Được nhiều người biết đến với hàng loạt sáng kiến nuôi chim bồ câu, chim trĩ, trồng lan... mới đây anh Lê Văn Hiệp (SN 1979, xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai) đã liên kết với các hộ dân trồng gấc lai cao sản của Mỹ, với tham vọng tạo nguồn hàng lớn để xuất khẩu.
Mong muốn thay đổi cuộc sống trên mảnh đất quê mình luôn là khát khao cháy bỏng của người nông dân trẻ ham học hỏi Lê Văn Hiệp. Ước mơ làm giàu bằng nghề nông luôn là động lực thôi thúc anh không ngừng học hỏi, dày công tìm tòi sáng kiến cũng như mô hình mới.
Một dịp anh biết được thông tin có vị bác sĩ ở Hà Nội đã chế tạo thành công một loại dược liệu chữa bệnh từ tinh dầu gấc. Thấy hay, anh Hiệp lên mạng tìm hiểu thông tin cũng như mua đủ các loại sách báo viết về cây gấc để đọc.
Sau một thời gian tìm hiểu, anh thấy trái gấc có rất nhiều chất quý có thể bào chế các loại thuốc cho người bị nhiễm chất độc da cam, giúp sáng mắt, bồi bổ cơ thể... Qua tìm hiểu anh thấy giống gấc phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương mình nên quyết định trồng thử.
Anh Hiệp đã bỏ ra hàng chục triệu đồng cải tạo 4 ha đất bạc màu đang trồng khoai mì kém hiệu quả để đầu tư cây gấc, lắp hệ thống tưới tiêu, giàn tưới theo đúng quy chuẩn. Năm 2103 anh xuống TP.HCM mua 4.000 cây gấc giống của một đơn vị uy tín.
“Trồng gấc ăn thua là ở khâu chọn giống. Cây gấc truyền thống thường cho quả bé, vỏ dày, thịt ít nên tôi quyết chọn giống gấc lai cao sản của Mỹ, dù giá có cao hơn nhưng cho quả to, năng suất cao, hàm lượng dinh dưỡng cũng cao hơn so với giống gấc cũ. Gấc lai cao sản cũng đang được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng”, anh Hiệp chia sẻ.
Anh Hiệp khuyến cáo, sau mỗi vụ thu hoạch bà con nên cắt gốc, chỉ để lại 10 - 15 cm để cây nảy mầm ra những dây mới, đồng thời cắt ghép các giống gấc lai vào gốc gấc cũ. Trong thời gian gấc chưa leo giàn, có thể tận dụng diện tích để trồng xen canh một số loại rau màu ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập. |
Cây gấc dễ sống, phù hợp với nhiều loại đất khác nhau nhưng lại dễ bị bệnh, vì thế để chăm sóc tốt vườn gấc của mình, anh Hiệp phải thường xuyên đọc thêm các tài liệu hướng dẫn từ sách báo để phòng trừ các loại dịch hại thường gặp. Những lúc vườn cây nhà anh gặp bệnh nặng thì có cán bộ khuyến nông của huyện xuống hỗ trợ ngay nên gấc phát triển rất tốt.
Qua chưa đầy một năm, vườn gấc nhà anh Hiệp đã cho thu hoạch lứa đầu. Với diện tích 4 ha, lứa đầu tiên anh thu hoạch được gần 15 tấn, xuất bán với giá 13 ngàn đồng/kg cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Về thị trường tiêu thụ sản phẩm gấc, anh Hiệp cho biết: “Trái gấc đang được thị trường nhiều nước ưa chuộng như Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan… song sản lượng đáp ứng còn hạn chế. Hiện sản phẩm chủ yếu cung cấp cho Cty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD) ở Hà Nội".
Để tăng sản lượng đáp ứng cho đơn hàng đã ký với Cty Xuất khẩu nông sản Việt (TP.HCM) xuất khẩu gấc đi Hà Lan, anh Hiệp đã liên kết với 12 hộ dân ở xã Suối Trầu (huyện Long Thành) trồng 20 ha gấc và giới thiệu giống gấc cao sản của Mỹ cho nông dân ở Bình Phước. Anh còn sáng chế thành công máy sấy gấc...
Theo anh Hiệp, gấc có tuổi thọ sinh trưởng khá dài có thể cho thu hoạch trong vòng từ 10-15 năm, qua năm thứ 3 thì năng suất cây gấc sẽ đi vào ổn định, những năm về sau năng suất càng cao, ước tính khoảng 10 - 15 tấn/ha. Với 4 ha gấc, mỗi năm nhà anh thu không dưới 500 triệu đồng.
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;