Một điển hình về nông thôn mới
Ấn tượng đầu tiên với mỗi ai về thăm xã Đông Phương là chiếc cổng chào lớn dẫn vào con đường mới mở láng trong màu đá áp phan mịn màng, hai bên là hàng cây xanh mát tỏa bóng xuống dòng sông mướt xanh, là “khu đô thị mới” của xã với san sát những ngôi nhà cao tầng bề thế, là các công trình chợ Vàng, sân vận động, trường mầm non, tiểu học, đài tưởng niệm, nhà văn hóa, trụ sở Đảng, chính quyền trong một quy hoạch bài bản và mang dấu ấn văn hóa làng quê đồng bằng Bắc bộ thời đổi mới.
Làng quê như phố tại Đông Phương. |
Tôi đã đi miên man khắp nẻo đường Đông Phương. Một cảm xúc nhẹ nhàng, thoáng đãng, lâng lâng khi chiếc xe con từ thôn Trung về thôn Nam, qua Bình Minh, Đại Phú, Trần Phú, lên thôn Thượng, xuống thôn Đông, đâu đâu đường ngang ngõ dọc cũng vuông vức, rộng rãi, phẳng ngạt màu bê tông. Bí thư Đảng ủy xã Trịnh Công Sơn cùng đi tự hào: “Đường Đông Phương hôm nay ô tô, xe máy cứ thoải mái bon bon ghé từng thôn, xóm”.
Thấp thoáng sau những chiếc ao trong xanh, những mảnh vườn hoa trái sum suê là những ngôi nhà mái bằng 2 tầng, 3 tầng và cả những biệt thự mi-ni thơ mộng. Giữa vùng quê “như phố”, bỗng nhớ lại Đông Phương thời đất nước chìm trong nô lệ, đường sá lầy lội, dân “rách áo, đói cơm”, nhà cửa rặt tranh tre, vách đất.
Xe đang qua cánh đồng Vàng, dọc đường là con sông Vàng trong xanh, lâu lắm tôi mới thấy dòng sông xanh đến thế. Và suốt cuộc hành trình quanh xã, quanh làng tôi nhận ra các dòng sông ở Đông Phương đều sạch, không lềnh bềnh ni lông, rác thải. Không chỉ các dòng sông, mọi nẻo đường ở Đông Phương cũng đều sạch sẽ. Thật không nhiều xã ở nông thôn thực hiện được điều tưởng như đơn giản này.
Trưởng thôn Trung, ông Vũ Viết Hồ phần nào đã lý giải cho tôi cội nguồn tạo nên một Đông Phương thanh sạch. Hóa ra những quy định rất cụ thể, chi tiết và nghiêm khắc về giữ gìn vệ sinh môi trường của xã được phổ biến và quán triệt tới từng người dân, đoàn thể, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh như không được vứt rác ra đường, ra mương máng sông ngòi; không được cho máy tuốt lúa phun rơm rạ ra đường; không được thả rông trâu bò ngoài đường, ra nghĩa địa, phát cho mỗi hộ chăn trâu bò 1 chiếc gầu nếu để phóng uế phải tự thu dọn…; rác được thu gom vào thứ Năm và Chủ nhật; các công trình xây dựng phải đảm bảo vệ sinh, an toàn không được lấn chiếm lòng đường; các gia đình, đoàn thể đều nhận đảm nhiệm những con ngõ, con đường, đoạn sông tự quản… Ai vi phạm sẽ bị phê bình. Từ đó ý thức của người dân được nâng cao rõ rệt.
Có lẽ khâu “nặng ký” nhất trong xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân thì Đông Phương đã đặt được nền móng cơ bản. Cây trồng, vật nuôi được chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá. Lúa giống, lúa chất lượng cao chiếm hơn một nửa và cây màu chiếm 1/4 diện tích. Tốc độ cơ giới hoá rất nhanh, hầu hết diện tích làm đất, thu hoạch bằng máy. Xã đã giành một khu phát triển trang trại gia súc và nuôi trồng thủy sản, một vùng trồng cây xuất khẩu do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư. Đông Phương đã thu hút được 5 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, một nguồn thu chủ lực để nâng cao chất lượng cuộc sống. Hầu hết các hộ gia đình đã có nhà xây, nhà tầng, công trình tự hoại, được dùng nước sạch.
Kinh tế phát triển đã tạo nguồn lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đơn cử trong hàng trăm tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, bên cạnh đầu tư của Nhà nước, thì doanh nghiệp đầu tư 15 tỷ, con em đi xa ủng hộ 2,5 tỷ và nhân dân góp tới 24 tỷ, hiến 20.000 m2 đất và nhiều công trình, tường dậu, cây cối... Một tin vui đặc biệt: đến tháng 10/2016, Đông Phương đã tất toán công nợ xây dựng nông thôn mới. Đây là xã sớm của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này. Hơn thế, xong công nợ Đông Phương đã tiếp tục khai thác nguồn vốn xây dựng công trình trường tiểu học trên 8 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Đông Phương cũng gặt hái những thành tựu nổi bật. Các trường tiểu học và THCS, mầm non đều trong top đầu về chất lượng của huyện, tỷ lệ học sinh đỗ các trường đại học và cao đẳng rất cao. Những năm gần đây, hầu như năm nào Đông Phương cũng có học sinh đạt giải quốc gia. Trạm y tế làm tốt việc khám, cấp thuốc bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người dân. Xã có 300 máy tính đã hoà mạng Intenet, 7/7 thôn, 2.430 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá, 2 chùa và một họ giáo là chùa cảnh, xứ họ đạo 4 gương mẫu. Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể liên tục đạt tiêu chí trong sạch vững mạnh tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thực hiện tốt các chính sách với người có công.
Tình trạng trộm cắp gần như không có. Cờ bạc, tệ nạn ma túy, mại dâm cũng không có đất. Một điều hiếm nữa là, Đông Phương không có hiệu cầm đồ, quán karaoke. Một cuộc sống trật tự, an lành từ trong mỗi gia đình đến toàn xã hội được dựng xây. Mọi người ban ngày lao động, học hành, đêm về yên tâm ngủ ngon.
Cảm nhận được vẻ đẹp và sức sống mới của Đông Phương, đoàn đại biểu nguyên là lãnh đạo tỉnh các thời kỳ, có nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Ngọc Trìu trong lần về thăm đã rất phấn khởi và khẳng định, đây thực sự là mô hình nông thôn mới.
Cội nguồn sức mạnh đoàn kết “vì dân”
Đảng viên Hoàng Văn Vịnh 80 tuổi, thôn Trần Phú - một cựu chiến binh, thương binh thời đánh Mỹ thẳng thắn chia sẻ: “Đảng bộ Đông Phương luôn là hạt nhân khối đoàn kết, nhất trí của các đoàn thể cũng như toàn dân, từ đó tạo sức mạnh tổng hợp. Các nghị quyết của cấp trên cũng như của Đảng bộ đều được thực hiện nghiêm túc từ Đảng bộ đến các chi bộ, đảng viên. Cùng với đoàn kết là minh bạch, nhất là về tài chính. Ở Đông Phương, Nhà nước hỗ trợ nông thôn mới bao nhiêu, nhân dân đóng góp thế nào, xã hội hóa được ngần nào… đều rõ ràng. Mọi hoạt động, chi tiêu, đóng góp đều công khai trên đài truyền thanh xã. Từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay, không có đơn từ khiếu nại về các lĩnh vực: tài chính ngân sách, đất đai, chính sách xã hội… Ở Đông Phương tuyệt nhiên không có tình trạng tham nhũng”.
Còn Chủ tịch UBND xã Đông Phương Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch xã duy nhất của cả vùng đồng bằng sông Hồng được dự Hội nghị các điển hình tiên tiến làm theo lời Bác năm 2017 mở đầu cuộc trao đổi bằng 3 quan điểm trụ cột vững chắc thế chân kiềng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Đảng bộ và chính quyền Đông Phương nhiều năm qua. Quan điểm thứ nhất là vì dân, không vô cảm từ việc nhỏ nhất. Quan điểm thứ hai cũng bắt đầu bằng chữ “dân”, gần dân, tăng cường đối thoại với dân, nâng cao vai trò giám sát của người dân. Quan điểm thứ ba chỉ có 4 từ, nhưng thực sự là điểm nóng không dễ thực hiện đó là “công khai, minh bạch”.
Tinh thần của những quan điểm đó đã được khắc thành những dòng chữ đỏ nổi bật trên đường vào xã: “Tuyên truyền sâu rộng thực sự”, “Dân chủ minh bạch thực sự”, “Giữ vững kỷ cương thực sự”. “Đây là những lời hiệu triệu, những cam kết sắt đá của Đảng, chính quyền xã với dân một cách thực sự và cầu thị”, Chủ tịch Cảnh khẳng định.
Và Đông Phương không chỉ dừng ở quan điểm trong đầu, trên giấy, trên khẩu hiệu, ở miệng nói, mà bằng hàng loạt hành động cụ thể mang lại hiệu ứng xã hội thiết thực. Như việc trong nhiều năm qua, Đông Phương đã thực hiện nghiêm túc tinh thần dân chủ từ cơ sở bằng việc chủ động lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân góp ý lãnh đạo xã; như việc đều đặn hàng năm, lãnh đạo xã tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với cán bộ chủ chốt, ban, ngành, cán bộ hưu trí và lấy ý kiến đóng góp trực tiếp bằng phiếu về sự tín nhiệm của đội ngũ cán bộ thôn, xã; như việc tổ chức đối thoại với đông đảo các tầng lớp nhân dân 7 thôn trong xã; như việc các quy định của xã về vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông… đều được lấy ý kiến bằng phiếu đến từng hộ gia đình trước khi ban hành.
Như việc trước khi vào năm học mới Chủ tịch UBND xã và hiệu trưởng các trường tổ chức họp, đối thoại với phụ huynh học sinh cùng các thầy cô giáo về những vấn đề trọng tâm của năm học và những giải pháp trong lĩnh vực giáo dục, kể cả việc đóng góp đầu năm học; như việc Chủ tịch UBND xã và cán bộ chủ chốt gặp gỡ, đối thoại với đối tượng nhạy cảm ở các lĩnh vực thu gom rác thải, các hộ chăn nuôi nhiều và hộ ở mặt đường liên quan đến an toàn giao thông, những người hoạt động đèn soi bắt cá ban đêm; như việc gặp mặt các thầy cúng và người hành nghề ở lĩnh vực tâm linh, giao lưu với các chức sắc tôn giáo, linh mục, nhà sư, tín đồ theo đạo…
Tất cả các cuộc gặp gỡ, đối thoại đều được tuyên truyền trực tiếp qua đài truyền thanh của xã tới toàn thể nhân dân.
“Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng Đông Phương vẫn chưa bằng lòng, chưa dừng lại, mà tiếp tục phấn đấu trở thành xã nông thôn mới điển hình”, Chủ tịch Phạm Xuân Cảnh thổ lộ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Phương.
Và tôi bỗng nhận ra phép màu nhiệm đưa Đông Phương vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của một xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện Đông Hưng, vươn lên trở thành một xã dẫn đầu toàn diện trong xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội chính là sức mạnh đoàn kết “vì dân” của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể ở Đông Phương. Phép nhiệm màu ấy cùng với khát vọng lớn đã và đang mở ra một tương lai tươi sáng, một Đông Phương Nông thôn mới xanh, sạch đẹp, nền nếp, văn minh, bền vững và ngày càng giàu mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;