Với quyết tâm làm nông nghiệp công nghệ cao, nông dân Nguyễn Quốc Nguyên Vũ, ở xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã tạo dựng một “cơ ngơi” đáng nể với tổng số vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nông dân "cổ cồn" 8X Nguyễn Quốc Nguyên Vũ đăng chăm sóc vườn dưa lưới trồng theo công nghệ cao.
Khu vườn mơ ước
Chúng tôi đến trang trại, Nguyên Vũ đang tất bật các công việc chuẩn bị cho thu hoạch vụ 4 dưa lưới công nghệ cao để kịp xuất ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Có tận mắt chứng kiến mới thấy hết niềm say mê của ông chủ trẻ Nguyên Vũ với “nghiệp vườn” thời công nghệ cao. Tại trang trại Phúc An của Nguyên Vũ, đứng trên đài quan sát nhìn bao quát sẽ thấy trang trại được phân thành từng lô, từng khu rất chi tiết.
Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà màng trồng dưa lưới, Nguyên Vũ hào hứng chia sẻ: “Đây là khu vườn ước mơ mà lâu nay tôi ấp ủ. Khi tham quan ở Bình Dương và khu công nghệ cao Cẩm Mỹ - Đồng Nai, tôi đã tìm hiểu và chọn cho mình hướng đi trồng cây dưa lưới. Bởi theo tìm hiểu, loại dưa này không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn đáp ứng mong muốn cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường”.
Với tâm huyết và kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao tích lũy được qua học tập từ sách báo và những chuyến tham quan học hỏi, Nguyên Vũ bắt đầu tích lũy vốn đầu tư dưa lưới. |
Ban đầu, 2 nhà màng với diện tích 4.000m2, Nguyên Vũ đầu tư mỗi nhà màng khoảng 1,2 tỷ đồng, với hơn 10.000 gốc dưa lưới giống TL3, TP1. Sau 2,5 tháng trồng đã cho thu hoạch, 1 trái nặng từ 1,5 - 1,8kg, trung bình 1 nhà màng cho 7 tấn dưa.
Đối tác bao tiêu sản phẩm dưa lưới của Nguyên Vũ ở TP. Hồ Chí Minh thu mua 55 ngàn đồng/kg. Mặc dù chi phí đầu tư khá lớn nhưng qua 3 vụ thu hoạch, hiệu quả rất tốt. Hiện nay, anh đang xúc tiến đầu tư thêm 2 nhà màng với diện tích 4.000m2, dự kiến qua Tết Mậu Tuất sẽ đưa vào sử dụng.
Theo Nguyên Vũ, khí hậu khu vực Hòn Giồ thích hợp nhất cho trồng dưa lưới, bởi vùng đất này vốn trước đây trồng dưa hấu lấy hạt. Dân gian có câu: “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, nhờ nắng nhiều, độ ẩm tốt nên có những thời điểm ở đây dưa lưới thụ phấn rất nhanh, trái dưa sinh trưởng tốt. “Nếu như sau này, tiếp tục trồng hiệu quả, tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật cho người dân, đồng thời sẽ đặt vấn đề thu mua sản phẩm dưa lưới cho bà con”... Nguyên Vũ hy vọng.
Nguyễn Quốc Nguyên Vũ bên vườn thanh long. Anh trồng 3 dòng thanh long chủ lực là thanh long ruột đỏ, ruột trắng và ruột tím hồng.
Trang trại khép kín
Sinh năm 1984, Nguyên Vũ từng trải qua nhiều ngành nghề trước khi tạo dựng cơ ngơi trang trại khép kín với hơn 46 ha gồm 45 ha thanh long ruột đỏ, trắng, tím hồng, một trại chăn nuôi bò và 4.000m2 dưa lưới.
Đầu tiên anh trồng thanh long tại xã Hàm Minh khoảng 400 trụ và mở cửa hàng sắt, thép, cửa nhôm để tích lũy vốn. Sau đó, anh đến khu vực hồ Đu Đủ trồng thêm 6.000 trụ thanh long nhưng do nguồn nước không chủ động, đường sá đi lại khó khăn, anh tìm đến khu vực Hòn Giồ ở xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Vùng đất này còn lạ lẫm, trong tâm trí anh khu vực này chỉ thích hợp nuôi bò, bởi nơi đây có một đồng cỏ bao la xanh mướt trải dài.
Bắt đầu từ năm 2015, trang trại Phúc An được hình thành với quy mô 10 ha. Lúc này, Nguyên Vũ khởi nghiệp với 70 con bò cái và trồng vài ngàn trụ thanh long để tận dụng phân bón. Nhận thấy khí hậu nơi đây vô cùng thuận lợi nên anh mở rộng sản xuất. Chỉ sau 3 năm, số lượng bò cái đã nhân lên 200 con. Sau thành công ban đầu, Nguyên Vũ đã “thừa thắng xông lên”, mỗi khi tích lũy được vốn, anh liên tục mở rộng trang trại, trồng thêm thanh long ruột đỏ, tím hồng và đầu tư mô hình dưa lưới công nghệ cao.
Thu hoạch dưa lưới tại trang trại Phúc An của nông dân 8X Nguyễn Quốc Nguyên Vũ.
Trong hành trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, không ít lần Nguyên Vũ gặp trắc trở và cũng không ít lần những quyết định “liều lĩnh” đã giúp anh thành công. Đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ như in thời điểm anh quyết định bán 6.000 trụ thanh long ở hồ Đu Đủ cộng thêm vốn vay ngân hàng để đầu tư mới trang trại Phúc An.
Biết là liều lĩnh, nhưng không thử sao biết được có thành công hay không? Sau một thời gian nỗ lực, trang trại khép kín của anh đã thành công đem lại lợi nhuận cao. Hiện nay, thanh long trang trại Phúc An đã đạt chuẩn VietGAP và đang hoàn thiện quy trình sản xuất GlobalGAP.
Hơn 1 năm nay, thanh long Phúc An xuất đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, NewZealand, Canada… Theo Nguyên Vũ: “Chăn nuôi, trồng trọt khép kín theo công nghệ cao là hướng đi bền vững. Tuy rằng ban đầu vốn đầu tư cao, lợi nhuận thấp nhưng về lâu dài chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sẽ được nâng cao, đẩy mạnh. Từ đó thu hút khách hàng mới, giữ được khách hàng cũ, mở rộng thị trường, tạo cơ sở cho sự phát triển lâu dài”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;