Thầy giáo Nguyễn Ngọc Sanh đang phơi nấm trong vườn nhà. Ảnh: G.Khánh
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi về thầy giáo Nguyễn Ngọc Sanh - người ở phường 8, thành phố Đà Lạt hoàn toàn khác xa so với những gì được giới thiệu trước đó. Đó không phải là hình ảnh một ông giáo có dáng vẻ đạo mạo mà là một bác nông dân thực thụ trong trang phục của một người làm vườn.
Từng là Hiệu trưởng của Trường Tiểu học Trưng Vương - một ngôi trường có tiếng tại thành phố Đà Lạt, năm 2015, sau khi về hưu được sự tư vấn của người thân trong gia đình, ông đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất trên mảnh đất sau vườn nhà mình để trồng nấm linh chi đỏ - một loại nấm có giá trị kinh tế cao “vừa để tạo cho gia đình thêm nguồn thu nhập cũng là niềm vui cho những ngày về hưu” - ông chia sẻ.
Linh chi đỏ không phải là loài nấm dễ trồng. Trong những ngày đầu mới bước chân vào làm một nông dân thực thụ, thầy giáo Nguyễn Ngọc Sanh đã gặp không ít khó khăn, “Bởi đây là một loại nấm đòi hỏi hết sức nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật trong các khâu, từ khâu chuẩn bị bịch phôi, nuôi trồng cho đến thu hoạch và bảo quản. Ngoài ra còn phải hết sức lưu tâm đến điều kiện khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm để nấm sinh trưởng tốt” - ông cho biết.
Để khắc phục những khó khăn đó ông đã chịu khó đi tìm hiểu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi trồng nấm linh chi trên địa bàn thành phố Đà Lạt cũng như nhiều nơi khác. Ông mua phôi giống từ Đức Trọng với mỗi bịch trên 5 nghìn đồng. “Mua phôi giống phải ở những chỗ có uy tín, đảm bảo vô trùng để khi trồng không có dịch bệnh”- ông cho biết.
Trong quá trình làm, ông còn được sự giúp đỡ hết sức đắc lực của người con rể là anh Nguyễn Lê Quốc Hùng, vốn là một kỹ sư sinh học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu giống nấm linh chi, nên những trở ngại ban đầu dần được tháo gỡ.
Sau khoảng 4 tháng nỗ lực vừa học vừa làm, những thành quả đầu tiên đã đến với ông, Trên nền diện tích ban đầu là 100 m2, ông đã thu vụ nấm đầu tiên, sau khi phơi khô thu được khoảng 1,5 tạ, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng.
Hiện ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi trồng của mình lên 300 m2 với mỗi đợt xuống giống trên 30 ngàn bịch phôi nấm. Mỗi bịch phôi nấm như vậy theo ông có thể thu được ba đợt nấm, đợt đầu tiên mất khoảng bốn tháng để có thể thu hoạch, các đợt sau đó được thu hoạch trong thời hạn ngắn hơn. Với diện tích trồng nấm này ước tính cơ sở của ông mỗi năm có thể xuất ra thị trường hơn 1 tấn nấm khô, với giá nấm khá cao như hiện nay ông có thể thu được tiền tỷ.
Khi cơ sở đã dần đi vào ổn định, thầy giáo Nguyễn Ngọc Sanh đang bắt tay vào việc nghiên cứu làm sao để ngày càng nâng cao chất lượng nấm trồng trong vườn nhà cũng như tìm kiếm đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm của mình.
“Thật ra, trồng loại nấm này cũng không khó lắm, vấn đề là làm sao kiểm soát được dịch bệnh để cây phát triển ổn định” - ông chia sẻ.
Theo ông Dương Ngọc Đức - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt, hiện trên toàn địa bàn thành phố các mô hình trồng nấm linh chi đỏ vẫn còn rất ít, chỉ đơn lẻ vài hộ nuôi trồng, bởi đây là một nghề đòi hỏi vốn hiểu biết nhất định về kỹ thuật cũng như chi phí đầu tư ban đầu. Thành phố Đà Lạt có khí hậu khá lý tưởng để nghề nấm phát triển nên đã khuyến khích các nông hộ phát triển nghề trồng nấm, trong đó có nấm linh chi đỏ.
Còn với thầy giáo về hưu Nguyễn Ngọc Sanh, ông như đang thử sức trong một lĩnh vực mới với sự trợ giúp của người thân trong gia đình và tìm thấy niềm vui của mình hằng ngày trong trại nấm sau nhà. Rảnh rỗi ông lại đi đây đi đó học hỏi thêm kinh nghiệm trồng nấm, kinh nghiệm quản lý dịch bệnh từ những người có chuyên môn và những người đi trước để mong phát triển thêm trại nấm của mình. “Đất nhà rộng, mình ở Đà Lạt xứ nông nghiệp công nghệ cao mà không làm gì cũng uổng” - ông tươi cười.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã