Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Quảng Ninh, hiện trên địa bàn có 31 chi nhánh tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Trong hơn 3 năm qua, các ngân hàng đã giải quyết cho 182.944 lượt khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng doanh số cho vay trên 19.035 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay của ngân hàng thương mại chiếm 94,4%. Tổng dư nợ cho vay tính đến đến hết năm 2013 tăng 51,2% so với thời điểm 30-6-2010. Hiện vay vốn khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng 10,1% so với tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Nguồn vốn khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt vốn phát triển sản xuất nông nghiệp hiện tập trung chính ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Phân loại sứa tại xã Thanh Lân (Cô Tô). |
Đáng chú ý, nguồn vốn đổ về các địa bàn xây dựng NTM hiện đang có mức tăng trưởng rất tốt. Ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: “Một trong những điều kiện để nguồn vốn tín dụng ngân hàng tập trung nhiều hơn cho NTM chính là việc các địa bàn đã bước đầu hình thành được các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế như: Vùng lúa Đông Triều 5.500ha, Quảng Yên 5.000ha; vùng rau, hoa Quảng Yên 400ha, Hạ Long 50ha; vùng chè Hải Hà 1.000ha, Đầm Hà 100ha… Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 9 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Các mô hình sản xuất tập trung này mang lại hiệu quả hơn hẳn các mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thiếu tính quy hoạch trước đây. Vì vậy ngân hàng cũng dễ thẩm định và cho vay vốn hơn”. Dẫn chứng điều này, lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT cho biết, tỷ lệ vay vốn khu vực nông nghiệp nông thôn của ngân hàng qua các năm đều có tăng trưởng tích cực. Tăng trưởng tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn đã tăng 35-40% so với năm 2011. Đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 41-CP đạt từ 2.500-2.600 tỷ đồng, nợ xấu dưới 3%. Trong đó tỷ lệ các hộ vay vốn SXKD tại các địa bàn NTM cũng tăng trưởng khá. Các hộ đã có dự án phát triển sản xuất tốt, khả thi và sớm trả nợ cho ngân hàng.
Mặc dù nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển SXKD tại các địa bàn NTM đã có mức tăng trưởng, tuy nhiên, nếu so với tỷ trọng tổng dư nợ thì tương đối thấp. Theo thống kê, tính từ năm 2011 đến nay tổng số vốn tín dụng dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. So với tổng dư nợ trên toàn tỉnh khoảng 65.900 tỷ đồng thì số dư nợ thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn khá khiêm tốn. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc NHNN Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: “Để đẩy nhanh vốn tín dụng về các khu vực nông nghiệp, nông thôn, làm trợ lực để các địa bàn này tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng NTM, thời gian qua, khối các ngân hàng trên địa bàn đã tích cực tham gia vào các hoạt động tháo gỡ khó khăn để tiếp tục khơi thông vốn về địa bàn nông thôn. Trong tháng 4, NHNN sẽ tham gia cùng với Hội Nông dân tỉnh để tìm giải pháp đẩy nhanh nguồn vốn đối với các hộ sản xuất quy mô trang trại”.
Ngoài nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng trên địa bàn, trong định hướng phát triển của các khu vực đang xây dựng NTM năm 2014 và những năm tiếp sau, tỉnh cũng đã chỉ đạo: Các địa phương, đơn vị phải chủ động phát huy sáng tạo để tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhằm thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Huy động tối đa nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, phát triển DN nông thôn. Song song với đó cần phải nghiên cứu, triển khai các giải pháp giảm dần đầu tư từ ngân sách nhưng giữ nguyên mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM thông qua việc huy động nguồn lực từ các chương trình tín dụng DN, các tổ chức, cá nhân và từ các chương trình lồng ghép khác.
Hồng Nhung
theo baoquangninh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã