Chuyện trước đây
Thuở thiếu niên, vào mùa nước nổi, tôi thường chống xuồng vào cánh đồng để cắt đọt lúa mùa cho bò ăn. Có một lần, đang cắt đọt lúa thì trời mưa giông, tôi với đứa em đi cùng xuồng thấy xa xa có cái chòi cao cao liền chống xuồng tới, hy vọng có chỗ trú mưa…
Khi cặp xuồng vô, hai đứa nhìn cái chòi bên trên lợp lá, xung quanh che sơ sài mấy tàu dừa và khi nhìn kỹ bên trong chòi mà hai đứa muốn té xỉu.
Thì ra đó là một cỗ quan tài kê trên mấy cây đà ngang được gác trên mấy trụ cây xóc chéo. Mùi hôi thúi nồng nặc muốn nôn mửa, cùng với cảm giác sợ hãi không chịu nổi…
Đó là cách giải quyết của không ít hộ gia đình khó khăn khi có người thân chết trong mùa nước nổi. Vì lúc đó (những năm 70 của thế kỷ trước), mùa nước nổi, nước tràn ngập ruộng đồng, đường làng không nơi chôn cất. Người ta tạm an táng trong chòi dựng trên đất của mình, chờ nước rút sẽ hạ thổ.
Sau khi nước rút, người đào huyệt đặt quan tài xuống, xây nấm mộ…
Một mô hình mới ra đời
Năm 2003, tôi biết được ở ấp Long Châu I, xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú, An Giang) có ông Ba Phước, tên thật là Trần Văn Minh đã xây dựng một nghĩa địa Từ Thiện với diện tích trên 7.000m 2 nên tìm tới với mong muốn giúp người đọc biết thêm một mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc…
Năm 2009, tôi cũng đã tìm tới ông Ba Ngách, tên thật là Phan Thanh Châu, sinh năm 1932, sống ở ấp Bình Đức, xã Bình Phú, huyện Châu Phú để tận mắt nhìn nghĩa địa từ thiện mà ông đã xây dựng trên chính mảnh đất 8.000m 2 nhà mình…
Đây là mảnh đất trồng lúa ven kinh 13, được ông Ba Ngách cho đắp đất cao lên khỏi ngập nước và xây từng dãy hộc bằng xi măng liền kề, mỗi hộc có kích cỡ đủ đặt quan tài. Và cũng giống như nghĩa địa từ thiện của ông Ba Phước, bên cạnh đó nghĩa địa từ thiện của ông Ba Ngách còn có trại hòm thí.
Rời nghĩa trang nhân dân Bình Long, tôi tìm cô Phụng Tiên trước làm ở Đài truyền thanh huyện hỏi thêm thông tin. Rất may, cô cũng đã từng được ông Nguyễn Ngọc Bờ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của huyện Châu Phú cung cấp số liệu, tôi mới ngỡ ngàng. Trên địa bàn Châu Phú hiện có 18 nghĩa trang nhân dân với diện tích tổng cộng đến 67.700m 2 nằm trên 13/13 xã, thị trấn của huyện, đã có gần 10.000 người được mồ yên mả đẹp mà không bắt buộc đóng bất cứ một lệ phí nào.
Cách làm của hai ông giống nhau, cùng hiến đất, góp tiền xây dựng nghĩa địa, ai có người thân chết đi mà không có chỗ chôn cứ mang đến…
Giờ đây ông Ba Phước và ông Ba Ngách đã mất, nhưng hai khu nghĩa trang từ thiện này đã giúp bao gia đình có nơi chôn cất người thân được mồ yên mả đẹp và công đức của hai ông luôn được nhiều người nhắc tới với cả lòng ngưỡng mộ, biết ơn.
Cái tình nơi thôn quê
Nghe tin mẹ anh Nguyễn Minh Hùng qua đời, tôi vội về Châu Phú tiễn bác gái đến nghĩa trang nhân dân xã Bình Long. Một mảnh đất rộng, có một khu đã được chôn cất kín với những dãy mồ xây bằng xi măng, lát gạch sạch sẽ, có nhiều loài hoa được trồng trên khoảng trống của những nấm mồ.
Khu còn lại đã được xây hộc một khoảnh và có hàng trăm người an nghỉ nơi đây. Quan tài được khiêng từ xe tang để lên trên khung sắt đặt trên đường ray và từ từ được đẩy vào cái hộc đã được xác định an táng mẹ của anh bạn tôi. Sau phần nghi lễ tụng niệm, hạ huyệt, mỗi người bốc một nắm cát bỏ vào huyệt và ra về.
Anh Nguyễn Minh Hùng cho tôi biết, với mỗi ngôi mộ, tùy theo yêu cầu của gia đình người mất, thích loại gạch lát nào, màu gì…thì chọn với giá khác nhau; tiền xây nấm mộ thấp nhất khoảng 3 triệu, cao nhất cũng chỉ 8 triệu, ngoài ra không tốn tiền gì khác.
Tôi vào nhà Ban quản lý nghĩa trang nhân dân xã Bình Long, may mắn được tiếp chuyện với chú Hai Bé, tên thật là Trần Văn Hai, sinh năm 1936. Chú như một quản trang ở đây. Chú Hai đang nạp dữ liệu vào sổ lý lịch từng ngôi mộ được ký hiệu chữ và số, theo hàng ngang, dọc, ghi rõ họ tên…
Một góc nghĩa trang Bình Long
Chú bảo để gia đình thân nhân dễ tìm thăm mộ. Bởi lẽ, thời gian sau sẽ có biết bao người vào đây an nghỉ, nếu không có sơ đồ thì cũng khó tìm. Nhìn con số trong sổ, tôi biết nghĩa trang này hiện nay có đến trên 900 ngôi mộ.
Nghĩa trang nhân dân Bình Long do rất nhiều người đóng góp, được xây dựng vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009 chính thức nhận an táng người mất với tiêu chí, gia đình người mất tự nguyện xin an táng và chấp hành theo sự sắp xếp với thứ tự trước sau, không được tự ý chọn hộc, không xây nấm mộ quá kích thước qui định, loại vật tư xây nấm thì tùy…
Ban quản lý chấp nhận an táng người mất không phân biệt tôn giáo, nơi cư trú, giới tính, tuổi tác… và không thu bất cứ lệ phí nào.
Chú Bảy, tên thật là Châu Phú Túc, là người trông coi khu nghĩa trang này, Chú đã trên 70 tuổi nhưng vẫn minh mẫn, điềm đạm chia sẻ: Mấy anh em tôi, hàng ngày thấy công việc xây dựng, bảo quản nghĩa trang này có ích cho đời nên tự nhận việc về phần mình làm, không nhận thù lao. Mình tự nguyện đóng góp công sức giúp người, tạo phúc đức cho con cháu mà tính toán gì chú…
theo Báo Nông Nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã