Những năm trước đây, vùng đất Hương An được đánh giá là một vùng đất cằn cổi và khó sản xuất. Với diện tích hơn 287ha đất nông nghiệp nhưng chỉ được 207ha là đất sản xuất lúa nước, 80ha còn lại chỉ trồng được 1 vụ lạc “lộc trời” (vụ Đông – Xuân).
Chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả
Để tìm giải pháp làm giảm diện tích đất hoang và tạo thu nhập cho người dân trong phường, HTX nông nghiệp Hương An đã cùng với chính quyền địa phương mạnh dạn đưa mô hình trồng cây hành lá vào sản xuất dựa trên điều kiện mà địa phương sẵn có như: nguồn nước dồi dào, vùng đất cát pha cao vừa là loại đất thích hợp, vừa không bị ảnh hưởng do lũ lụt gây ra.
Ông Phan Lộc - Giám đốc HTX vui mừng khi nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP
Sau khi trồng thành công thí nghiệm ở đội 1 (HTX nông nghiệp Hương An), HTX đã khuyến khích bà con 6 đội còn lại nhân giống, mở rộng sản xuất. Đến nay, diện tích gieo trồng đạt trên 60ha và đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đặc biệt, vụ Hè Thu năm nay, tổng thu mà HTX đạt được trên 25 tỷ .
“Như mấy năm trước, 1 sào ruộng tôi làm cật lực lắm cũng chỉ thu hoạch được 3-4 tạ, quy ra tiền thì cũng khoảng 1triệu 500 nghìn đồng. Bây giờ, trồng hành lá, cứ 1 lứa (45 ngày) tôi thu hoạch được 7 tạ với giá sàn là 18 nghìn/kg, gia đình tôi thu về được 12 triệu đồng, gấp 11 lần so với trồng lúa”, ông Phan Danh (trú thôn cổ Bưu, phường Hương An) cho biết.
Người dân đang thu hoạch để chuẩn bị bán cho các thương lái
Xây dựng thương hiệu “sạch”
Ông Phan Lộc – Giám đốc HTX nông nghiệp Hương An – hào hứng cho biết bà con trong HTX rất vui mừng vì vụ Hè Thu năm nay thời tiết thuận lợi, hành lá phát triển nhanh và đạt năng xuất cao.
Bên cạnh đó, các địa phương sản xuất chủ lực về cây này như Nghệ An, Ninh Thuận và các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng bão lũ nên số lượng hành lá năm nay cũng hạn chế. Vụ này, hành lá được giá và ổn định từ 25.000 đến 34.000 đồng/ kg nên tổng thu HTX ước tính trên 25 tỷ đồng, nhiều hộ dân trừ chi phí sản xuất cũng lời hàng trăm triệu đồng.
Nói về những định hướng và bước phát triển trong tương lai, ông Lộc cũng như nhiều hộ dân trồng hành trong HTX rất mong muốn xây dựng được một thương hiệu “sạch” để lan rộng cả nước và tương lai sẽ hướng đến xuất khẩu…
Đến nay, HTX đã vận động người dân tham gia gieo trồng 16,5ha hành lá (gồm 177 hộ, 800 thành viên) theo tiêu chuẩn VietGAP và được Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế trao giấy chứng nhận.
HTX đang vận động bà con mở rộng sản xuất lên khoảng 150ha và phối hợp trường Đại học nông lâm Huế cùng các ban ngành liên quan để xây dựng một vùng sản xuất chuyên canh khoa học với hệ thống mương nước bê tông hóa, đưa chế phẩm sinh học vào trong trong quá trình trồng hành lá.
Với 60ha đất trồng hành lá, trung bình mỗi năm HTX nông nghiệp Hương An thu về trên 25 tỷ đồng
Tương lai, HTX và chính quyền địa phương đang xây dựng đề án để xin Nhà nước hoặc các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà máy chế biến hành lá khô. Qua đó, tạo được vòng tròn khép kín sản xuất hành lá và sẽ giúp hành lá được bảo quản lâu hơn trong quá trình chờ tiêu thụ.
Phan Tiến
http://thoibaokinhdoanh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã