ngọc Văn Viên được Huyện đoàn tuyên dương công dân trẻ tiêu biểu; Tỉnh đoàn tặng Bằng khen, trao giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong nông nghiệp tỉnh Bắc Giang”.
Đàn tắc kè gai đen thương phẩm được anh Viên thuần hóa, nhân nuôi thành công tại trạng trại của gia đình. Ảnh: Trần Quang (Danviet.vn).
Chị Hoàng Thị Ngân, Bí thư Huyện đoàn nhận xét: “Mô hình của anh Viên là điểm sáng cho thanh niên trong và ngoài huyện đến học tập kinh nghiệm. Tới đây, Huyện đoàn sẽ nhân rộng mô hình này để góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều thanh niên địa phương”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã