Từ chính sách tới thực tiễn
Theo ý kiến nhiều chuyên gia cũng như các doanh nghiệp lớn có ý định đầu tư vào nông nghiệp, thì điều cần nhất hiện nay cho đầu tư và phát triển nông nghiệp là một khuôn khổ pháp lý, đầy đủ và đồng bộ. Nói cách khác là phải có một bộ luật riêng giành cho đầu tư và phát triển nông nghiệp, không để việc đầu tư và phát triển nông nghiệp bị nhiều bộ luật khác chi phối, điều chỉnh, chồng chéo.
Nói như ông Đàm Quang Thắng- tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam thì “Chúng tôi có thể tự ký kết được hợp đồng, nhưng chúng tôi cần tự tin về cơ chế tài chính và thông tin thị trường. Chúng tôi đang phải mày mò, nên vừa thiếu vừa rủi ro, chi phí lớn”.
Diễn đàn chuyên đề Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt mới diễn ra cho thấy sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Nhưng đồng thời cũng là những vướng mắc được nêu lên hy vọng sớm được dỡ bỏ, trong đó có việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản.
Theo TS Đặng Kim Sơn- nguyên viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, thì “cơ hội thị trường”là rất quan trọng, trong đó không thể bỏ qua vai trò của thị trường nội địa với thay đổi kết cấu bữa ăn người Việt. Với thị trường thế giới, ông Sơn lưu ý 7 tỷ người sẽ tăng thành 9 tỷ người, nhu cầu ngũ cốc, sữa, rau quả thịt đều tăng mạnh. Đây cũng sẽ là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam.
Đối với bà Nguyễn Thị Thành Thực- người có hơn 20 năm buôn bán với Trung Quốc. Bà Thực nói rằng, muốn bán hàng thì hãy đến chợ, nhưng chợ lớn nhất là Trung Quốc thì chúng ta không có gian hàng nào, vẫn chủ yếu chờ thương lái Trung Quốc đến mua. Theo bà Thực, cùng với những chính sách vĩ mô thì cần học hỏi trong thực tế. Với lực lượng thương lái, bà Thực cho rằng họ rất nhanh nhạy, nếu tận dụng được lực lượng này nông nghiệp sẽ có thêm được phần giá trị gia tăng.
Thiếu vốn cho nông nghiệp
Thời gian qua, cùng với nhiều vướng mắc khi đầu tư vào nông nghiệp, để nông nghiệp “cất cánh”, thì việc nguồn vốn eo hẹp được coi là trở ngại chính. Thực tế cho thấy, cũng chi do thiếu tiền mà nhiều hợp tác xã không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn rơi vào nguy cơ phá sản. Điều đó còn khó hơn đối với những hợp tác xã muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam), mới chỉ khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở. Lý do khiến các HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay là do họ không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng.
Đó là phía HTX, còn từ người nông dân, việc vay vốn ngân hàng của họ để phát triển kinh tế gia đình còn khó khăn hơn. Một bộ phận nông dân vay được vốn ngân hàng là hộ chính sách, hộ nghèo, vay tiền để thoát nghèo, còn thì vay để đầu tư “làm ăn lớn” thì hầu như không. Vì rằng họ không thể đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe từ phía ngân hàng, trong đó có việc lâu thu hồi vốn do đặc trưng của sản xuất nông nghiệp.
Còn với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cho dù có sự ưu đãi từ Chính phủ nhưng khối này vẫn khá dè dặt, vì 2 nguyên nhân chính: việc tích tụ ruộng đất để có được diện tích lớn đủ để phát triển vẫn chưa thông suốt về mặt pháp lý. Và hai là, thời gian thu hồi vốn chậm, trong khi nhiều mặt hàng nông sản thời gian bảo quản không được lâu, dễ hỏng.
Để đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2020, Việt Nam có 15 nghìn HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, HTX hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị, nhiều ý kiến cho rằng phải đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhưng tái cơ cấu theo hướng nào thì đến nay vẫn chưa đưa ra được “mẫu số chung” để áp dụng trên diện rộng, đại trà. Một thực tế cho thấy, những tỉnh “thuần nông” thì lại “không nuôi nổi mình”, chỉ 16 địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương, còn lại thì đều nhận trợ cấp. Tây Nam Bộ nổi tiếng là vựa lúa, dự toán trong năm 2018, ngân sách Trung ương trợ cấp cho khu vực này thêm gần 36.737 tỷ đồng.
Không phủ nhận thành tựu vượt trội của nông nghiệp nông nghiệp thời gian qua, từng giúp đất nước thoát khỏi đói nghèo và đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong những cuộc khủng hoảng, nhưng mặt khác cũng cần nhận rõ những vướng mắc trong quá trình phát triển một nền nông nghiệp xanh, giá trị hàng hóa lớn.
Theo Đỗ Quang/Báo Đại Đoàn Kết.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;