Nằm ở vùng ven sông Hồng với lợi thế đất phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào, trong những năm qua, nông dân ở các xã như Văn Lang, Bằng Giã, Chuế Lưu, Động Lâm, Lâm Lợi, Hiền Lương đã tích cực xen canh gối vụ để trồng cây hoa màu. Cây bí đao từ lâu tưởng như “ế ẩm” trên thị trường rau quả vậy mà với sự kiên trì, các hộ nông dân ở Hạ Hòa đã trải một màu xanh của bí trên khắp ruộng đồng. Một tín hiệu vui là với thổ nhưỡng khá phù hợp, giống bí đao đã phát triển mạnh, cho quả nhiều, thị trường có nhu cầu cao.
Sau vụ gặt, người nông dân Hạ Hòa đã để ruộng khô khoảng 1-1.5 tháng rồi cày ải rồi dùng chính rơm rạ của mùa trước để đốt lấy tro làm phân cho diện tích đất ruộng. Vào độ cuối thu, người dân bắt đầu trồng bí theo từng hàng thẳng và cắm dèo như trồng đậu. Bí dây leo mọc đều theo hàng. Để bí đao phát triển đều đặn, người dân thường cho nước chảy bên dưới các luống để tạo độ ẩm cho bí. Nhờ thế, bí ra quả đều và sai.
Trong quá trình trồng bí đao, theo kinh nghiệm, người nông dân ở Hạ Hòa chú ý đến sâu ăn lá, nguồn nước tưới và cỏ dại. Nhờ có kinh nghiệm được đúc kết từ lâu nên năm nào cũng vậy, dù thời tiết không ủng hộ thì diện tích bí đao trên cánh đồng ở Hạ Hòa vẫn phát triển tốt, cho quả đều, to.
Hiện nay, toàn huyện Hạ Hòa có trên 200ha bí đao được trồng rải rác ở các xã, thị trấn vùng ven sông Hồng. Một điều dễ nhận thấy là đa số bà con nông dân ở các xã đã biết tận dụng diện tích đất ruộng chờ cấy vụ xuân để trồng bí. Như thế vừa tận dụng được đất bỏ không, vừa nâng cao thu nhập. Hiện nay, các xã như Văn Lang, Chuế Lưu là những địa phương được coi là “vựa bí đao” của huyện với diện tích bí khá lớn. Trong đó, xã Văn Lang, một địa phương nằm ở vùng ven sông Hồng với những cánh đồng bằng phẳng, màu mỡ, lại giáp quốc lộ 32C nên thuận tiện cho đầu ra của bí nên sau vụ gặt, các hộ nông dân ở địa phương này đã tích cực trồng bí với quy mô lớn. Diện tích bí đao của xã Văn Lang tăng dần theo năm với sự tăng lên nhu cầu của thị trường. Năm 2012, toàn xã trồng 47 ha và thu về trên 9 tỷ đồng, đến vụ đông năm 2013 xã mở rộng diện tích trồng bí xanh lên 65 ha. Nhờ được chăm sóc tốt bí xanh cho năng suất khoảng 1,3 tấn/sào, với giá bán 5-6 nghìn đồng/kg một sào bí cho tổng thu 9 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi khoảng 6 đến 7 triệu/sào, gấp 5-6 lần so với trồng lúa và trồng ngô. Vụ đông năm nay, cây bí đao được trồng trên đồng đất của xã chiếm tới trên 50% diện tích cây hoa màu được trồng.
Một tín hiệu vui đối với người nông dân ở Hạ Hòa là cây bí đao là loại hoa màu được đưa vào Dự án nông nghiệp cận đô thị trên địa bàn huyện Hạ Hòa. Vì thế, đây là cơ hội và triển vọng để người nông dân ở Hạ Hòa mở rộng diện tích bí đao theo hình thức xen canh sau vụ lúa.
Vào dịp cuối năm, giáp tết, trên những cánh đồng ở Hạ Hòa, người dân tấp nập thu hoạch bí đao để cung cấp ra thị trường gần và xa. Nhiều hộ dân sau khi thu hoạch đã bảo quản tại nhà để đến tháng ba, tháng tư năm sau bán, khi ấy giá bí đao sẽ tăng hơn so với lúc chính vụ. Với năng suất bí đao khoảng 1.5 tấn/sào mỗi năm, các hộ nông dân ở Hạ Hòa có thu nhập vài chục đến hằng trăm triệu đồng mỗi năm tùy theo diện tích và quy mô trồng bí của mỗi hộ dân. Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê mình nhờ cây bí đao.
Theo hoinongdan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã