Học tập đạo đức HCM

Sản xuất vụ Đông 2017: Ngô là cây chủ lực

Thứ sáu - 29/09/2017 18:57
Diễn biến thời tiết bất thường, quy mô sản xuất manh mún, thiếu hụt nguồn nhân lực đang là những nguyên nhân khiến sản xuất vụ Đông ở Đồng bằng sông Hồng mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để giảm áp lực về công lao động, đồng thời mở rộng sản xuất theo chuỗi là những giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện để vụ Đông tiếp tục là vụ sản xuất chính trong năm.

Ngô được xác định là cây trồng chủ lực trong vụ Đông 2017.

Diện tích tiếp tục giảm

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2016 đạt 400.000ha, giảm 7.000ha so với vụ Đông năm 2015 và giảm 20.000ha so với kế hoạch. Trong đó, hầu hết diện tích các loại cây vụ Đông như: ngô, lạc, đậu tương, khoai tây đều giảm.

Tuy diện tích giảm nhưng sản lượng các loại cây trồng vụ Đông 2016 lại tăng khoảng 500.000 tấn so với vụ Đông 2015, đạt 4,3 triệu tấn; tổng giá trị đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 2.700 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận là, đã có nhiều mô hình, tiến bộ kỹ thuật được nông dân áp dụng hiệu quả vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: trồng khoai tây, đậu tương, ngô bằng phương pháp làm đất tối thiểu; kỹ thuật rẽ lúa đặt bầu trồng bí, dưa; kỹ thuật che phủ nylon trong trồng bí, dưa, lạc, giúp giữ ấm cho đất, cây mọc đều, hạn chế cỏ dại. Nhiều mô hình sản xuất do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và lực lượng khuyến nông các địa phương triển khai cho hiệu quả kinh tế khả quan.

Điển hình như mô hình sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Vĩnh Phúc triển khai thực hiện với quy mô 1.025ha, trong đó cây bí đỏ 564ha, dưa chuột 132ha, cà chua 35ha, ớt 109ha, khoai tây 185ha. Năng suất đạt khá cao: bí đỏ 127,5 tạ/ha, khoai tây 148,9 tạ/ha, dưa chuột 268,3 tạ/ha; hiệu quả kinh tế từ 30,3-86,8 triệu đồng/ha (tùy loại cây trồng).

Tại Quảng Ninh, mô hình trồng khoai tây được triển khai tại xã Bình Khê (thị xã Đông Triều) với quy mô 4ha, 57 hộ tham gia, sử dụng giống khoai tây Solara. Kết quả, năng suất trung bình đạt 18 tấn/ha, giá bán thời điểm cuối năm 2016 đạt 8.000 đồng/kg, thu nhập bình quân 144 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 48 triệu đồng/ha. Hay mô hình trồng ngô sinh khối với sự hỗ trợ của doanh nghiệp được triển khai tại Đầm Hà và Tiên Yên cũng cho kết quả khả quan. Với quy mô 10ha, mô hình cho thu nhập 40,3 triệu đồng/ha/vụ, gấp đôi trồng lúa,  trừ chi phí, lợi nhuận bình quân 6,5-7 triệu đồng/ha. Điều quan trọng là, mô hình đã xây dựng và hình thành mối liên kết theo chuỗi trên cơ sở tham gia của các bên: nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp tổ chức thu mua, cơ quan quản lý.  

Mô hình sản xuất nông sản an toàn liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại xã Hùng Tiến (Vĩnh Bảo - Hải Phòng) đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật như: thời vụ, giống, phân bón, vòm che thấp nên hiệu quả sản xuất từ mô hình cao hơn so với chính vụ từ 2 - 3 lần. Về hiệu quả kinh tế, su hào đạt năng suất 16,8 tạ/ha, lãi thuần 33,4 triệu đồng/ha; bắp cải trái tim năng suất 21,4 tấn/ha, lãi thuần 77,8 triệu đồng/ha; cà chua năng suất 42 tấn/ha, lợi nhuận 89,1 triệu đồng/ha...

Tuy nhiên, ông Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng Phòng Cây lương thực - Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt), thừa nhận, mấy năm trở lại đây, sản xuất vụ Đông gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết bất thường và cực đoan; quy mô ruộng đất manh mún gây khó khăn trong việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; việc cơ giới hóa trong sản xuất còn thấp, hiệu quả một số cây trồng chưa cao, chưa đủ sức hấp dẫn với nông dân; tình trạng thiếu hụt lao động đã cản trở sản xuất. Tổ chức sản xuất theo chuỗi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa tốt. Sản phẩm vụ Đông tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, cho đến nay, hình thức tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng bao tiêu vẫn còn hạn chế và thiếu ổn định.

Xác định rõ cơ cấu giống, thời vụ

Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xác định vụ Đông là vụ sản xuất đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành cho năm tiếp theo, vì vậy, cần xác định rõ đối tượng, cơ cấu giống, cần tập trung mở rộng diện tích cũng như các biện pháp kỹ thuật phù hợp để áp dụng. Theo đó, nhóm cây chủ lực sẽ là: ngô, đậu tương, khoai lang, khoai tây, rau đậu các loại; trong đó, ngô phải được xem là cây chủ lực trong cả vụ Đông, phục vụ mục tiêu lấy hạt và sản xuất sinh khối cho đại gia súc.

Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa các nhóm cây khác trong vụ Đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: dưa chuột bao tử, ớt, bí xanh, bí ngô, khoai tây chế biến và các loại nấm ăn, nấm dược liệu...

Theo ông Đinh Công Chính, trên cơ sở nhận định tình hình khí tượng thủy văn và dung tích trữ các hồ chứa hiện tại, trong vụ Đông 2017, nguồn nước tưới sẽ đảm bảo. Tuy nhiên, cần tập trung đề phòng bão và mưa lũ xảy ra ở đầu vụ sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nhóm cây vụ Đông ưa ấm. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ giá vật tư đầu vào, quy mô, phương thức sản xuất, hợp tác sản xuất theo chuỗi.

“Trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt sẽ hướng dẫn và kiểm tra thời vụ gieo trồng, đôn đốc việc tổ chức kiểm tra chất lượng giống, vật tư sản xuất, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kinh doanh giống, các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia bám sát diễn biến của thời tiết để có  biện pháp chỉ đạo kịp thời về tình hình nguồn nước tưới và tiêu nước cho cây trồng vụ Đông”, ông Chính nói.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất một số cây trồng vụ Đông do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Vĩnh Phúc, nhiều chuyên gia khuyến cáo bà con có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất như: Thực hiện tốt kỹ thuật làm đất tối thiểu, không làm đất đối với diện tích trên đất 2 lúa, tranh thủ thời vụ cần rẽ lúa đặt bầu, hoàn thiện luống sau, chú ý tạo rãnh thoát xung quanh và bề mặt ruộng đề phòng mưa úng.

Về thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống: Với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước ngày 10/10; nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10; riêng với cây khoai tây, tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.

Riêng với cây ngô, trà sớm đã hoàn thành trước 20/9 trên các chân đất chuyên màu, đất 2 lúa; trà trung gieo trước 30/9 trên chân đất 2 lúa; trà muộn gieo trước 5/10. Đối với ngô nếp, ngô đường, ngô rau, thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi là chính nên thời vụ gieo trồng có thể muộn hơn, đến 15-20/10, để tận dụng tối đa diện tích và thời vụ để gieo trồng.

Trên đất 2 lúa cần áp dụng làm ngô bầu, chăm sóc tốt bầu ngô trước khi đặt bầu; ở những vùng chủ động tưới, tiêu hoặc đối với ngô nếp, ngô đường trồng muộn hơn cần áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu, kỹ thuật gieo thẳng hoặc đặt bầu xuống gốc rạ; tăng mật độ: 6-7 vạn cây/ha đối với đất màu và 5-6 vạn cây/ha đối với đất 2 lúa; bón phân sớm, đủ lượng và cân đối.

Theo ông Đặng Ngọc Hạ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, hiện nay có nhiều giống ngô lai ngắn và trung ngày, các giống ngô thực phẩm (ngô nếp, ngô đường, ngô rau) rất thích hợp cho vụ Đông như: Ngô lai đơn LVN885, GS9989, VN5885, TC14-1, LVN092, LVN23,... Ngô vụ Đông chủ yếu gặp các sâu hại chủ yếu như rệp, sâu xám; khi ngô mới trồng thường bị sâu xám gây hại, khi ngô trổ cờ phun râu thường hay bị rệp cờ. Do đó, cần chủ động đề phòng, phun trừ kịp thời theo sự hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật.

Cây đậu tương kết thúc gieo trước ngày 5/10, trong sản xuất đậu tương Đông trên đất 2 lúa, cần triệt để thực hiện theo phương châm: Gặt đến đâu trồng đậu tương đến đó; trồng càng sớm năng suất càng cao. Áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu, gieo thẳng, gieo bằng máy, gieo vào gốc rạ, làm rãnh thoát nước đối với trồng đậu tương Đông trên đất 2 lúa.

TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khẳng định: Để vụ Đông 2017 đạt được kết quả tốt, Trung tâm sẽ tiếp tục tổng kết những mô hình sản xuất vụ Đông giỏi, các tiến bộ kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao để tổ chức thông tin tuyên truyền và nhân rộng; tăng cường công tác tập huấn, tổ chức các diễn đàn về cây mới cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với sản xuất vụ Đông để nông dân có cơ hội tiếp cận và mở rộng diện tích gieo trồng.

 

Vụ Đông 2017, các tỉnh phía Bắc phấn đấu đạt diện tích theo kế hoạch 410.000ha, tăng 10.000ha so với vụ Đông 2016; sản lượng 4,8 triệu tấn (tăng 290.000 tấn); tổng giá trị sản xuất phấn đấu đạt 26.000-28.000 tỷ đồng; trung bình giá trị sản xuất đạt 65-70 triệu đồng/ha.

Theo Khánh Nguyên/Báo KTNT.vn
 Tags: sản xuất

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập174
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm173
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại853,931
  • Tổng lượt truy cập93,231,595
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây