Học tập đạo đức HCM

Thăm vườn rau số 1 tiên phong về quy mô công nghệ cao ở Thái Nguyên

Thứ ba - 01/05/2018 03:59
Chắc chắn, trang trại sản xuất nông nghiệp sạch Thái Nguyên (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) đang là trang trại hiện đại và có quy mô bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên.

Vì mới thành lập và chưa hoàn thiện toàn bộ nên ông chủ chỉ khiêm tốn gọi dự án của mình là vườn rau. Nhưng đó là vườn rau số một, vườn rau “khủng”.  

Hướng đi bất ngờ

Đang là chủ của doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc với những gara lớn, uy tín tại Thái Nguyên và Bắc Kạn, năm 2015, ông Hồng Sỹ Hưng bất ngờ đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp.

08-36-31_1
Ông Hồng Sỹ Hưng trong vườn cà chua của trang trại

Nguồn cơn được anh chia sẻ, ý tưởng đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp sạch ban đầu chỉ xuất phát từ việc công nhân của doanh nghiệp 2 lần bị ngộ độc do ăn phải thức ăn không đảm bảo ATTP.

Sức nóng của vấn đề ATTP cùng với chính sách ưu đãi khi đầu tư, xây dựng trang trại nông nghiệp sạch đã hối thúc doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện dự án.

Lúc đầu, nhiều người còn hoài nghi tính xác thực của dự án bởi một doanh nghiệp chuyên về kỹ thuật máy móc lại chuyển sang làm nông nghiệp chắc mục đích chỉ là tích tụ đất đai. Dự án được phê duyệt, doanh nghiệp đổ hàng chục tỷ đồng vào bồi thường, giải phóng mặt bằng, có người vẫn lo là doanh nghiệp rửa tiền.

Qua hơn 2 năm đầu tư, xây dựng, cả một vùng tư liệu rộng lớn, "xôi đỗ" trước đây được biến thành những vườn rau xanh mướt, những nhà lưới hiện đại, ao hồ vuông vức, đường đi lối lại ngăn nắp, chỉnh trang.

Giám đốc trang trại giãi bày, bước vào tuổi ngũ thập, mình làm là để lấy cái để đời, làm cho tương lai chứ chưa phải làm vì mục tiêu mưu sinh hay lợi nhuận. Nếu dự án hoàn thiện thì rau sạch cung cấp cho cả thành phố Thái Nguyên sẽ được đảm bảo...  

Trang trại "5 không"

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải cập nhật các kỹ thuật mới nên trang trại đã thu hút 20 người là thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp, các sinh viên nông lâm đã hoàn thành chương trình học tập tại những nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới vào làm việc để đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Gần 5ha nhà màng để sản xuất rau của trang trại được xây dựng hệ thống tự động hóa. Tự động che nắng, che mưa, thông gió. Đặc biệt, trang trại đã ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất như công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel. Đây là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào rễ cây dưới dạng các giọt nước nhỏ chảy ra chậm với lưu lượng không đổi, giúp tiết kiệm 30 - 60% lượng nước và phân bón thông thường.

Cây được tưới bằng nguồn nước sạch, thậm chí có thể uống trực tiếp. Cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt là hệ thống tưới phun mưa tự động. Cả 2 hệ thống nói trên chỉ cần một người quản lý, vận hành.

Từ hạ tầng đồng bộ, việc sản xuất rau được trang trại áp dụng theo một quy trình nghiêm ngặt. Anh Hồng Sỹ Hưng cho biết, quy trình đó được các chuyên gia của Nhật Bản hướng dẫn, kiểm tra. Nôm na có thể hiểu là quy trình "5 không": Không sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không sử dụng cây trồng biến đổi gen, không thuốc kích thích tăng trưởng và không thuốc trừ cỏ.

Theo đó, các loại giống rau được nhập khẩu từ Nhật Bản. Hiện có các loại rau chủ yếu như cà chua, rau cải, bí ngồi, dưa chuột, ớt ngọt... Cây giống được ươm trong các giá thể là xơ dừa trộn hợp chất dinh dưỡng trong những vỉ xốp.

Hệ thống thủy canh sẽ chăm sóc cho rau trong suốt quá trình sản xuất. Những ống nước chứa chất dịch thuỷ canh theo hệ thống được dẫn bên dưới tới từng cây rau. Đây là loại dung dịch đặc biệt, bao gồm các nguyên tố đa lượng và vi lượng, hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu bệnh. Dung dịch dinh dưỡng này sẽ chảy đến từng cây trong hệ thống trước khi hồi lưu về thùng chứa. Hệ thống đóng mở tự động được nối giữa máy bơm và hệ thống dẫn nước, có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm nước trong ngày.

Trồng rau theo phương pháp thủy canh có ưu điểm giúp cây phát triển nhanh, độ đồng đều cao, thời gian thu hoạch nhanh (giảm 10 - 15 ngày so với trồng bình thường). Sau 23 ngày cấy luống là có thể thu hoạch rau sạch và hầu như không có sâu bệnh. Rau sạch tuyệt đối vì không dính đất cát, khi thu hoạch chỉ việc nhấc cây lên, cắt gốc và đóng bao bì là có thể xuất hàng. Trong trường hợp sâu bệnh quá nhiều, công nhân chỉ dùng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên như ớt, xả, gừng… để phun phòng trừ, xua đuổi côn trùng.

08-36-31_2 08-36-31_3
Khi dự án hoàn thiện, trang trại tạo ra sản lượng lớn nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng
Sản phẩm rau sạch của trang trại đã được chính những chuyên gia của Nhật Bản giới thiệu và bao tiêu để cung cấp cho người Nhật ở Hà Nội và một số thành phố khác. Trung bình cứ 2 ngày, trang trại lại xuất bán 1 tấn rau theo lộ trình trên. Ngoài ra, trang trại cũng cấp hàng cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán rau và khách hàng đặt mua từ các nơi.

Chị Dương Thị Hằng, một công nhân của trại cho biết, chị phụ trách khâu nhổ cỏ ở các nhà lưới trồng cây bồ công anh tím và đỗ tương xanh Nhật. Cách làm rau ở trang trại hoàn toàn mới, giúp giảm đến 80% nhân công và đặc biệt sâu bệnh rất ít xuất hiện. Công nhân được làm việc rất nhàn nhã, trong môi trường sạch, an toàn, không lo mưa nắng. Qua 1 năm làm ở đây, chị đã thuộc phương châm của trại là làm chậm, chắc, đảm bảo đúng sản phẩm rau sạch mới xuất bán.  

Mở rộng

Ông Hồng Sỹ Hưng, Giám đốc dự án Trang trại nông nghiệp sạch Thái Nguyên bày tỏ, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm phải chi một tỷ USD cho nhập khẩu rau củ quả, vậy tại sao chúng ta không tận dụng quỹ đất để làm nông nghiệp công nghệ cao? Từ những trăn trở đó, anh và các thành viên trong doanh nghiệp đã dồn tâm huyết để phát triển trang trại này.

Năm 2015, theo phê duyệt của UBND tỉnh Thái Nguyên, trang trại có quy mô 26ha. Trong đó, có 10ha trồng rau cải Nhật Bản, cà chua, ớt ngọt; cây dược liệu như hà thủ ô, đinh lăng theo đơn đặt hàng của Cty CP Dược phẩm Traphaco; 7ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Còn lại là khu chế biến và sản xuất giống.

Hiện doanh nghiệp đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng vào xây dựng và sản xuất. Việc sản xuất kinh doanh đều đạt hiệu quả và triển vọng. Từ đề nghị của đối tác nước ngoài, mục tiêu của giai đoạn sắp tới là trang trại tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khó khăn đối với việc mở rộng dự án lên 100ha đã được quy hoạch và thống nhất không phải bởi nguồn vốn hay các đối tác liên kết mà lại là do khâu giải phóng mặt bằng triển khai chậm trễ.

08-36-31_4
Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Ông Hoàng Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Thái Nguyên nhận xét, trang trại này là một trong những mô hình tiên phong với quy mô, giá trị đầu tư lớn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nhà đầu tư dự án có tâm huyết, hăng say và đúng vào thời điểm được khuyến khích. Cơ quan chuyên môn cũng hỗ trợ và mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện tối đa để ủng hộ dự án.

Ông Vũ Hải Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Thượng cho biết, trang trại nông nghiệp sạch Thái Nguyên là mô hình nông nghiệp mới, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn cung cấp cho thị trường. Mô hình có vốn đầu tư lớn do đó địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, tiến tới nhân rộng công nghệ trên địa bàn.

Theo Đồng Văn Thưởng/Báo Nông Nghiệp.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay34,713
  • Tháng hiện tại856,227
  • Tổng lượt truy cập84,832,644
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây